Chợ Đồng Xuân (Hà Nội) – TOP 5 khu chợ đặc trưng ba miền của Việt Nam được nhiều người biết đến (P.1) – [VIETKINGS-TOPPLUS – Hành trình TOP Việt Nam]

(kyluc.vn) Chợ Đồng Xuân là một trong những ngôi chợ lớn và tồn tại lâu đời nhất trong khu phố cổ Hà Nội. Khu chợ Đồng Xuân này có tuổi lâu đời tại mảnh đất thủ đô, trải qua hàng trăm năm lịch sử có từ thời phong kiến nhà Nguyễn. Không chỉ là một trong những ngôi chợ diễn ra hoạt động giao thương sầm uất, mà chợ Đồng Xuân đã trở thành nét văn hóa đậm chất Hà Nội và trở thành địa điểm ngôi chợ đáng đến trong chuyến tham quan du lịch

Mặc dù các trung tâm thương mại và siêu thị hiện đại cứ đua nhau mọc lên cùng trào lưu hội nhập kinh tế thế giới, nhưng giữa lòng Hà Nội, vẫn có một khu chợ truyền thống tấp nập kẻ bán người mua – chợ Đồng Xuân. Đây không chỉ là những cuộc giao thương thuần túy, mà nó đã trở thành nét đẹp văn hóa trường tồn bao đời nay của người dân Hà Thành.

 

 

Chợ Đồng Xuân được chính thức xây dựng từ giữa năm 1889 do một công ty thầu khoán của Pháp thi công trên diện tích khoảng 6500m2. Thiết kế ban đầu của chợ Đồng Xuân gồm năm dãy nhà và được phân vòm cuốn mặt trước, bên trong chia cách bởi đường đi giữa các vòm. Khu phía Đông Bắc là chợ Bắc Qua, khu phía Tây là chợ Đồng Xuân. Sau năm 1954, thành phố cho sửa sang, lợp lại mái tôn, sắp xếp lại bố cục bên trong, chợ Đồng Xuân đã trở thành một khu giao thương sầm uất. Tuy nhiên, vào năm 1994 chợ Đồng Xuân bị hỏa hoạn, thiêu rụi toàn bộ các sạp hàng gây thiệt hại lớn cho các hộ kinh doanh. Sau đó chợ được xây lại mới ba tầng như hiện nay. Chợ Đồng Xuân với ba mái vòm chính chạy dọc theo phố Đồng Xuân, nằm giữa lòng Thủ đô Hà Nội, với diện tích hơn 14000m2 và trên 2000 hộ kinh doanh trong khu chợ chính, gần 1000 hộ trong khu chợ đêm với nhiều ngành nghề khác nhau.

 

 

Sau Ngày Toàn quốc kháng chiến (19-12-1946), Khu Đồng Xuân và chợ Đồng Xuân trở thành cửa ngõ của Liên khu I gồm khu Hoàn Kiếm, Long Biên, Đồng Xuân, Đông Kinh Nghĩa Thục và Đông Thành. Khi quân viễn chinh Pháp đánh chiếm Hà Nội, tại đây đã diễn ra trận chiến đấu “60 ngày đêm khói lửa” bảo vệ Thủ đô. Các Vệ quốc quân và nhân dân Thủ đô đã chiến đấu anh dũng quả cảm, đập tan âm mưu đánh chiếm nhanh Hà Nội của thực dân Pháp; đồng thời tạo điều kiện để các lực lượng của ta rút ra ngoài, chuẩn bị cuộc kháng chiến trường kỳ. Ngày nay, bức phù điêu các Vệ quốc quân đã được dựng lên phía trước cửa chợ Đồng Xuân để tưởng nhớ công lao to lớn, ngợi ca tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” của những chiến sĩ “gan vàng dạ sắt” đã cống hiến xương máu cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của dân tộc. Chính sự hấp dẫn đến từ truyền thống văn hóa lịch sử, chợ Đồng Xuân luôn được người dân Thủ đô và nhân dân cả nước biết đến như một chứng tích của chiến tranh.

Cuối thế kỷ XIX, chợ Đông Xuân không chỉ có các mặt hàng sản xuất trong nước mà chợ bán rất nhiều hàng hóa tiêu dùng nhập từ nước ngoài, trong đó có táo, lê nhập từ San Fransico (Mỹ), vải từ Anh, hàng tiêu dùng từ Pháp, Hồng Kông và Thượng Hải (Trung Quốc), nên người ta bắt đầu chia thành từng dãy, đồng thời quy định cụ thể khu vực này bán hàng gì, khu vực kia bán hàng gì. Thẳng cổng chính là dãy bán vải, bên trái là bán hoa quả, kế đó là bán tạp hóa rồi đến các quầy bán thịt, rau, đồ sắt, ăn uống và có cả khu vực dành cho những người xem bói. Trong bài hát xẩm Vui nhất là chợ Đồng Xuân, người ta liệt kê ra rất cụ thể chuyện này:

… Vui nhất có chợ Đồng Xuân

Mùa nào thức nấy xa gần xem mua

Cổng giữa có chị bán dừa

Hàng cau, hàng quít, hàng dưa, hàng hồng

Ai ơi đứng lại mà trông

Hàng vóc hàng nhiễu thong dong mượt mà

Ngoài chợ có chị hàng hoa

Có người đổi bạc đi ra đi vào

Nào hàng bún nấu bán rao…

 

 

Đầu thế kỷ XX, rau quả từ Đà Lạt chuyển ra theo tàu hỏa, su hào, bắp cải từ Sapa chuyển về bằng ô tô và nhiều mặt hàng sản xuất từ Sài Gòn chuyển ra như xà phòng Cô Ba, nước hoa, rồi bàn chải, dầu nóng… Vì là chợ lớn, lại đầy đủ các mặt hàng nên sáng sáng đàn bà con gái người Pháp, Nhật, Ấn… và me Tây, muốn mua sắm gì đều phải lên Đồng Xuân. Phục vụ cho những người bán hàng và mua hàng là những đội bâté (phu chuyên mang vác thuê). Trong bộ sách Hà Nội nửa đầu thế kỷ XX, nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Uẩn viết: “Các phường bâté này là trẻ em cả trai lẫn gái dưới 16 tuổi chuyên cắp rổ theo người đi chợ, họ mua cái gì thì bỏ vào rổ của chúng, sau khi mua đủ chúng sẽ mang ra xe cho họ và nhận tiền boa”.

 

 

Do hội tụ được đủ các yếu tố thuận lợi về giao thông và dân cư, đặc biệt từ khi người Pháp xây dựng xong Cầu Long Biên cùng với việc duy trì các phố buôn bán và sản xuất hàng thủ công truyền thống như Hàng Chiếu, Hàng Giấy, Hàng Đậu… Nằm trong khu phố cổ gần bến sông và trung tâm đầu mối của các mặt hàng nông sản nên chợ nhanh chóng trở thành điểm buôn bán sầm uất thu hút sự chú ý của giới thương nhân trong và ngoài nước.

Không chỉ là nơi buôn bán huyên náo, nhộn nhịp, chợ Đồng Xuân còn chứa đựng nhiều giá trị văn hoá, tinh thần phản ánh cuộc sống, sinh hoạt của người dân kẻ chợ xưa và trở thành một góc của Hà thành, là điểm đến không thể thiếu của mỗi du khách khi dừng chân ở Hà Nội. Nói như nhà văn Băng Sơn: “Ai có dịp về Hà Nội, nếu chưa đi chợ Đồng Xuân thì coi như mới biết một phần nhỏ, một góc bé, hoặc chưa đến Hà Nội”.

 

 

 

Chợ Đồng Xuân là chợ đầu mối chủ yếu dành cho bán buôn. Tuy nhiên dạo quanh trong chợ, người mua vẫn tìm được cho mình những quầy hàng bán lẻ. Bên trong, chợ được chia làm 3 tầng chủ yếu với đầy đủ các mặt hàng thiết yếu. Ngay từ cửa vào là những hàng bán quần áo, kính râm, giày dép, vali cho đến đồ điện tử như điện thoại, cáp xạc, pin sạc, đèn pin siêu sáng, loa, đài radio…nhưng chủ yếu là những mặt hàng xuất xứ từ Trung Quốc. Tầng 2 là khu vực bán buôn bán lẻ quần áo cho người lớn và các loại vải vóc, gấm, lụa… còn tầng 3 chủ yếu bán đồ dành cho trẻ sơ sinh… Phía sau chợ có các hàng bán chim thú cảnh. Hàng thực phẩm và ăn uống chủ yếu bán ở chợ Bắc Qua. Phía Bắc của chợ, là các hàng ăn, phục vụ khách cả ăn đêm. Xung quanh chợ lúc nào cũng đông đúc nhộn nhịp. Hàng hóa từ đây vận chuyển đi khắp các tỉnh phía Bắc.

 

 

Là trung tâm buôn bán sầm uất bậc nhất ở Hà Nội, nhưng hiện nay chợ Đồng Xuân vẫn lưu lại những giá trị văn hóa lịch sử đặc trưng vốn có của nó. Cùng với tuyến phố đi bộ Hàng Đào – Đồng Xuân, chợ đêm Đồng Xuân đã ra đời góp phần đa dạng hóa hoạt động của chợ và phục vụ nhu cầu tham quan, vui chơi, mua sắm của du khách trong và ngoài nước.

 

———————————————————————–

Hành trình TOP Việt Nam – 50 TOP các điểm đến hấp dẫn của Việt Nam được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VietKings) và Trung tâm TOP Việt Nam triển khai từ và công bố dưới tiêu chí và góc nhìn của Ban quản lý hành trình Top với mục tiêu quảng bá các giá trị thiên nhiên, văn hóa, lịch sử và con người Việt Nam đến bạn bè trong nước và quốc tế, đồng thời kích cầu du lịch.

Mỗi tuần, các bài công bố sẽ được công bố rộng rãi trên hệ thống trang truyền thông chính thức của Tổ chức Kỷ lục Việt Nam – VietKings. Ban quản lý hành trình rất mong nhận được sự quan tâm theo dõi của bạn đọc trong và ngoài nước nhằm tiếp tục quảng bá và tôn vinh các điểm đến hấp dẫn của Việt Nam.

Mọi thông tin liên hệ xin gửi về:

TỔ CHỨC KỶ LỤC VIỆT NAM (VIETKINGS) – TRUNG TÂM TOP VIỆT NAM (TOPPLUS)

Địa chỉ: 1 Đặng Văn Ngữ, phường 10, Phú Nhuận, Thành phố Hồ Chí Minh

Liên hệ: Ms Phi – 0333 108 555

Email: noidungtopplus@gmail.com

Website: www.kyluc.vn/ www.topplus.vn

 

Diệu Phi – VietKings (tổng hợp và biên tập, ảnh Internet)

Chia sẻ:

Share on facebook
Share on twitter
Share on linkedin

Bài viết mới