Chợ Hàn (Đà Nẵng) – TOP 5 khu chợ đặc trưng ba miền của Việt Nam được nhiều người biết đến (P.3) – [VIETKINGS-TOPPLUS – Hành trình TOP Việt Nam]

(kyluc.vn) Đối với thành phố Đà Nẵng, chợ Hàn để lại một dấu ấn sâu đậm trong sinh hoạt kinh tế và văn hoá, gắn với nhiều thế hệ qua nhiều biến cố lịch sử khác nhau trong cuộc sống. Chợ Hàn nằm bên bờ sông Hàn, kể chuyện chợ Hàn cũng chính là kể một câu chuyện của thành phố bên dòng sông Hàn, phản ánh một bức tranh trong tiến trình lịch sử Đà Nẵng.

Trong “Thiên Nam tứ lộ đồ thư” được lập vào thế kỷ XVII, ghi rõ lộ trình từ đèo Hải Vân vào Quảng Nam như: “Ăn thì ở núi Hải Vân, trọ thì ở Chân Đằng, ăn thì ở chợ Hàn Quảng (tức chợ Hàn), trọ thì ở Tú Cú, ăn thì ở kho Hội An…”. Tuy vậy, cho đến khi Đà Nẵng trở thành nhượng địa của Pháp và được đặt tên thành Tourane vào cuối thế kỷ 19, thì chợ Hàn mới bắt đầu được người Pháp xây dựng kiên cố với các đình chợ và kios để bán cho các hộ tiểu thương.

 

Đại lộ République (nay là đường Hùng Vương) ở Đà Nẵng năm 1904. Bên phải là dãy nhà lồng của chợ Hàn, được xây dựng kiên cố với nhà lồng bằng bê tông cốt thép.

Khung cảnh nhộn nhịp của chợ Hàn xưa

 

Chợ Hàn những năm 1966-1967
Hàng hóa buôn bán ở chợ Hàn thời Pháp thuộc, được chia làm hai khu vực, khu phố chợ Hàn và khu chợ Hàn. Khu phố chợ nằm dọc hai bên chợ Hàn, chuyên mua bán những sản phẩm tiêu dùng hoặc lương thực với quy mô lớn. Tại đây, tập trung những cửa hàng, cửa hiệu độc lập của tư nhân người Hoa và một ít của người Việt. Các cửa hàng, cửa hiệu được xây dựng bằng gạch và chỉ cao một tầng, đằng trước để bày bán tất cả mọi loại hàng hóa, phía sau dùng làm kho hàng. Bên cạnh đó, người Pháp cũng đã cho xây dựng ga xe lửa trung chuyển Tourane marché để cho chuyên chở hàng hóa đến ga chính trên bờ sông Hàn, mà dấu tích của một ga cũ vẫn còn tồn tại cho đến đầu những năm 90, thế kỷ 20. Có thể nói chợ Hàn là nơi thuận tiện về giao thông đường bộ và đường thủy, lại được người Pháp chú trọng đầu tư nên đã có chiều dài lịch sử khá phát triển. Hàng hóa ngày ấy đến chợ theo đường bộ và đường thủy, đến những năm 90, một số hàng nông sản vẫn được người dân vận chuyển ra chợ Hàn bằng đường thủy và lên bờ tại vị trí ga đường sắt cũ.

 

Cảnh buôn bán ở chợ Hàn năm 1906. Nằm ở vị trí thuận tiện về giao thông, lại được đầu tư bài bản từ thời Pháp thuộc nên chợ Hàn có sự phát triển liên tục trong lịch sử.

Một buổi họp chợ vô cùng tấp nập

 

Ngày trước, người Đà Nẵng vẫn thường hay gọi chợ Hàn là “chợ nhà giàu” vì khách mua thường là những người thuộc giới thượng lưu. Nhưng ngày nay, chẳng còn mấy ai nhớ đến tên gọi đó, bởi chợ đã thay đổi nhiều, buôn bán tấp nập, hàng hóa phong phú dành cho mọi đối tượng với giá cả phải chăng và cũng là một chợ đầu mối quan trọng cung cấp cho các chợ nhỏ lẻ lân cận.

Ngày nay, chợ Hàn tọa lạc ngay trung tâm thành phố, gần cầu quay Sông Hàn, bốn mặt tiếp giáp bốn đường phố lớn: Trần Phú, Bạch Đằng, Hùng Vương và Nguyễn Thái Học. Chợ Hàn là địa chỉ mua sắm lớn, quen thuộc không chỉ với người dân mà còn cả du khách khi đến với thành phố Đà Nẵng.

 

 

Khuôn viên chợ Hàn Đà Nẵng có diện tích lên đến 28.000 m2, được chia thành 576 gian hàng và 36 kiot để các tiểu thương thuê và buôn bán. Chợ Hàn bày bán khá đa dạng và phong phú với các chủng loại hàng hóa, giày dép, quần áo, vải vóc, túi xách, các đồ lưu niệm… đặc biệt chợ Hàn nổi tiếng với các thực phẩm hải sản tươi sống, trái cây và các đặc sản của Đà Nẵng như những gian hàng mắm, hàng khô du khách thường thích mua về làm quà.

 

 

Nhờ có vị trí đắc địa và đa dạng hàng hóa, chợ Hàn đã phát huy được khả năng và thế mạnh của mình, không chỉ là một ngôi chợ với các hoạt động mua bán mà còn là điểm thu hút khách du lịch tham quan khi đến thành phố Đà Nẵng.

 

 

———————————————————————–

Hành trình TOP Việt Nam – 50 TOP các điểm đến hấp dẫn của Việt Nam được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VietKings) và Trung tâm TOP Việt Nam triển khai từ và công bố dưới tiêu chí và góc nhìn của Ban quản lý hành trình Top với mục tiêu quảng bá các giá trị thiên nhiên, văn hóa, lịch sử và con người Việt Nam đến bạn bè trong nước và quốc tế, đồng thời kích cầu du lịch.

Mỗi tuần, các bài công bố sẽ được công bố rộng rãi trên hệ thống trang truyền thông chính thức của Tổ chức Kỷ lục Việt Nam – VietKings. Ban quản lý hành trình rất mong nhận được sự quan tâm theo dõi của bạn đọc trong và ngoài nước nhằm tiếp tục quảng bá và tôn vinh các điểm đến hấp dẫn của Việt Nam.

Mọi thông tin liên hệ xin gửi về:

TỔ CHỨC KỶ LỤC VIỆT NAM (VIETKINGS) – TRUNG TÂM TOP VIỆT NAM (TOPPLUS)

Địa chỉ: 1 Đặng Văn Ngữ, phường 10, Phú Nhuận, Thành phố Hồ Chí Minh

Liên hệ: Ms Phi – 0333 108 555

Email: noidungtopplus@gmail.com

Website: www.kyluc.vn/ www.topplus.vn

 

Diệu Phi – VietKings (tổng hợp và biên tập, ảnh Internet)

Chia sẻ:

Share on facebook
Share on twitter
Share on linkedin

Bài viết mới