Để chuyển đổi số hiệu quả

Sử dụng nền tảng số được xác định là giải pháp đột phá để thúc đẩy chuyển đổi số nhanh hơn, giảm chi phí, tăng hiệu quả. Nền tảng được tạo ra bởi những doanh nghiệp công nghệ số xuất sắc, cho phép các cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng ngay dưới dạng dịch vụ thay vì phải tự đầu tư, tự vận hành. Nhưng, vấn đề đang gây nhiều khó khăn lại là sự thiếu hụt nguồn nhân lực có trình độ tại nhiều doanh nghiệp.

Ông Trần Cao Sơn, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ và Thương mại Đông Á chia sẻ, trong bối cảnh hiện nay, các doanh nghiệp phải khẩn trương chuyển đổi mô hình kinh doanh sang các kênh tiếp thị, bán hàng hiện đại. Tiếp đến, cần áp dụng công nghệ số cho chuỗi cung ứng và các nghiệp vụ quản lý như kế toán, tài chính… và chú trọng lên kế hoạch xây dựng cơ sở dữ liệu doanh nghiệp chung, đây là tiền đề cho các giai đoạn tiếp theo trong lộ trình chuyển đổi số.

Khi đã đạt được tăng trưởng về doanh thu và khách hàng, doanh nghiệp phải tìm cách kiểm soát mô hình vận hành, hệ thống thông tin. Đây là lúc tiến tới hoàn thiện mô hình quản trị, cơ cấu tổ chức, quy trình nghiệp vụ để tinh gọn đội ngũ, tăng hiệu quả kiểm soát. Nhà lãnh đạo sẽ xây dựng chỉ tiêu quản trị (KPI/OKR), hệ thống báo cáo, yêu cầu đối với cơ sở dữ liệu doanh nghiệp. Từ đây, doanh nghiệp mới xác định được yêu cầu cụ thể cho việc chuyển đổi số toàn diện.

“Đây là đòn bẩy để doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp tục số hóa quy trình lên báo cáo, lập kế hoạch, quản trị nhân sự, thống kê và dự báo ngân sách”, ông Sơn cho biết thêm.

de chuyen doi so hieu qua
Nguồn nhân lực trong chuyển đổi số là khâu then chốt.

Có thể thấy, chuyển đổi số là việc của chính mỗi tổ chức. Vấn đề này cần phải xuất phát từ nhận thức, từ quyết tâm và mức độ nắm rõ tình hình của tổ chức. Mỗi tổ chức, cá nhân là khác nhau, do đó, cần có những chiến lược khác nhau. Chiến lược chuyển đổi số không phải là một bản chiến lược ứng dụng công nghệ số, cũng không phải là một bản kế hoạch ngắn hạn, không phải một bản kế hoạch dài hạn. Một bản chiến lược phù hợp thường hoạch định cho giai đoạn từ 3-5 năm.

Chiến lược chuyển đổi số do người đứng đầu chỉ đạo xây dựng và phải lan tỏa, thấm nhuần tới từng thành viên của tổ chức. Nó bắt đầu từ tầm nhìn của người đứng đầu, nhưng khi thực thi cần không ngừng đo lường, kiểm nghiệm thực tế xem điều gì đang đi đúng hướng và điều gì không, sau đó nhanh chóng điều chỉnh theo thực tế.

Đại diện Công ty FPT Digital chia sẻ, chuyển đổi số đang diễn ra với tốc độ nhanh chưa từng có, mang lại cơ hội mới thúc đẩy các doanh nghiệp phát triển vượt bậc, tạo ra những thay đổi lớn nhằm nâng cao năng suất của nhân viên và hiệu quả kinh doanh. Công việc và quy trình làm việc sẽ được thiết lập lại, nhân viên sẽ được giải phóng để tập trung vào các nhiệm vụ mang lại giá trị lớn hơn cho doanh nghiệp. Trong khi đó, dữ liệu và phân tích về nguồn lực lao động sẽ giúp doanh nghiệp đưa ra các quyết định kinh doanh nhanh chóng, có đầy đủ thông tin, dựa trên những minh chứng về dịch vụ, năng suất và hiệu quả.

Trong bối cảnh đó, nhu cầu đào tạo và tái đào tạo nhân lực số là rất lớn trong xã hội. Lực lượng này bao gồm: Lực lượng lao động đang làm việc trong cả hai khối tư nhân và hành chính công; Những sinh viên trẻ – lực lượng lao động kế cận; Học sinh các cấp làm quen với tri thức và kỹ năng số đảm bảo nhân lực tương lai có khả năng thích nghi với tương lai từ công nghệ và chuyển đổi số.

Để thực hiện các hoạt động này, trên thế giới cũng đã tồn tại rất nhiều các mô hình, trong đó hầu hết đều tập trung vào việc đào tạo và hướng đến các điểm chung trong việc phát triển nhân sự trong các lĩnh vực công và nhân sự trong doanh nghiệp ứng dụng chuyển đổi số.

Người lao động cần có được các kỹ năng kỹ thuật cũng như sự kết hợp năng lực số (ví dụ như phân tích dữ liệu lớn, mạng bảo mật, truyền thông xã hội) với các kỹ năng mềm để cải thiện khả năng đáp ứng, thay thế linh hoạt giữa các thành phần kinh tế và nghề nghiệp.

Nguồn: https://thoibaonganhang.vn/de-chuyen-doi-so-hieu-qua-129549.html

Chia sẻ:

Share on facebook
Share on twitter
Share on linkedin

Bài viết mới