Giá thép ‘lao dốc’, các doanh nghiệp thép kinh doanh ra sao?

Nếu như trong quý I/2022, ngành thép vẫn được hưởng “vị ngọt” từ năm 2021 thì khi bước sang quý II, đặc biệt trong cuối tháng 5 và tháng 6, các doanh nghiệp thép đối diện với rất nhiều khó khăn do giá thép sụt giảm mạnh khiến lợi nhuận lao dốc, thậm chí đã có doanh nghiệp báo lỗ.

Giá thép xây dựng trong nước liên tục được các doanh nghiệp đồng loạt điều chỉnh giảm thêm từ 150 đồng/kg – 400 đồng/kg. Như vậy, từ ngày 8/7 – 17/7, thép xây dựng đã có 2 đợt giảm giá liên tiếp… Còn nếu tính từ giữa tháng 5/2022 đến nay, giá thép xây dựng đã giảm lần thứ 9 liên tiếp. Hiện mức giá phổ biến ở mức 15.810 đồng/kg – 17.100 đồng/kg (tùy từng thương hiệu và loại thép).

Lợi nhuận giảm đến hơn 90%

Lý do giảm giá thép lần này, theo các doanh nghiệp, do giá phôi thép và nguyên vật liệu đầu vào có xu hướng đi xuống. Ông Trần Đình Long, Chủ tịch CTCP Tập đoàn Hoà Phát cho biết: chính sách Zero Covid khiến nhu cầu thép của Trung Quốc giảm mạnh trong khi đây lại là thị trường tiêu thụ thép lớn nhất thế giới. Do đó, việc Trung Quốc phong toả khiến tổng cầu trên thế giới cũng suy giảm.

Nha-may-luyen-thep-Hoa-Phat-2067-1658482

Lũy kế 6 tháng đầu năm, Tập đoàn Hòa Phát đã sản xuất 4,3 triệu tấn thép thô, tăng 8% so với cùng kỳ.

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022 được tổ chức vào cuối tháng 5 vừa qua, lãnh đạo Hoà Phát nói với cổ đông: “Quý vị hãy đợi đến quý II, III, hết năm sẽ thấy nó thê thảm thế nào. Triển vọng từ nay đến cuối năm, giá thép có thể tiếp tục giảm”, ông Trần Đình Long, chủ tịch Tập đoàn Hoà Phát nói.

Lời cảnh báo của chủ tịch Tập đoàn Hoà Phát đã bắt đầu được chứng minh qua kết quả thực tế của các doanh nghiệp.

Báo cáo kết quả kinh doanh quý II của CTCP Đầu tư Thương mại SMC (mã SMC) ghi nhận doanh thu đạt 6.620 tỷ đồng, tăng 11,2% so với cùng kỳ năm trước, tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 42,5 tỷ đồng, giảm 91,9% so với cùng kỳ.

Lũy kế trong 6 tháng đầu năm, công ty ghi nhận doanh thu đạt 13.250 tỷ đồng, tăng 20,2% so với cùng kỳ và LNST đạt 123 tỷ đồng, giảm 83,4% so với cùng kỳ.

Tương tự, CTCP Thép Thủ Đức – Vnsteel (mã TDS) báo doanh thu quý 2 đạt 358 tỷ đồng, giảm 45,4% so với cùng kỳ và LNST âm gần 2 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 34 tỷ đồng.

Luỹ kế trong 6 tháng đầu năm, Thép Thủ Đức ghi nhận doanh thu đạt 1.112 tỷ đồng, giảm 11,5% so với cùng kỳ và LNST đạt 6,1 tỷ đồng, giảm 87,1% so với cùng kỳ.

Với Tập đoàn Hoà Phát (mã: HPG) cho đến thời điểm hiện tại chưa có báo cáo tài chính quý II. Tuy nhiên, trong một báo cáo mới cập nhật, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) ước tính, riêng trong quý II lợi nhuận của doanh nghiệp này sụt giảm gần 50%. Cụ thể, doanh thu đạt 38.120 tỷ đồng (tăng 8,5%) và lợi nhuận sau thuế giảm 49% về mức 4.979 tỷ đồng. VDSC kỳ vọng doanh thu và lợi nhuận sau thuế năm 2022 của Hoà Phát đạt 140.812 tỷ đồng và 25.884 tỷ đồng, tương ứng giảm 6% và 25% so với cùng kỳ. Con số dự báo này cũng phù hợp với mục tiêu dự kiến

Khó khăn vẫn chưa dừng lại

Nhận định về diễn biến giá thép, Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho rằng, thị trường thép nửa cuối năm sẽ khó khăn hơn khi dự báo giá thép xây dựng trong nước sẽ tiếp tục giảm, trong khi lợi nhuận mảng xuất khẩu thép không còn tốt như trước.

Lo-i-nhua-n-the-p-5060-1658482677.jpg

Lợi nhuận nhiều doanh nghiệp sản xuất thép sụt giảm mạnh so với cùng kỳ.

Hơn nữa, thông thường, tiêu thụ thép trong giai đoạn từ tháng 7 – 9 khá trầm lắng do thời tiết mưa nhiều, ảnh hưởng đến tiến độ các công trình xây dựng. Năm nay, việc nhu cầu thép xây dựng vốn đang ở mức thấp lại cộng thêm tác động của thời tiết xấu được cho là sẽ tác động lớn đến tình hình tiêu thụ thép trong quý III.

Trong khi đó, Chủ tịch Hoà Phát cho rằng, Lạm phát và suy thoái kinh tế thế giới cũng là yếu tố rủi ro mà ngành thép đang phải đối mặt. Theo ông Long lạm phát khiến người tiêu dùng giảm tiêu dùng. Trong đó, xây dựng là một trong những khoản được cắt giảm đầu tiên bởi người dân vẫn phải ưu tiên nhu cầu ăn, mặc. Điều này tác động trực tiếp đến tình hình xuất khẩu của Hoà Phát và ngành thép nói chung.

Đồng thời, lạm phát cũng ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí sản xuất của doanh nghiệp thép khi 60 – 70% nguyên liệu phụ thuộc vào nhập khẩu.

Đưa ra dự báo về tăng trưởng lợi nhuận của một số “ông lớn” ngành thép trong năm nay, bộ phận nghiên cứu của CTCP Chứng khoán SSI (SSI Research) điều chỉnh giảm dự báo lợi nhuận ròng của Hoà Phát năm 2022 xuống 26,5 nghìn tỷ đồng (giảm 23,1% so với cùng kỳ) chủ yếu do giả định giá thép giảm.

Còn với Hoa Sen, SSI Research cho rằng lợi nhuận sau thuế năm 2022 đạt 1,4 nghìn tỷ đồng, giảm 67% so với cùng kỳ, mặc dù doanh thu vẫn ổn định do giá bán bình quân đã tăng trước đó

Bản thân ban lãnh đạo của Hoa Sen cũng không chắc về những biến động khó lường của thị trường thép năm nay. Do đó, Hoa Sen đưa ra 3 kịch bản về lợi nhuận lần lượt là 1.500 tỷ, 2.000 tỷ và 2.500 tỷ đồng, tuỳ thuộc vào tình hình thị trường và sự ổn định trong chuỗi cung ứng trên toàn thế giới.

Tương tự, lãnh đạo Hoà Phát đặt ra trong năm nay lợi nhuận từ 25.000 – 30.000 tỷ đồng, thấp hơn mức 34.521 tỷ đồng của năm ngoái.

Mặc dù giới chuyên môn đánh giá trong những tháng cuối năm vẫn còn khá nhiều “lực cản” đối với ngành thép. Tuy nhiên, VDSC kỳ vọng một sự phục hồi nhu cầu thép xây dựng nội địa từ năm 2023, chủ yếu nhờ các khâu trong quy trình phê duyệt giải ngân đầu tư công dần hoàn tất và khung pháp lý mới về phát hành và quản lý trái phiếu doanh nghiệp được ban hành. Tuy nhiên, giá bán sẽ có ít động lực tăng trong năm 2023, trên cơ sở thị trường bất động sản Trung Quốc phục hồi chậm, do người dân vẫn còn ngần ngại với rủi ro tài chính của các công ty bất động sản và lạm phát cao do chính sách tiền tệ thắt chặt trên toàn cầu.

Nguồn: https://vnbusiness.vn/tieu-dung/gia-thep-lao-doc-cac-doanh-nghiep-thep-kinh-doanh-ra-sao-1086856.html

Chia sẻ:

Share on facebook
Share on twitter
Share on linkedin

Bài viết mới