Giá xăng dầu hôm nay 30/7: Dầu tiếp tục leo cao, giá xăng dầu trong nước sẽ ra sao?

Giá xăng dầu hôm nay 30/7: Áp lực về nguồn cung cộng với đồng USD suy yếu lấn át lo ngại về nhu cầu tiêu thụ giảm, giá dầu hôm nay tiếp tục duy trì đà tăng mạnh. Trong nước, kỳ điều chỉnh tới giá xăng dầu trở nên khó dự báo…

Thiếu hụt nguồn cung cùng với sự suy yếu của đồng bạc xanh đã liên tục đẩy giá dầu leo dốc. Giá dầu Brent đã tăng chạm mức 110 USD/thùng, WTI gần 99 USD/thùng.

Giá xăng dầu hôm nay 30/7: Dầu thô tiếp đà tăng mạnh, Brent lên mức 110 USD/thùng 

Ghi nhận vào đầu giờ sáng ngày 30/7/2022, theo giờ Việt Nam, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI đứng ở mức 98,62 USD/thùng, tăng 2,28%.

Trong khi đó, giá dầu Brent đứng ở mức 110,01 USD/thùng, tăng 2,68%.

Giá xăng dầu hôm nay 30/7: Dầu tiếp tục leo cao, giá xăng dầu trong nước sẽ ra sao? - Ảnh 1.
Giá xăng dầu hôm nay 30/7
Giá xăng dầu hôm nay 30/7: Dầu tiếp tục leo cao, giá xăng dầu trong nước sẽ ra sao? - Ảnh 2.
Giá xăng dầu hôm nay 30/7
Giá xăng dầu hôm nay 30/7: Dầu tiếp tục leo cao, giá xăng dầu trong nước sẽ ra sao? - Ảnh 3.
Giá xăng dầu hôm nay 30/7: Dầu thô tiếp đà tăng mạnh, Brent lên mức 110 USD/thùng.

Giá dầu ngày 30/7 tiếp tục duy trì đà tăng mạnh chủ yếu do lo ngại về tình trạng thiếu hụt nguồn cung đang gia tăng.

Dự trữ dầu thô tại Mỹ đã giảm mạnh tới 4,5 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 22/7, trong khi đó nhu cầu tiêu thụ xăng tại nước này lại được ghi nhận tăng tới 8,5%.

Ở diễn biến khác, nguồn cung khí đốt từ Nga sang châu Âu tiếp tục thắt chặt buộc nhiều nước trong khu vực phải tìm kiếm các nguồn cung năng lượng khác thay thế, bù đắp. Tình hình đang càng trở lên cấp bách hơn khi các nước châu Âu cũng chuẩn bị bước vào mùa đông lạnh giá.

Dữ liệu cho thấy, lượng khí đốt chảy qua đường ống Nord Stream 1 đã giảm xuống còn 33 triệu m3/ngày vào tối 27/7 (theo giờ Việt Nam).

Giá dầu hôm nay tăng mạnh còn do đồng USD yếu hơn trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tỏ thái độ thận trọng về việc tăng lãi suất trong những tháng còn lại của năm 2022.

Ngoài ra, việc OPEC+ sẽ khó quyết tăng sản lượng vào tháng 9/2022 tại cuộc họp dự kiến diễn ra ngày 3/8, bất chấp những nỗ lực vận động từ Mỹ, cũng là tác nhân thúc đẩy giá dầu đi lên.

Tuy nhiên, ở chiều hướng ngược lại, thị trường dầu thô cũng đang chịu áp lực bởi lo ngại suy thoái kinh tế. Trong diễn biến mới nhất, theo số liệu từ Bộ Thương mại Mỹ, GDP quý II/2022 tiếp tục ghi nhận mức tăng trưởng âm 0,9% so với cùng kỳ năm 2021, và là quý giảm thứ 2 liên tiếp, sau khi đã giảm 1,6% trong 3 tháng đầu năm 2022.

Nhận định của Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam, dầu thô nhiều khả năng duy trì trong khoảng giao dịch hẹp khi thị trường chưa tìm được hướng đi.

Giá dầu tăng trong phiên giao dịch sáng nay, khi thị trường tiếp tục giằng co giữa 1 bên là rủi ro suy thoái kinh tế trong nửa cuối năm nay và một bên là nguồn cung có nguy cơ thiếu hụt dầu khi OPEC và Mỹ, 2 lực lượng sản xuất lớn trên thị trường đều báo hiệu về nguy cơ cạn kiệt khả năng tăng sản lượng.

Bất chấp các cảnh báo về điểm giá “hủy diệt nhu cầu”, trước mắt, thị trường vẫn đang ở trong tình trạng “bù hoãn bán” (backwardation), tức là giá các hợp đồng tháng gần cao hơn hợp đồng tháng xa, cho thấy thị trường vẫn đang trong tình trạng khan hiếm dầu. Không chỉ dầu thô mà công suất lọc dầu đều đang bị suy yếu, đặc biệt khi Trung Quốc và Nga đều đang giảm hoạt động. Điều này giúp cho giá Brent liên tục duy trì trên vùng 100 USD/thùng, bất chấp một số dự đoán cho rằng giá sẽ hạ nhiệt xuống dưới vùng 65 USD/thùng, như kỳ vọng trước đó.

Bên cạnh đó, Nga liên tục cắt giảm sản lượng khí đến châu Âu cũng tạo ra hỗ trợ không chỉ cho thị trường khí tự nhiên mà còn cho thị trường dầu nói chung, do châu Âu nhiều khả năng sẽ phải chuyển đổi sang sử dụng các năng lượng thay thế trong mùa đông, bất chấp định hướng năng lượng xanh của nước này. Ngoài ra cũng khó có thể loại trừ trường hợp Nga áp dụng chính sách hạn chế khối lượng dầu bán cho các nước G-7 để phản đối chính sách trần giá.

Trong tháng 7, số lượng giàn khoan dầu của Mỹ đã tăng lên 11 giàn khoan, tăng kỷ lục trong tháng thứ 23 liên tiếp, trong khi số lượng giàn khoan khí không thay đổi sau khi tăng trong 10 tháng liên tiếp.

Một cuộc khảo sát của Reuters dự báo giá dầu thô Brent trung bình sẽ đạt 105,75 USD/thùng trong năm nay, giá dầu thô WTI của Mỹ là khoảng 101,28 USD/thùng.

Các nhà đầu tư sẽ dõi theo cuộc họp ngày 3/8 của OPEC+. Các nguồn tin của OPEC+ cho biết nhóm sẽ xem xét giữ nguyên sản lượng dầu trong tháng 9 và một mức tăng khiêm tốn sẽ được thảo luận. Các nhà phân tích cho biết OPEC+ sẽ khó thúc đẩy nguồn cung do nhiều nhà sản xuất đang phải vật lộn để đáp ứng hạn ngạch sản xuất của mình. Việc tuân thủ các cam kết cắt giảm sản lượng dầu của OPEC+ đã đạt 320% trong tháng 6.

Giá xăng dầu tại thị trường trong nước 

Tại thị trường trong nước, Bộ Công Thương vừa có quyết định điều hành giá xăng dầu kể từ 15 giờ hôm 21/7.

Theo đó, cơ quan quản lý yêu cầu doanh nghiệp đầu mối giảm giá bán xăng dầu. Cụ thể như sau: Giá bán lẻ xăng E5 RON 92 giảm 2.710 đồng, giá bán ra từ 15 giờ ngày 21/7 về mức 25.070 đồng/lít. Xăng RON 95 là 26.070 đồng, giảm 3.600 đồng.

Giá các mặt hàng dầu cũng đồng loạt giảm: Dầu diesel giảm 1.740 đồng, còn 24.850 đồng/lít. Dầu hoả giảm 1.100 đồng/lít, còn 25.240 đồng/lít. Dầu mazút giảm 2.380 đồng, giá còn 16.540 đồng/kg.

Trong khi đó, mức trích vào quỹ vẫn giữ như kỳ điều hành trước. Theo đó, mức trích Quỹ với xăng E5 RON92 và RON95-III là 950 đồng/lít; dầu diesel là 550 đồng; dầu hoả 700 đồng; và mazút là 950 đồng/kg.

Giá xăng dầu hôm nay 30/7: Dầu tiếp tục leo cao, giá xăng dầu trong nước sẽ ra sao? - Ảnh 4.

Giá dầu thế giới bật tăng trở lại vài phiên liên tiếp gần đây, một số dự báo tỏ ra khá dè dặt khi cho rằng, giá xăng trong nước tại kỳ điều chỉnh tới có thể không giảm.

Đây là kỳ giảm giá thứ 3 liên tiếp của giá xăng, dầu trong nước từ đầu tháng 7 đến nay.

Giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường ngày 30/7 như sau: Xăng RON 95-V từ mức 30.350 đồng/lít xuống còn 26.750 đồng/lít; xăng RON 95-III từ mức 29.670 đồng/lít xuống còn 26.070 đồng/lít ; xăng sinh học E5 RON 92 từ mức 27.780 đồng/lít xuống còn 25.070 đồng/lít; dầu diesel tiêu chuẩn Euro 5 từ mức 27.590 đồng/lít xuống còn 26.830 đồng/lít; dầu hỏa từ mức 26.340 đồng/lít xuống còn 25.240 đồng/lít.

Tính đến 15h00 ngày 21/7, Quỹ bình ổn giá xăng dầu Petrolimex đã dương 53,3 tỷ đồng so với mức âm 140 tỷ đồng của lần điều chỉnh giá trước đó (ngày 11/7). Như vậy sau nhiều tháng âm liên tiếp, quỹ bình ổn giá xăng dầu Petrolimex đã có khoản dư 53,3 tỷ đồng.

Như vậy, tổng mức giảm giá xăng đến nay đã gần 7.000 đồng/lít, tương đương khoảng 20% so với thời điểm cuối tháng 6 vừa qua. Điều này khiến cho người dân và doanh nghiệp vui mừng bởi chi phí cho xăng dầu giảm, đồng nghĩa với gánh nặng lên vai đã nhẹ bớt, có thể kích cầu tiêu dùng trong thời gian tới. Theo đánh giá của chuyên gia, giá xăng dầu giảm mạnh không chỉ giúp người dân được hưởng lợi trực tiếp từ giá xăng mà còn có thể hưởng lợi gián tiếp từ việc giảm giá các loại hàng hóa, dịch vụ.

Chính phủ, các Bộ ngành có thể tiếp tục đề xuất mạnh việc giảm thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt để giá xăng giảm xuống nữa, giúp giá cả thị trường, chi phí giảm, doanh nghiệp tăng sức cạnh tranh.

Giá dầu thế giới còn rất khó dự báo, có thể giảm trong kỳ điều hành này, nhưng sẽ quay trở lại tăng vào thời gian tới. Do vậy, các Bộ, ngành cần tiếp tục tính toán, cân nhắc và đề xuất các giải pháp để giảm thuế trên xăng dầu, từ đó giảm giá xăng dầu, góp phần tác động mạnh hơn tới giảm giá nhiều mặt hàng tiêu dùng…

Được biết, giá xăng RON 95 tối đa có thể hạ 4.500 đồng về 25.000 đồng/lít nhưng cơ quan điều hành chỉ giảm 3.600 đồng do vẫn trích Quỹ bình ổn.

Ở kỳ điều hành này, xăng RON 95-III giảm 12%, E5 RON 92 hạ 10% so với cách đây 10 ngày, nhưng mức này vẫn thấp hơn đà giảm của thế giới (13-15%).

Trong khi đó, nhà điều hành vẫn duy trì mức trích lập vào Quỹ Bình ổn như cách đây 10 ngày là 950 đồng/lít với E5 RON 92, RON 95-III và dầu mazut; dầu diesel là 550 đồng. Đây là lần thứ hai liên tiếp cơ quan quản lý duy trì mức trích lập vào quỹ “mạnh tay” như vậy.

Theo tính toán, cùng với giảm thuế bảo vệ môi trường, nếu không phải trích lập gần 1.000 đồng mỗi lít xăng vào quỹ, giá xăng RON 95-III đã có thể hạ hơn 4.500 đồng/lít. Tương tự, E5 RON 92 đã có thể giảm khoảng 3.600 đồng/lít; dầu diesel gần 2.300 đồng.

Thực tế, giá xăng dầu ở kỳ điều hành 21/7 vẫn cao hơn 1.900-2.100 đồng so với hồi tháng 1/2022. Người dân và doanh nghiệp kỳ vọng giá sẽ giảm sâu hơn, giúp họ ổn định đời sống, phục hồi sản xuất sau dịch bệnh.

Sau 19 đợt điều chỉnh, giá xăng vẫn tăng tới trên 30% do ảnh hưởng bởi giá dầu thô thế giới liên tục leo thang. Tuy nhiên, việc điều chỉnh thuế đã giúp giá xăng dầu trong nước phần nào hạ nhiệt.

Kể từ đầu năm đến nay, giá xăng đã có 19 đợt điều chỉnh trong đó có 13 đợt tăng, 6 đợt giảm. Sau một chuỗi ngày tăng nóng trong quý II/2022, giá xăng đã có 3 đợt giảm liên tiếp trong tháng 7 nhờ việc điều chỉnh thuế bảo vệ môi trường và giá dầu thế giới hạ nhiệt. Giá xăng hôm 21/7 có mức giảm sâu nhất kể từ đầu năm đến nay.

Trước đà tăng liên tiếp vài phiên gần đây của giá dầu thế giới, một số dự báo cho thấy, giá xăng trong nước tại kỳ điều chỉnh tới (ngày 1/8) có thể không giảm.

Theo Bộ Công Thương, phiên giao dịch hôm 29/7, giá xăng A95 nhập từ Singapore đã tăng mạnh từ 107 USD lên 117 USD/thùng. Mức giá trên tương đương với ngày 13/7, khi đó giá xăng trong nước đang ở mức 29.675 đồng/lít.

Trước đó, tính toán của doanh nghiệp đầu mối xăng dầu cho biết, giá xăng dầu thành phẩm trên thị trường Singapore ở mức thấp hơn sau kỳ điều hành ngày 21/7. Giá dầu mới tăng trở lại trong khoảng vài phiên gần đây. Do đó, việc điều hành giá xăng dầu cụ thể thế nào còn phải phụ thuộc vào diễn biến thị trường thế giới trong vài ngày qua và mức trích lập quỹ bình ổn.

Liên quan đến điều hành giá xăng dầu, theo Bộ Công Thương, giá xăng có thể giảm về 24.000 đồng/lít vào quý IV/2022.

Đại diện Vụ Thị trường trong nước của Bộ này dự báo những tháng tới, bình quân giá xăng thành phẩm thế giới vẫn biến động bất thường, dao động trong khoảng 145 – 155 USD/thùng, tức tăng 73 – 100% so với cùng kỳ 2021. Trong trường hợp nhà điều hành không trích lập vào Quỹ Bình ổn giá (BOG), giá xăng bán lẻ trong nước sẽ có giá bán dưới 31.700 đồng, còn dầu sẽ dưới 27.100 đồng.

Từ quý IV/2022, giá xăng dầu thế giới được dự báo “hạ nhiệt” về khu vực 110 – 115 USD/thùng. Từ đó, giá bán lẻ xăng dầu trong nước cũng sẽ giảm mạnh, về mức 24.000 đồng/lít với xăng và 20.000 đồng/lít với dầu.

Tương đương với ngưỡng giá dự báo này, giá bình quân thành phẩm xăng dầu thế giới năm 2022 ở mức 130 – 140 USD/thùng, tăng 66 – 90% so với 2021. Tuy vậy, nhờ các công cụ điều hành từ giảm thuế môi trường, Quỹ BOG…bình quân giá bán lẻ trong nước chỉ tăng khoảng 35 – 39% với xăng, 51% với dầu so với 2021.

Theo Tổng cục Hải quan, nửa đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu xăng dầu của Việt Nam đạt 1 tỷ USD, trong khi nhập khẩu lên tới 5 tỷ USD. Như vậy, Việt Nam nhập siêu 4 tỷ USD mặt hàng xăng dầu trong 6 tháng đầu năm.

Nguyên nhân là trong quý I, nguồn cung xăng dầu của nhà máy lọc dầu Nghi Sơn bị gián đoạn vì khó khăn tài chính. Do đó, Bộ Công Thương đã yêu cầu 10 doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu bổ sung 2,4 triệu m3 xăng dầu để đảm bảo nguồn cung xăng dầu trong quý II.

Cụ thể, trong tháng 6, nhập khẩu xăng dầu đạt 717 nghìn m3, tương đương 812 triệu USD, giảm 19% về lượng và giảm 9% giá trị so với tháng 5. Đây là tháng thứ 3 liên tiếp, lượng nhập khẩu xăng dầu của Việt Nam đi xuống.

Tính chung 6 tháng đầu năm, nhập khẩu xăng dầu các loại đạt gần 4,8 triệu m3, tương đương 5 tỷ USD, tăng 18% về lượng và tăng gần 2,3 lần về giá trị so với cùng kỳ năm 2021.

Dù lượng nhập khẩu giảm, giá xăng dầu nhập khẩu tháng 6 vẫn tăng 13% so với tháng 5 và tăng 2,2 lần so với tháng 6/2021, đạt 1.314 USD/m3. Lũy kế 6 tháng, giá xăng dầu nhập khẩu khoảng 1.031 USD/m3, tăng 92% so với cùng kỳ năm 2021.

Nguồn: https://danviet.vn/gia-xang-dau-hom-nay-30-7-dau-tiep-tuc-leo-cao-gia-xang-dau-trong-nuoc-se-ra-sao-20220730081428015.htm

Vietnamsales (tổng hợp và biên tập; nguồn hình internet)

Chia sẻ:

Share on facebook
Share on twitter
Share on linkedin

Bài viết mới