[ĐỀ CỬ TOP 63 TỈNH THÀNH] BẮC NINH – Top địa điểm check-in công trình văn hóa lịch sử lâu đời

Nội dung chính

Chùa Bút Tháp

Vị trí: thôn Bút Tháp, xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh

Giờ mở cửa: Cả ngày

Cách di chuyển: Chùa Bút Tháp cách trung tâm thành phố Bắc Ninh khoảng 23km. Từ trung tâm Bắc Ninh bạn đi qua cầu vượt Bồ Sơn, đi thẳng theo quốc lộ 38. Khi qua cầu Hồ thì rẽ phải vào Thiên Đức. Tiếp tục đi dọc đê để đi đến xã Đình Tổ. Lúc này chỉ cần hỏi người dân cách đến chùa Bút Tháp là có thể đến nơi.

 

Chùa Bút Tháp còn có tên gọi khác là chùa Ninh Phúc, Ninh Phúc tự, Ninh Phúc thiền tự, chùa Thiếu Lâm. Chùa là một trong những danh lam cổ tự đẹp nhất ở vùng đồng bằng châu thổ Bắc Bộ, nơi lưu giữ 4 bảo vật quốc gia vẫn bảo tồn được tương đối nguyên vẹn cho đến ngày nay.

Chùa Bút Tháp được xây dựng từ thế kỷ 14 với diện tích khoảng 10.000m2. Giống như những ngôi chùa cổ tại Việt Nam, chùa có bình đồ kiến trúc kiểu “nội Công ngoại Quốc”, với các công trình kiến trúc được bố trí cân xứng, chặt chẽ, gồm các hạng mục: tam quan, gác chuông, tiền đường, thiêu hương, thượng điện, Tích Thiện am, nhà trung, phủ thờ hậu đường. Toàn bộ kiến trúc chính của chùa quay theo hướng Nam, một hướng truyền thống của người Việt.

Lễ hội chùa Bút Tháp được tổ chức vào ngày 23-24/3 âm lịch hàng năm với các hoạt động đậm nét văn hóa truyền thống, góp phần không nhỏ vào việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

 

Thành cổ Luy Lâu

Vị trí: xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh
Giờ mở cửa: 9:00 – 21:00
Cách di chuyển: Thành cổ Luy Lâu cách trung tâm thành phố Bắc Ninh khoảng 23km. Từ trung tâm Bắc Ninh bạn đi qua cầu vượt Bồ Sơn, đi thẳng theo quốc lộ 38. Đi khoảng 5km thì rẽ phải vào Lạc Long Quân. Đi tiếp 6km thì rẽ phải vào Thanh Tương. Tiếp tục đi khoảng 500m là đến nơi.

 

Thành Cổ Luy Lâu còn có tên gọi khác là Siêu Loại, Lũng Khê, là một trong những ngôi thành cổ nhất Việt Nam (sau Cổ Loa – Đông Anh, Hà Nội). Đây được coi là kinh đô thứ hai của nước ta sau Cổ Loa, là trung tâm văn hóa, giáo dục của đất nước từ thế kỷ thứ II. Mặc dù trải qua nhiều thăng trầm, chịu sự tàn phá của thiên nhiên, con người, nhưng thành cổ vẫn còn lưu giữ được nhiều dấu tích cổ.

Thành Luy Lâu hiện còn giữ nguyên được một nửa thành cũ với diện tích hơn 130.000m2 phía Tây Nam. Phía Đông đã trở thành đất thổ cư của làng Lũng Khê. Bên trong thành có chùa Phi Tướng, chùa Bình. Chùa thờ tượng Sỹ Nhiếp có từ thời Lê Nguyễn. Đặc biệt, di tích cổ vẫn còn tồn tại từ thế kỷ thứ 2 chính là chiếc cầu đá, lối đi vào đền thờ Sỹ Nhiếp. Qua một số đợt khai quật, các nhà khảo cổ đã phát hiện nhiều cổ vật quý, dày đặc dưới lớp đất canh tác như: đồ gốm, gạch ngói thời Hán, hàng trăm lò nấu đồng, móng gạch có niên đại sớm và dấu tích của một kiến trúc cổ đã bị cháy…

 

Đền Đô

Vị trí: khu Phố Thượng, phường Đình Bảng, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh

Giờ mở cửa: 7:00 – 17:00

Cách di chuyển: Đền Đô cách trung tâm Bắc Ninh khoảng 17km, vì thế nên du khách có thể dễ dàng di chuyển bằng xe máy. Từ trung tâm thành phố Bắc Ninh, du khách đi thẳng đường Lý Thái Tổ rồi rẽ trái ra Nguyễn Trãi để đến được cao tốc Hà Nội – Bắc Giang. Tiếp tục đi thẳng, đến nút giao thì rẽ trái vào Đại Đình. Đi tiếp một đoạn nữa là đến Đền Đô.

 

Đền Đô hay còn được biết đến với cái tên khác là Đền Lý Bát Đế hoặc Cổ Pháp Điện, là một quần thể kiến trúc tín ngưỡng thờ tám vị vua đầu tiên của nhà Lý gồm Lý Công Uẩn tức Lý Thái Tổ, Lý Thái Tông, Lý Thánh Tông, Lý Nhân Tông, Lý Thần Tông, Lý Anh Tông, Lý Cao Tông và Lý Huệ Tông. Đền Đô cũng đã được Nhà nước Việt Nam công nhận là di tích lịch sử – văn hóa vào năm 1991.

 

Lễ hội đền Đô được tổ chức vào các ngày 14, 15, 16 tháng 3 Âm lịch hàng năm thu hút rất nhiều du khách về tham dự.

 

Đền Bà Chúa Kho

Vị trí: núi Kho, khu Cổ Mễ, Phường Vũ Ninh, TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh
Giờ mở cửa: Cả ngày
Cách di chuyển: Từ trung tâm thành phố Bắc Ninh, du khách đi thẳng đường Lý Thái Tổ, sau đó rẽ trái vào đường Kinh Vương. Đến ngã tư rẽ phải vào Ngô Gia Tự. Tiếp tục đi thẳng đến khi nhìn thấy đường Bà Chúa Kho thì rẽ vào. Lúc này chỉ cần đi ven theo hồ Đồng Trầm là có thể đến nơi.

 

Đền Bà Chúa Kho là một địa điểm tâm linh nổi tiếng. Hàng năm, cứ vào ngày 14 tháng Giêng âm lịch, người dân cả nước lại nô nức về đền Bà Chúa xin lễ. Tương truyền, Bà Chúa Kho là người phụ nữ quê làng Quả Cảm, không chỉ có nhan sắc, mà lại khéo tổ chức sản xuất, tích trữ lương thực, trông nom kho tàng Quốc gia trong và sau chiến thắng Như Nguyệt. Sau này Bà trở thành Hoàng hậu dưới triều Lý, giúp nhà vua trong việc kinh bang đất nước, giữ gìn kho lương. Bà bị giặc sát hại trong lúc phát lương cứu đỡ dân làng. Để nhớ ơn công lao to lớn của bà, nhân dân Cô Mễ đã lập Đền Bà Chúa Kho tại vị trí kho lương cũ trên Núi Kho.

 

Đền được lập từ thời Lý, ban đầu vốn chỉ là một ngôi miếu nhỏ. Đến thời Lê, miếu được trùng tu, mở rộng thành khu Đền lớn. Trải qua quãng thời gian dài, đền Bà Chúa Kho nhiều lần bị phá huỷ do chiến tranh và do sự bào mòn của thời gian. Đến những năm 1978 – 1980, nhân dân đã chung tay tu sửa lại ngôi đền để duy trì tục thờ Bà Chúa Kho theo truyền thống ở địa phương.

 

Làng Đông Hồ

Vị trí: Xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh
Giờ mở cửa: Cả ngày
Cách di chuyển: Làng Đông Hồ cách trung tâm thành phố Bắc Ninh khoảng 17km. Từ trung tâm Bắc Ninh, du khách đi thẳng Nguyễn Đăng Đạo rồi rẽ phải ra Nguyễn Quyền để đến cầu vượt Bồ Sơn. Đi qua cầu vượt Bồ Sơn, tiếp tục đi thẳng theo quốc lộ 38. Đi qua cầu Hồ thì rẽ phải vào Thiên Đức. Lúc này chỉ cần đi thẳng thêm một đoạn nữa là đ���n nơi.

 

Làng tranh Đông Hồ có hơn 220 hộ dân, họ đều sinh sống và gắn liền với nghề làm tranh. Những bức tranh cổ xưa vẫn còn được lưu giữ và bảo tồn tại làng nghề truyền thống này.

Xuất hiện từ khoảng thế kỷ XVI, tranh Đông Hồ được hình thành hoàn toàn bằng phương pháp thủ công, thể hiện được sự tinh hoa của nghệ thuật, bàn tay khéo léo, sự tỉ mỉ của người nghệ sĩ và hơn hết và tinh hoa văn hoá Việt Nam.

 

Tranh Đông Hồ được in trên giấy Dó, một loại giấy được làm thủ công từ nguyên liệu là cây Dó mọc trên rừng. Cây Dó được giã nhỏ rồi chế biến thành Giấy. Ngoài ra, người làng Hồ còn biết vận dụng, chắt lọc từ những chất liệu thiên nhiên để tạo nên những sắc màu truyền thống vừa tươi vừa có độ bền màu. Đề tài vẽ tranh đều gắn với đời sống sinh hoạt bình dị của người dân nhưng hàm chứa những triết lý nhân văn sâu sắc.

Hàng năm làng Hồ có hội làng vào rằm tháng vào 3 âm lịch với nhiều hoạt động thú vị cho du khách thăm quan và trải nghiệm.

 

Làng đúc đồng Đại Bái

Vị trí: Xã Đại Bái, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh
Giờ mở cửa: Cả ngày
Cách di chuyển: Làng đúc đồng Đại Bái cách trung tâm thành phố Bắc Ninh khoảng 23km. Từ trung tâm Bắc Ninh bạn đi qua cầu vượt Bồ Sơn, đi thẳng theo quốc lộ 38. Đi khoảng 5km thì rẽ trái sau Siêu thị điện máy xanh để vào Lạc Long Quân. Tiếp tục đi thẳng là đến làng đúc đồng Đại Bái.

 

 

Làng Đại Bái, xưa còn gọi là làng Văn Lãng hay làng Bưởi, từ xa xưa được coi là làng nghề truyền thống nổi tiếng nhất về kỹ nghệ đúc đồng, sản xuất ra các sản phẩm về đồ đồng với các thiết kế tinh xảo. Đây cũng chính nghề này đã thay đổi bộ mặt cho ngôi làng, mang đến những thay đổi tích cực về kinh tế xã hội cho người dân nơi đây.

Nghề gò, dát đồng Đại Bái có từ đầu thế kỷ XI và ông tổ nghề là cụ Nguyễn Công Truyền. Dù bị mai một trong những năm kháng chiến nhưng đến khi hoà bình lập lại, làng nghề đã nhanh chóng xây dựng và phát triển lại, đem đến nhiều sản phẩm từ đồ gia dụng cho tới những đồ mỹ nghệ vô cùng độc đáo và tinh xảo.

 

Làng Đại Bái khi thành lập làng nghề có 4 xóm gồm: xóm Sơn, xóm Tây, xóm Giữa và xóm Ngoài. Xóm ngoài làm nghề gò nồi đồng; xóm Tây làm mâm, chậu; xóm giữa làm cái siêu đun nước và niêu con; xóm Sơn làm âu đựng trầu và các đồ thờ. Đến nay xóm Sơn vẫn phát triển làm đồ thờ, chạm khảm tam khí, tranh chạm nổi.. Ngày nay dù đã có sự thay đổi, đưa các máy móc, khoa học vào nghề, nhưng 4 thôn vẫn phân nghề theo truyền thống xưa. Mỗi sản phẩm đều thể hiện được sự tài hoa, tỉ mỉ của bàn tay người nghệ sĩ. Các chi tiết hoa văn được chạm khắc tinh xảo với những hình thù sinh động, đẹp mắt và rất có hồn.

Hiện, các sản phẩm đồng Đại Bái đã xuất khẩu sang được các thị trường khó tính như Nhật Bản, các nước châu Âu và Đông Nam Á…

 

Tham khảo nguồn: Tripzone

Đọc sách

Nhận xét

Bình luận

Greenbooks liên quan