[ĐỀ CỬ TOP 63 TỈNH THÀNH] TIỀN GIANG – Top 8 lễ hội nổi tiếng Tiền Giang

Nội dung chính

Lễ giỗ Anh hùng dân tộc Trương Định

 

Trương Định là vị anh hùng có có công rất lớn trong lịch sử hình thành và phát triển của Tiền Giang

Lễ giỗ anh hùng dân tộc Trương Định (20 tháng 8 Âm lịch) được tổ chức tại đền thờ ông ở thị xã Gò Công và đình Gia Thuận huyện Gò Công Đông vào ngày Bình Tây Đại nguyên soái Trương Định tuẫn tiết 20 tháng 8 năm 1864. Vào ngày lễ giỗ, đông đảo người dân trong tỉnh và du khách thập phương về dự lễ. Ở thị xã Gò Công có thêm lễ rước linh và dâng hoa tại tượng đài anh hùng dân tộc Trương Định. Lễ giỗ ông là lễ hội lớn của nhân dân Gò Công…

Lễ giỗ Anh hùng dân tộc Thủ Khoa Huân

Di ảnh anh hùng dân tộc Nguyễn Hữu Huân được người dân rước lên đền thờ

Sau ba lần bị bắt vì cùng người dân khởi nghĩa chống thực dân Pháp, Thủ khoa Nguyễn Hữu Huân bị giặc Pháp xử chém tại quê nhà xã Hòa Tịnh, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang. Lễ giỗ được tổ chức tại đền thờ ông vào ngày 15 tháng 04 Âm lịch. Hàng năm, nhân dân các tỉnh thành trong khu vực và bà con dòng tộc về dự lễ rất đông.

Lễ hội Quan Thánh Đế Quân

 

Lễ hội Quan Thánh Đế Quân được xem là một trong những lễ hội văn hóa lớn của cộng đồng người Hoa ở Việt Nam. Lễ hội được tổ chức trang trọng từ ngày mùng 10 – 13 tháng Giêng Âm lịch hàng năm. Đây là dịp để cộng đồng người Hoa ở thị xã Gò Công, thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Tây đến cúng viếng, thắp hương bày tỏ lòng thành kính đối với Quan Thánh (Quan Công). Lễ hội vía Quan Công là nét đẹp văn hóa của cộng đồng người Việt gốc Hoa được duy trì nhiều năm qua.
Lễ hội Kỳ Yên Vĩnh Bình

 

Lễ hội Kỳ Yên của đình Vĩnh Bình (thị trấn Vĩnh Bình, huyện Gò Công Tây) là lễ hội Kỳ Yên lớn nhất của tỉnh Tiền Giang. Hàng năm, vào trung tuần tháng Chạp Âm lịch (từ ngày 14 đến ngày 16), người dân tại Vĩnh Bình lại nô nức đón lễ hội. Lễ hội bao gồm các nghi thức cúng rước, tế lễ các vị thần và những bậc tiền bối có công với địa phương. Trong lễ hội, có nghi thức đưa linh vị đến miếu Thánh Mẫu Thiên Y A Na sau đó rước về đình Vĩnh Bình. Sau cùng du khách sẽ được xem các nghi lễ tống gió độc ra biển với mô hình là những con tàu được kết bằng giấy và hoa đăng rực rỡ.

Lễ hội Nghinh Ông Vàm Láng

 

Lễ hội Nghinh Ông được tổ chức hàng năm vào ngày mùng 9 tháng 3 (Âm lịch) tại Lăng ông Nam Hải thuộc ấp Lăng, xã Vàm Láng, huyện Gò Công Đông. Lễ hội diễn ra rất trang trọng với lễ rước và lễ tế truyền thống. Lễ rước kiệu của Nam Hải Tướng Quân được thực hiện theo nghi thức cổ truyền bởi đoàn thuyền rồng với đầy đủ các đồ tế lễ. Cùng đi với thuyền rồng còn có nhiều ghe thuyền khác cũng được trang hoàng lộng lẫy để cùng ra biển nghinh Ông. Vào ngày này, nhân dân trong vùng tham gia lễ hội rất đông. Hai bên bờ sông người dân hò hát nô nức và tham gia các trò vui chơi giải trí dân gian.

Lễ hội Nam Kỳ Khởi Nghĩa

Lễ hội Nam Kỳ Khởi Nghĩa luôn được tổ chức long trọng

 

Diễn ra vào ngày 23 tháng 11 Dương lịch hàng năm tại đình Long Hưng, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang. Ngày 23/11/1940, trong cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ, đình Long Hưng là trụ sở của Ủy ban khởi nghĩa tỉnh Mỹ Tho. Lá cờ đỏ sao vàng đầu tiên của Việt Nam được treo tại đình này. Vào các năm chẵn, lễ hội được tổ chức quy mô lớn với các hoạt động cắm trại, mít tinh, biểu diễn văn nghệ, thi làm bánh… thu hút hàng chục ngàn người tham gia.

Lễ hội Chiến thắng Rạch Gầm – Xoài Mút

Lễ hội Chiến thắng Rạch G��m Xoài Mút được tổ chức với quy mô lớn cùng những tiết mục ấn tượng

 

Trận Rạch Gầm – Xoài Mút là trận thủy chiến lớn nhất và oanh liệt nhất trong lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm của vùng đất phía Nam Tổ quốc. Ngày 20 tháng 01 hàng năm, vào những năm chẵn, tại khu di tích tổ chức lễ hội “Chiến thắng Rạch Gầm – Xoài Mút” diễn ra trong 2 ngày với rất nhiều hoạt động như: Thả diều, đua thuyền trên sông, hội thi “Chim, hoa, cá, kiểng”, chưng mâm ngũ quả… rất sôi động, cùng với các hoạt động văn nghệ.

Lễ hội Chiến thắng Ấp Bắc

Di tích chiến thắng Ấp Bắc

Để ghi dấu chiến thắng lẫy lừng của quân và dân Ấp Bắc bẻ gãy các chiến thuật tân kỳ “trực thăng vận” và “thiết xa vận” của đế quốc Mỹ trong chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”. Hàng năm, vào ngày 02 tháng 01 Dương lịch, chính quyền và nhân dân Tiền Giang tổ chức lễ hội rất long trọng. Các năm chẵn, lễ hội diễn ra nhiều ngày với các hoạt động diễu binh, diễu hành, trưng bày, cắm trại, về nguồn, các cuộc thi thể thao, ẩm thực, văn nghệ… rất náo nhiệt. Đông đảo nhân dân trong và ngoài tỉnh tựu về để tham gia lễ hội.

 

Tham khảo nguồn: https://tiengiang.gov.vn/le-hoi-truyen-thong

 

Đọc sách

Nhận xét

Bình luận

Greenbooks liên quan