Khu di tích Đền Hùng (Phú Thọ) – TOP 10 khu di tích có giá trị lịch sử của Việt Nam được nhiều người biết đến (P.6) – [VIETKINGS-TOPPLUS – Hành trình TOP Việt Nam]

(kyluc.vn) Khu Di tích lịch sử Đền Hùng thuộc thôn Cổ Tích, xã Hy Cương, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, là nơi thờ các vua Hùng có công dựng nước, Tổ tiên của dân tộc Việt Nam.

Đền Hùng là di tích lịch sử văn hoá đặc biệt quan trọng của quốc gia, được xây dựng trên núi Hùng – thuộc đất Phong Châu – vốn là đất kế đô của Nhà nước Văn Lang 4.000 năm trước đây. Toàn bộ Khu di tích có 4 đền, 1 chùa và 1 lăng hài hoà trong cảnh thiên nhiên, có địa thế cao rất ngoạn mục, hùng vĩ, đất đầy khí thiêng của sơn thuỷ hội tụ.

 

 

Cổng đền được xây dựng trên núi Nghĩa Lĩnh vào năm Khải Định thứ 2 (1917), dạng vòm cuốn, cao 8,5m, gồm 2 tầng, 8 mái… Tầng dưới có một cửa vòm cuốn lớn, đầu cột trụ cổng tầng trên có cửa vòm nhỏ hơn, 4 góc mái trang trí rồng, đắp nổi hai con nghê. Mặt trước của cổng đắp nổi phù điêu hai võ sĩ, một người cầm giáo, một người cầm rìu chiến, mặc áo giáp, ngực trang trí hình hổ phù.

Phía trên cửa chính có 4 đại tự “CAO SƠN CẢNH HÀNG” có nghĩa là “NÚI CAO ĐƯỜNG LỚN”.

Đền Hạ được xây dựng lại trên nền cũ, vào khoảng thế kỷ XVII – XVIII, kiểu chữ “nhị”, gồm tiền bái và hậu cung, mỗi toà ba gian, cách nhau 1,5m, kiến trúc đơn sơ, kèo cầu suốt, bẩy gối vào đầu kèo làm cho mái sau dài hơn mái trước. Đốc xây liền tường với đốc hậu cung, hai bên đắp phù điêu, một bên voi, một bên ngựa. Bờ nóc phẳng, không trang trí, mái lợp ngói mũi, địa phương gọi là ngói mũi lợn.

Du khách phải trèo lên 255 bậc đá để đến Đền Hạ. Tương truyền rằng nơi đây, mẹ Âu Cơ sinh ra bọc trăm trứng, sau nở thành trăm người con trai, nguồn gốc của cộng đồng người Việt, nghĩa “đồng bào” (cùng bọc) được bắt nguồn từ đây.. Khi các con khôn lớn cha Lạc Long Quân mang theo 50 người con về vùng biển quai đê lấn biển, mở mang bờ cõi. Mẹ Âu Cơ mang theo 49 người con ngược lên vùng núi, trồng dâu, chăn tằm, dệt vải, xây dựng cuộc sống. Người con trưởng ở lại làm Vua, cha truyền con nối 18 đời đều gọi là Hùng Vương.

Ngay chân đền Hạ là nhà bia, với kiến trúc hình lục giác, xây dựng năm 1917, trên đỉnh có đắp hình nậm rượu, 6 mái được lợp bằng gạch bìa bên trong, bên ngoài láng xi măng, có 6 cột bằng gạch xây tròn, dưới chân có lan can. Trong nhà bia hiện nay đặt một bia đá, nội dung ghi lời dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người về thăm đền Hùng ngày 19/9/1954: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.

 

Chùa Thiên Quang được xây theo kiểu nội công ngoại quốc, gồm các toà Tiền đường (5 gian), Thiêu hương (2 gian), Tam bảo (3 gian) ở phía trước, dãy hành lang, nhà Tổ ở phía sau. Các toà được làm theo kiểu cột trụ, quá giang gối đầu vào cột xây, kèo suốt. Mái chùa được lợp ngói mũi, có đầu đao cong. Bờ nóc tiền đường đắp lưỡng long chầu nguyệt. Chùa thờ Phật theo lối Đại thừa. Trước sân chùa có 2 tháp sư, hình trụ, 4 tầng; trên nóc đắp hình hoa sen; lòng tháp xây rỗng; cửa vòm nhỏ. Trong tháp có bia đá khắc tên các vị hoà thượng đã tu hành và viên tịch tại chùa. Chùa còn có một gác chuông, được xây dựng vào thế kỷ XVII, gồm 3 gian, 2 tầng mái, 4 vì kèo kiểu chồng rường kết hợp với bẩy kẻ. Các bẩy, kẻ hầu như để trơn, không chạm trổ. Quả chuông treo trên gác không ghi niên đại đúc chuông mà chỉ ghi: “Đại Việt quốc, Sơn Tây đạo, Lâm Thao phủ, Sơn Vi huyện, Hy Cương xã, Cổ Tích thôn cư phụng”. Đây là công trình kiến trúc cổ duy nhất còn tồn tại trong Khu di tích lịch sử Đền Hùng.

Trước cửa chùa Thiên Quang có cây vạn tuế được các nhà khoa học ước tính đã 800 tuổi. Cây cao hơn 5m, đường kính gốc khoảng 35 cm, thân nghiêng khoảng 30 độ. Đặc biệt, cây có ba nhánh tỏa ra các hướng, tượng trưng cho ba miền Bắc – Trung – Nam chung một cội nguồn. 

Đền Trung (Hùng Vương Tổ miếu) nằm trên núi Nghĩa Lĩnh, được xây theo kiểu hình chữ nhất, có 3 gian, quay về hướng Nam, dài 7,2m, rộng 3,7m; mái hiên cao 1,8m. Bộ vì kiểu kèo cầu quá giang gối vào tường, phía trước mở 3 cửa.

Tương truyền là nơi các Vua Hùng cùng Lạc Hầu, Lạc Tướng ngắm cảnh và họp bàn việc nước. Nơi đây vua Hùng thứ 6 đã nhường ngôi cho Lang Liêu người con hiếu thảo sáng tạo ra bánh chưng, bánh dầy.

Đền Thượng (Kính Thiên lĩnh điện) được xây dựng trên nền cũ của ngôi miếu thờ thần núi, thần lúa, Thánh Gióng…, là nơi các vua Hùng thường tiến hành các nghi thức cầu khấn trời đất, mong cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, cho muôn dân được ấm no, hạnh phúc. Có tài liệu cho rằng đền Thượng được xây dựng vào thế kỷ XV, hiện đền có ba gian, mái ngói đầu đao cong. Cửa đền có bức hoành phi: Nam Việt Triệu Tổ (Tổ muôn đời của nước Việt Nam), trong đền có bức đại tự: Tử Tôn Bảo Chi (Con cháu phải giữ gìn lấy). Ngoài ra còn có rất nhiều câu đối ca ngợi công đức của các bậc Thánh Tổ. Ban thờ trong đền có bài vị của 18 đời vua Hùng (Hùng đồ thập bát thế Thánh vương Thánh vị) và ba vị thần núi: Đột Ngột Cao Sơn (núi Nghĩa Lĩnh), Áp Sơn (núi Trọc), Viễn Sơn (núi Vặn), hai bên trước cửa đền là hai cột đá, tương truyền do An Dương Vương dựng lên, thề muôn đời gìn giữ giang sơn gấm vóc họ Hùng.

 

Ở sân đền Thượng còn có Cột đá thề. Theo tích xưa, Hùng Vương thứ 18 không có con trai, nghe lời con rể là Tản Viên nhường ngôi cho người cháu họ là Thục Phán. Cảm kích, Thục Phán dựng cột đá trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thề: Nước Nam sẽ trường tồn, miếu thờ Hùng Vương sẽ còn mãi. Tuy nhiên, dấu tích cột đá nguyên bản đã thất lạc. Năm 1968, cột đá thề được dựng mới như một biểu tượng đoàn kết dân tộc. Năm 2010, các chuyên gia tìm, dựng cột đá bằng mã não nguyên khối, có khả năng trường tồn với thời gian, thay thế cột đá thề trước đó. 

Cách đó không xa, nằm về phía Đông Đền Thượng, tương truyền là mộ của Vua Hùng thứ 6. Lăng nằm ở vị trí đầu đội sơn, chân hướng thuỷ, mặt quay hương Đông Nam. Tương truyền khi đánh đuổi giặc Ân chiến thắng, người đã cởi áo vắt trên cành kim giao rồi hoá, táng tại đó. Năm 1870, lăng được xây dựng lại. Thời Khải Định được trùng tu lại lần nữa. Lăng có hình vuông, cột liền tường, đao cong 8 góc tạo thành 2 tầng mái. Tầng dưới 4 góc có 4 rồng từ thế chầu, tầng trên 4 rồng uốn ngược. Trên đỉnh lăng đắp ngọc theo tích “Cửu long tranh châu”. Đến giữa thế kỷ III TCN, Thục Phán được Vua Hùng thứ 18 nhường ngôi, bèn lập 2 cột đá thề trên đỉnh núi và làm đền thờ 18 đời Vua Hùng. Tiếp đó còn mời dòng tộc nhà vua đến ở chân núi để trông nom việc thờ cúng.

 

Đền Giếng có tên chữ là Ngọc Tỉnh, nằm trên núi Nghĩa Lĩnh, được xây dựng vào thế kỷ XVIII, quay hướng Đông Nam, kiến trúc kiểu chữ Công, gồm nhà tiền bái (3 gian), hậu cung (3 gian), 1 chuôi vồ và 2 nhà oản (4 gian), có phương đình nối tiền bái với hậu cung. Cổng đền Giếng được xây vào thời Nguyễn, theo kiểu kiến trúc 2 tầng, 8 mái. Ở giữa tầng dưới có một cửa xây kiểu vòm, hai bên có hai cột trụ, trên đắp nghê chầu. Trên cổng có bức đại tự đề: “Trung sơn tiểu thất” (ngôi nhà nhỏ trong núi).

Tương truyền là nơi hai công chúa Tiên Dung và Ngọc Hoa (con gái của Vua Hùng thứ 18) thường soi gương, vấn tóc khi theo cha đi kinh lý qua vùng này. Hai bà có công dạy dân trồng lúa nước và trị thuỷ nên được nhân dân lập đền thờ phụng muôn đời. 

Năm 2002, các nhà khoa học phát hiện trong lòng giếng nhiều dấu tích văn hóa. 

Đền Tổ Mẫu Âu Cơ được khởi dựng trên đỉnh Ốc sơn (thường gọi là núi Vặn) vào năm 2001, khánh thành tháng 12 năm 2004. Các hạng mục kiến trúc gồm: đền chính, tả, hữu vu, nhà bia, trụ biểu, tam quan, nhà tiếp khách và hệ thống sân, vườn. Kiến trúc đền theo lối cổ, với cột, xà, hoành, rui bằng gỗ lim, mái được lợp bằng ngói mũi hài, tường bằng gạch. Đền chính kiểu chữ đinh, có diện tích 137m2. Trong đền có tượng thờ Mẹ Âu Cơ và Lạc hầu, Lạc tướng. Đường đi lên đền được xây bằng 553 bậc đá.

 

 

Đền thờ Lạc Long Quân được khởi công xây dựng năm 2007, tại đồi Sim, với tổng diện tích đất sử dụng là 13,79ha, khánh thành năm 2009, gồm các hạng mục: nghi môn, trụ biểu, nhà bia, đền chính (gồm tiền tế, đại bái, hậu cung), tả, hữu vu. Trong đền đặt tượng Lạc Long Quân, đúc bằng đồng, bệ tượng, lư hương được tạc bằng đá khối, họa tiết trang trí tinh xảo.

 

Đền Hùng là nơi hội tụ văn hóa tâm linh của dân tộc. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và lễ hội đền Hùng là thể hiện hết sứuc cụ thể, sinh động và thiêng liêng truyền thống cố kết cộng đồng của dân tộc Việt Nam. Lễ hội đền Hùng là một lễ hội lớn mang tầm vóc quốc gia ở Việt Nam; đặc biệt, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã được vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

 

———————————————————————–

Hành trình TOP Việt Nam – 50 TOP các điểm đến hấp dẫn của Việt Nam được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VietKings) và Trung tâm TOP Việt Nam triển khai từ và công bố dưới tiêu chí và góc nhìn của Ban quản lý hành trình Top với mục tiêu quảng bá các giá trị thiên nhiên, văn hóa, lịch sử và con người Việt Nam đến bạn bè trong nước và quốc tế, đồng thời kích cầu du lịch.

Mỗi tuần, các bài công bố sẽ được công bố rộng rãi trên hệ thống trang truyền thông chính thức của Tổ chức Kỷ lục Việt Nam – VietKings. Ban quản lý hành trình rất mong nhận được sự quan tâm theo dõi của bạn đọc trong và ngoài nước nhằm tiếp tục quảng bá và tôn vinh các điểm đến hấp dẫn của Việt Nam.

Mọi thông tin liên hệ xin gửi về:

TỔ CHỨC KỶ LỤC VIỆT NAM (VIETKINGS) – TRUNG TÂM TOP VIỆT NAM (TOPPLUS)

Địa chỉ: 1 Đặng Văn Ngữ, phường 10, Phú Nhuận, Thành phố Hồ Chí Minh

Liên hệ: Ms Phi – 0333 108 555

Email: noidungtopplus@gmail.com

Website: www.kyluc.vn/ www.topplus.vn

 

Diệu Phi – VietKings (tổng hợp và biên tập, ảnh Internet)

Chia sẻ:

Share on facebook
Share on twitter
Share on linkedin

Bài viết mới