Lợi nhuận của các cửa hàng nhỏ cao hơn siêu thị nhiều lần

Các cửa hàng thực phẩm, siêu thị vừa và nhỏ đang cho thấy đây là mô hình bán lẻ hiệu quả hiện nay khi không chỉ giúp nhà bán lẻ tăng độ phủ nhanh chóng, mà còn đem đến lợi nhuận cao hơn so với các loại hình khác.

Lợi nhuận của các cửa hàng nhỏ cao hơn siêu thị nhiều lần - Ảnh 1.
Các siêu thị vừa và nhỏ đang có tốc độ mở mới nhanh trong những tháng đầu năm 2022 – Ảnh: H.K

Bản phân tích chi tiết kết quả kinh doanh chưa soát xét 6 tháng đầu năm 2022 của Tập đoàn Masan (HOSE: MSN) vừa hé lộ bức tranh kinh doanh của thị trường bán lẻ hiện nay. Ngoài việc các cửa hàng, siêu thị nhỏ nhanh chóng bành trướng trong 6 tháng đầu năm thì biên lợi nhuận của mô hình này cũng được đề cập cụ thể.

Trong 6 tháng đầu doanh thu tại các cửa hàng WinMart+ ước đạt 8.022 tỉ đồng, nếu loại bỏ tác động do người tiêu dùng tích trữ hàng hóa diễn ra vào quý 2-2021 để so sánh tương đương, doanh thu của chuỗi này tăng lần lượt 5,3% trong nửa đầu năm 2022 và 6,7% vào quý 2-2022.

Đáng chú ý, lợi nhuận ở cấp cửa hàng của các cửa hàng WinMart+ đạt biên EBITDA (lợi nhuận trước lãi vay và thuế) 6,7%, tăng 90 điểm cơ bản và 7,0% trong quý 2-2022, tăng 40 điểm cơ bản.

Trong khi đó, doanh thu của các siêu thị WinMart ghi nhận đạt 4.515 tỉ đồng nửa đầu năm 2022, giảm 5,7% so với cùng kỳ năm trước.

Với mô hình siêu thị, biên EBITDA của WinMart lần lượt lên mức 3,7% và 2,1%, tăng 100 điểm cơ bản trong nửa đầu năm 2022 và quý 2-2022 so với cùng kỳ năm trước. Dù có cải thiện, biên EBITDA của mô hình này vẫn duy trì ở mức 2,2%, do chi phí mở cửa hàng mới và chi phí nhân công cao hơn.

Quý 2-2022, 60% cửa hàng WinMart+ mở mới trong nửa đầu năm đã có lãi EBITDA so với tỉ lệ 80% trên toàn chuỗi WinMart+. Các cửa hàng được mở trong nửa đầu năm 2022 có đà tăng trưởng lợi nhuận tốt hơn so với các cửa hàng được mở vào quý 4-2021.

Đại diện Masan cho biết đang đặt mục tiêu sẽ tăng tốc mở thêm 800 siêu thị và cửa hàng WinMart, WinMart+ để nâng tổng số lên 3.800 điểm bán vào cuối năm 2022, trong đó có 100 cửa hàng theo mô hình nhượng quyền.

Phụ trách một siêu thị mini ở quận 1, TP.HCM cho biết yếu tố cơ bản để quyết định duy trì một điểm bán chính là doanh thu/m2. Và khi tổng mức thua lỗ của các cửa hàng bị đóng cửa quá lớn, nhà quản lý phải điều chỉnh mô hình hoạt động và hình thức bài trí.

Sự linh hoạt các chuỗi siêu thị mini với tính thích ứng cao sau dịch đang làm cho cuộc đua thị trường bán lẻ tập trung vào phân khúc này.

Dù quy mô nhỏ nhưng hàng hóa bày bán ở những cửa hàng, siêu thị mini vô cùng đa dạng, không chỉ các loại hàng hóa, nhu yếu phẩm thông thường mà khách còn tìm thấy thực phẩm tươi sống, trái cây tươi ngon theo mùa và đặc biệt là nhiều chương trình khuyến mãi lớn.

Những “ông lớn” như Saigon Co.op, WinMart hay Thegioididong… đều đang tập trung vào mô hình này, chưa kể thị trường còn có sự tham gia của các chuỗi cửa hàng chuyên doanh như hàng cho mẹ và bé, đồ dùng thể thao, hàng thực phẩm hữu cơ…

Việc mở siêu thị ở các đô thị lớn ngày càng khó khăn do quỹ đất hạn hẹp và đòi hỏi sự đầu tư lớn, các cửa hàng, siêu thị mini dễ dàng len lỏi vào khu dân cư, đi theo sự phát triển dự án bất động sản với nguồn khách có sẵn.

Một chiến lược đáng chú ý mà các tập đoàn lớn đang hướng đến là nắm bắt các cơ hội mua bán và sáp nhập để tăng tốc mở rộng kinh doanh thay cho chỉ tập trung mở mới.

Nguồn: https://cafef.vn/loi-nhuan-cua-cac-cua-hang-nho-cao-hon-sieu-thi-nhieu-lan-20220801063448427.chn

Vietnamsales (tổng hợp và biên tập; nguồn hình internet)

Chia sẻ:

Share on facebook
Share on twitter
Share on linkedin

Bài viết mới