Nghịch lý khi nhiều doanh nghiệp xuất khẩu Nhật Bản không được hưởng lợi từ đồng yen yếu

Một nghịch lý đang diễn ra tại Nhật Bản khi có không ít doanh nghiệp đang phải đối diện với tình trạng hoạt động kinh doanh kém hiệu q


Đồng tiền mệnh giá 10.000 yen tại Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: AFP/ TTXVN

Đồng tiền mệnh giá 10.000 yen tại Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: AFP/ TTXVN

Theo Tạp chí JB Press ngày 31/10, thông thường các doanh nghiệp xuất khẩu của Nhật Bản sẽ được hưởng lợi từ việc đồng yen giảm giá, thậm chí một số doanh nghiệp đã tận dụng triệt để điều này để có được mức lợi nhuận kỷ lục, nhưng không phải tất cả.

Một nghịch lý đang diễn ra tại Nhật Bản khi có không ít doanh nghiệp đang phải đối diện với tình trạng hoạt động kinh doanh kém hiệu quả do chi phí sản xuất tăng mà không thể tăng giá sản phẩm. Ngay cả các nhà sản xuất lớn cũng chứng kiến lợi nhuận sụt giảm do mức độ mất giá của đồng yen nhanh hơn mức tăng xuất khẩu, được thể hiện trong kết quả tài chính hàng quý.

Những biến động về tỷ giá luôn có mặt lợi và mặt hại, nhưng nhìn chung dễ nhận thấy mặt hại trước mắt và mặt lợi về lâu dài mà trong kinh tế học được gọi là “hiệu ứng đường cong chữ J”.

Tuy nhiên, hơn nửa năm trôi qua kể từ khi giá trị đồng yen lao dốc, không có nhiều tin tốt lành đối với các doanh nghiệp xuất khẩu Nhật Bản.

Lý do lớn nhất dẫn đến thực trạng này là khả năng cạnh tranh của các sản phẩm sản xuất tại Nhật Bản không cao. Giả sử một công ty mua hàng hóa hoặc nguyên liệu thô với giá 60 yen và bán ra sản phẩm với giá 100 yen (sau khi trừ chi phí), khi đó lợi nhuận về lý thuyết là 40 yen.

Nếu tình hình giá cả không thay đổi nhưng đồng yên giảm thêm 20%, giá mua hàng hóa và nguyên liệu thô sẽ tăng lên 72 yen và sản phẩm bán ra là 120 yen. Như vậy, lợi nhuận thu được là 48 yen, rõ ràng là cao hơn so với tỷ giá cũ.

Tuy vậy, cơ chế này không thể phát huy được hiệu quả đúng nghĩa khi khả năng cạnh tranh hàng hóa của Nhật Bản bị giảm khiến họ thường xuyên bị ép giá so với cùng một mặt hàng của các quốc gia khác.

Nhìn chung, giá xuất khẩu của các nhà sản xuất Nhật Bản liên tục giảm trong 30 năm qua cho thấy các doanh nghiệp Nhật Bản đang chịu áp lực ép giá rất lớn. Điều này trái ngược với các doanh nghiệp Đức, một nước công nghiệp phát triển tương tự Nhật Bản có giá thành sản phẩm liên tục tăng.

Kể từ những năm 1990, trong bối cảnh các quốc gia mới nổi trỗi dậy mạnh mẽ, Đức đã thành công trong việc chuyển hướng sang lĩnh vực sản xuất có giá trị gia tăng cao, giúp nước này kiểm soát năng lực cạnh tranh của hàng hóa do mình sản xuất. Trong khi đó, Nhật Bản về cơ bản đã không thay đổi chiến lược sản xuất dẫn đến khó theo kịp trong cuộc chiến về giá cả với các nước mới nổi có chi phí nhân công thấp.

Nếu muốn cạnh tranh về giá thì ngay cả khi chi phí nhập nguyên liệu tăng cũng không dễ để chuyển vào giá bán của sản phẩm. Cụ thể, giá nhập của Nhật Bản nói chung đã tăng 35% kể từ đầu năm nhưng giá xuất khẩu chỉ tăng 19%, như vậy giá xuất khẩu tính theo USD của Nhật Bản đã âm. Việc khó chuyển giá nhập vào giá bán đã khiến cho hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp xuất khẩu Nhật Bản có xu hướng xấu đi so với đầu năm.

Một phương án khác để không tăng giá sản phẩm là di chuyển các nhà máy từ nước ngoài về Nhật Bản. Bởi vì sản phẩm được sản xuất tại những quốc gia như Đông Nam Á có giá trị gia tăng tương đối thấp và có thể không mang lại nhiều lợi nhuận nhưng nếu được sản xuất tại Nhật Bản thì lượng tiền đổ về trong nước sẽ tăng lên. Tuy vậy, một bài toán khác lại đặt là là Nhật Bản đang thiếu hụt lao động trầm trọng.

Đối với các công ty Nhật Bản, lao động nước ngoài được định vị là nguồn nhân lực giá rẻ và là phương án được nhiều doanh nghiệp nước này lựa chọn thay vì đầu tư cơ khí hóa và tự động hóa để tiết kiệm nhân công. Nếu đồng yen được duy trì ở mức hợp lý, Nhật Bản sẽ là điểm đến lý tưởng của các lao động nước ngoài vì mức thu nhập cao hơn tương đối so với Đông Nam Á.

Tuy nhiên, đồng yen mất giá quá nhanh và biên độ lớn đã khiến thu nhập thực tế của người lao động nước ngoài tại Nhật Bản không khác biệt lớn so với những nơi khác. Đây là lý do nhiều người lao động nước ngoài bỏ qua Nhật Bản để tìm đến các thị trường lao động khác có thu nhập thực tế cao hơn.

Nếu đồng yen tiếp tục giảm giá, thậm chí xu hướng người lao động nước ngoài rời bỏ Nhật Bản sẽ gia tăng. Khi đó, ngay cả khi các cơ sở sản xuất được rời từ Đông Nam Á về Nhật Bản thì việc tìm nguồn nhân công cần thiết để vận hành nhà máy cũng vô cùng khó khăn.

Trong bối cảnh khó khăn đó, giải pháp khả thi nhất là tăng cường thu hút các doanh nghiệp nước ngoài vốn đã khẳng định được năng lực cạnh tranh đặt cơ sở sản xuất tại Nhật Bản. Một ví dụ điển hình là Chính phủ Nhật Bản vừa công bố khoản hỗ trợ 500 tỷ yen cho Tập đoàn sản xuất chất bán dẫn hàng đầu của Đài Loan (Trung Quốc) là TSMC khi đầu tư xây dựng nhà máy ở tỉnh Kumamoto.

Trong số 1.700 nhân viên làm việc tại nhà máy này, dự kiến sẽ có 1.200 nhân viên được thuê trong nước và hơn 50% nguyên vật liệu được mua từ các doanh nghiệp trong nước. Với mối liên kết này, các doanh nghiệp đã khẳng định được năng lực cạnh tranh có thể đưa ra mức đãi ngộ cao hơn mức trung bình tại Nhật Bản để giúp đảm bảo ổn định nguồn nhân lực.

Như vậy, Chính phủ Nhật Bản cần nhìn nhận rõ thực tế này để tính toán các chiến lược dài hạn trong việc tận dụng tối đa lợi thế của việc đồng yen suy yếu. Giải pháp tối ưu là tăng cường năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Nhật Bản, hoặc thúc đẩy mô hình liên kết với các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất tại Nhật Bản./.

Nguồn: https://bnews.vn/nghich-ly-khi-nhieu-doanh-nghiep-xuat-khau-nhat-ban-khong-duoc-huong-loi-tu-dong-yen-yeu/264307.html

VIetnamsales (tổng hợp)

Chia sẻ:

Share on facebook
Share on twitter
Share on linkedin

Bài viết mới