TOP 100 Hồng bảo Kỷ lục Thế giới tại Việt Nam (P.49) Chùa Một Cột (Hà Nội): Liên hoa đài nghìn năm giữa lòng Thủ đô – [VIETKINGS-TOPPLUS đề cử]

Chùa Một Cột là một trong những công trình kiến trúc có tuổi thọ ngàn năm mang giá trị biểu tượng của Hà Nội. Khoác lên mình nét kiến trúc vô cùng độc đáo, nơi đây đã trở thành điểm đến văn hóa tâm linh không thể bỏ qua khi đến thăm Thủ đô.

Chùa Một Cột nằm trên đất thôn Thanh Bảo, huyện Quảng Đức phía Tây hoàng Thành Thăng Long thời Lý, nay thuộc phố chùa Một Cột, quận Ba Đình- Hà Nội, bên cạnh bảo tàng Hồ Chí Minh.

 

Chùa Một Cột được khởi công xây dựng vào năm Kỷ Sửu 1049, dưới thời vua Lý Thái Tông. Theo truyền thuyết dân gian, trong một giấc chiêm bao vua Lý Thái Tông đã mơ thấy Phật bà Quan Âm đang tọa trên đài sen tỏa ánh hào quang và mời nhà vua lên cùng. Tỉnh giấc chiêm bao nhà vua liền kể với bề tôi. Nhà sư Thiền Tuệ khuyên vua nên dựng chùa trên trụ đá y như trong giấc mơ, làm tòa sen để Phật bà ngự ở trên.

 

Trong sử sách có chép lại tại vị trí chùa Một Cột bây giờ có một cột đá phía trên có ngôi lầu ngọc, trong lầu ngọc có tượng Phật Quan Âm đã được dựng ở hồ nước vuông. Nhà vua thường lui tới tụng kinh niệm phật, cầu nguyện. Sau hoàng tử nối dõi tu sửa lại thành chùa và dựng thêm một ngôi chùa bên cạnh cách 10 m về phía Tây Nam. Cụm di tích này được đặt tên Diên Hựu Tự với mong muốn “phước lành dài lâu”.

 

Qua thời gian, Chùa Một Cột đã trải qua không ít lần trùng tu, phục dựng vào các triều Trần, Hậu Lê và triều Nguyễn. Năm 1954, quân Pháp đã đặt thuốc nổ phá chùa trước khi rút quân khỏi Hà Nội. Năm 1955, Nhà nước cho tái dựng chùa theo thiết kế của kiến trúc sư Nguyễn Bá Lăng. Tuy nhiên, quy mô chỉ còn gói gọn trong một ngôi chùa nhỏ.

 

Khi tới tham quan chùa Một Cột, người dân và du khách phải đi qua Cổng Tam Quan. Thực chất, đây là công trình mở rộng mới được đưa vào xây dựng nhằm phục vụ nhu cầu đến thăm viếng, thờ cúng của người dân dịp lễ, Tết. Cổng Tam Quan gồm hai tầng với ba lối đi, cửa giữa to hơn là lối đi chính. Nhìn qua nó trông giống như kiểu kiến trúc của các đình, chùa truyền thống của Việt Nam.

 

Cột trụ của chùa Một Cột được dựng bằng 2 cột đá xếp chồng lên nhau, thành một khối trụ đứng cao khoảng 4 mét, chưa tính phần chìm ở bên dưới chân. Đường kính của cột đá có chiều rộng là 1.2 mét, tạo nên kết cấu “vững như bàn thạch” cho chùa.

Kiến trúc độc đáo nhất của chùa Một Cột là những dầm gỗ được đặt trên một trụ đá vững chắc 

Mái của chùa được lợp bằng ngói vảy truyền thống, màu đỏ gạch phủ thêm lớp rêu phong nhuốm màu thời gian. Công đoạn ghép ngói ở góc xối rất khó, vì đây là vị trí tiếp giáp giữa bốn cạnh của mái chùa. Vì vậy, từ công đoạn đóng xối ghép các mối mộng đòi hỏi cần thực hiện cẩn thận, đảm bảo mọi thứ phải ăn khớp nhau, giúp việc lợp ngói sau này được thuận tiện hơn. Cấu trúc mái của chùa Một Cột bao gồm bốn mái cong đầu đao cao vút lên trời, được hỗ trợ bởi một hệ thống thanh bẩy. Trên đỉnh mái chùa được đắp hình “lưỡng long chầu mặt nguyệt”. Đôi long tượng trưng cho khí dương, hình mặt nguyệt tượng trưng cho khí âm, biểu tượng cho sự sinh sôi, âm dương hài hòa. Nét kiến trúc này mang đậm chất nhân văn trong kiến trúc nghệ thuật tâm linh của dân tộc.

 

Lưỡng long chầu mặt nguyệt

Hình Xi Vẫn trang trí mái đầu đao.

Đài Liên Hoa được xây dựng theo hình vuông với mỗi cạnh 3 mét và được bao quanh bởi hàng rào chắn. Để đỡ đài, người ta đã sử dụng hệ thống cột quân và dầm gỗ lớn, gắn trực tiếp lên trụ đá một cách chắc chắn. Các mối mộng được đục tỉ mỉ, chính xác đến từng chi tiết.

13 bậc thang dẫn lên chính điện Liên Hoa Đài được xây dựng từ thời Lý.

Bên trong đài bài trí lộng lẫy và sang trọng, có một án thờ, đặt trên đó là tượng Phật Bà Quan Âm nghìn mắt nghìn tay mạ vàng. Xung quanh có rất nhiều đồ thờ cúng như đôi lục bình gốm sứ, bộ ấm chén thờ, bình cắm hoa sen, lư hương bằng đồng. Ban thờ được sơn son thếp vàng kết hợp với nhiều họa tiết trang trí hình vân mây màu vàng đẹp mắt. Trên trần phía trong cùng có một tấm hoành phi nhỏ ghi ba chữ vàng “Liên Hoa Đài” trên nền sơn đỏ.

 

Ban thờ bên trong đài được sơn son thếp vàng rực rỡ.

Hoa sen được xem là một biểu tượng quan trọng trong văn hóa Phật giáo, thể hiện những phẩm chất tốt đẹp như lòng nhân hậu, kiên trì, thuần khiết, không vướng bụi trần… Liên Hoa Đài được xây dựng theo hình tượng bông sen, được đặt trên trụ đá cao giữa lòng hồ Linh Chiểu. Hình ảnh thanh tao, thuần khiết và độc đáo này giúp mang lại cho du khách cảm giác yên bình và sự thanh tịnh trong tâm hồn.

 

Tồn tại gần 1000 năm và gắn liền ý nghĩa lịch sử, văn hóa tâm linh, Chùa Một Cột đã trở thành một trong những biểu tượng đặc trưng của thủ đô Hà Nội. Hình ảnh của ngôi chùa còn được in nổi ở bên trên mặt đồng xu mệnh giá 5000 VNĐ.

——————————————

 

 

Hồng bảo Kỷ lục được hiểu là những công trình Kỷ lục được thực hiện trong một thời gian dài, tích hợp những giá trị về kiến trúc, thẩm mỹ, văn hóa… để hình thành nên cho mai sau những di sản, đồng thời góp phần viết tiếp những câu chuyện mà cha ông đã gây dựng, từ đó góp phần định vị những giá trị địa phương nói riêng và Việt Nam nói chung vươn tầm khu vực và thế giới, góp phần định hình, phát triển hình ảnh du lịch địa phương nói riêng và đất nước nói chung thông qua những công trình biểu tượng.

Hành trình tìm kiếm TOP 100 Hồng bảo Kỷ lục Thế giới tại Việt Nam được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VietKings) giao cho Trung tâm TOP Việt Nam triển khai và đề cử đến Viện Kỷ lục Thế giới (World Mark) với mong muốn góp phần nhận diện, định vị, quảng bá hình ảnh quốc gia – địa phương ra thế giới. Dự án là một hành trình dài hơi và có thể tiếp nối từ thế hệ này sang thế hệ khác trong mục tiêu chung tạo ra những thay đổi về kiến trúc cảnh quan hiện hữu và quan trọng hơn là góp phần tạo nên những giá trị chiều sâu về văn hóa điểm đến hay lịch sử gắn liền với điểm đến.

 

Diệu Phi – VietKings (tổng hợp và biên tập, ảnh Internet)

Chia sẻ:

Share on facebook
Share on twitter
Share on linkedin

Bài viết mới