TOP 100 Hồng bảo Kỷ lục Thế giới tại Việt Nam (P.50) Nhà cổ Bình Thủy (Cần Thơ): Dấu ấn giao thoa kiến trúc giữa hai thế kỷ – [VIETKINGS-TOPPLUS đề cử]

(kyluc.vn) Với tuổi đời hơn 150 năm, nhà cổ Bình Thủy là một trong những kiến trúc độc đáo còn giữ nguyên nét đẹp cổ xưa đặc trưng của Cần Thơ. Nơi đây được xem như nơi giao thoa của ba lối kiến trúc Việt – Hoa – Pháp.

Nhà cổ Bình Thủy, hay còn gọi là Nhà thờ họ Dương nằm trên đường Bùi Hữu Nghĩa, phường Bình Thủy, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ là một kiến trúc độc đáo có trên trăm năm tuổi. Công trình nguyên thủy là ngôi nhà ở và hiện nay là Nhà thờ họ Dương – những chủ nhân đã kiến tạo và gìn giữ ngôi nhà đến bây giờ. Bước qua lớp cổng rào phía ngoài đường, bên trong có một cổng phụ dạng như cổng chào với lối kiến trúc cổ Á Đông, khung gỗ mái ngói. Dưới mái có tấm biển đề chữ: Phước An Hiệu – Nhà thờ họ Dương.

Khác với những căn nhà khác mang đậm âm hưởng của kiến trúc miền Tây, nhà cổ Bình Thủy là sự giao thoa của hai nền văn hóa Đông – Tây mang hơi hướng lối kiến trúc biệt thự cổ kiểu Pháp. Căn nhà năm gian với rào bao quanh cùng cổng bằng sắt với họa tiết theo kiểu dinh thự Pháp, hàng loạt các họa tiết trang trí hình cá vàng, kì lân hay hoa, lá bằng xi măng trên bờ nóc và đầu hồi.

Gia tộc họ Dương tới sinh cơ lập nghiệp ở Nam Bộ vào cuối thế kỷ XVIII, đến nay đã trải qua 6 đời. Ông Dương Văn Vị (thế hệ thứ 3) là người đã chọn vùng đất Bình Thủy xứ Tây Đô xưa để dựng nhà. Ngôi nhà đầu tiên được xây năm 1870 với kiến trúc gỗ, lợp ngói, để thờ tổ tiên. Tới đầu thế kỷ XX, ông cho xây dựng lại ngôi nhà có quy mô lớn hơn. Năm 1904, sau khi ông mất, công trai ông là Dương Chấn Kỷ tiếp tục xây dựng tới năm 1911 mới hoàn thành – chính là ngôi nhà hiện tại. Công trình tọa lạc trên khuôn viên rộng khoảng 6000m2, mở ra đường theo hướng đông. Trước nhà có khoảng sân rộng với bể cảnh và non bộ là yếu tố minh đường và bình phong trong phong thủy. Vào thời điểm xây dựng nhà, ông Dương Chấn Kỷ là một điền chủ giàu có, có học thức và có tri thức thẩm mỹ. Ông tiếp nhận những giá trị mới của phương Tây và kết hợp với yếu tố dân tộc, truyền thống Á Đông trong việc tạo dựng ngôi nhà. Dễ nhận thấy sự giao thoa của hai nền văn hóa Đông – Tây trong kiến trúc. Ở đó, ngôi nhà bên ngoài có hình thức phương Tây nhưng cấu trúc và nội thất lại đậm màu sắc phương Đông.

 

 

Điểm độc đáo hút mắt những người khách đến xem khi lần đầu về đây là ở 4 lối cầu thang cánh cung nối từ sân vào nhà chính cùng hệ thống một loạt cửa sổ, đảm bảo độ thông thoáng cho ngôi nhà. 

 

Công trình kiến trúc vô cùng tinh tế với hoa văn điêu khắc từ những cây cột, vòm cửa cho đến viền nhà đều được chạm khắc vô cùng tỉ mỉ

 

Từ ngoài vào là hàng rào sắt thường thấy trong những ngôi nhà hiện đại. Khoảng sân trước nhà lát gạch tàu, dù trải qua hơn 150 năm nhưng vẫn còn rất mới. Ở góc sân bên trái có một ngôi miếu nhỏ thờ thổ thần. Vì nhà cổ Bình Thủy được gia chủ cố ý xây dựng khá cao để tránh ngập nên dẫn lên nhà chính có 2 lối cầu thang uốn lượn duyên dáng được bố trí cân xứng 2 bên. Bên trong ngôi nhà cũng có một cổng tam quan mang dấu ấn kiến trúc người Hoa.

 

Khoảng sân rộng rãi trước nhà

Tổng diện tích ngôi nhà là 6.000 mét vuông với thiết kế 5 gian, hoàn toàn phá vỡ quy tắc nhà 3 gian truyền thống miền Tây xưa. Cửa gỗ được thiết kế và trang trí khá hiện đại. Mái nhà được lợp kỳ công 3 lớp. Toàn bộ những bức tường nhà đều được dán gạch. Dưới nền gạch bông là một lớp muối hạt dày khoảng 10cm để tránh côn trùng và xua đuổi tà khí theo thuật phong thủy.

Nền nhà cao hơn 1m so với sân vườn. Mái lợp gồm 3 lớp: 2 lớp dưới hình lòng máng, lớp 1 nhúng vôi bột trắng, do đó, khi nhìn lên trần có cảm giác thoáng đãng, sáng sủa… Các yếu tố trên đã tạo nên 1 không khí mát dịu thường thấy ở kiến trúc xưa.

Nhà cổ Bình Thủy không chỉ có lịch sử khác biệt và kiến trúc độc đáo. Trong khuôn viên ngôi nhà cổ này còn có nhiều dấu ấn gây sự tò mò với du khách. Đó là khu vườn lan, kho cổ vật và những bộ ghế đặc biệt. Gian chính có 3 bộ bàn ghế được dùng với 3 mục đích: 1 bộ dùng để tiếp khách, 1 bộ dùng để ăn cơm và 1 bộ để gia đình ngồi trò chuyện. Nhà cổ Bình Thủy có đến 24 cây xà, tất cả đều được làm bằng gỗ căm xe – một trong những loại gỗ quý của Việt Nam với phẩm chất tốt, độ bền cao. Giữa nhà là gian thờ lớn theo kiểu truyền thống của người Nam Bộ. Toàn bộ đồ thờ đều được chạm trổ tinh tế với những hình ảnh mang tính biểu tượng trong văn hóa phương Đông như trúc, cúc, mai, công, rồng, phượng…

Từng cột trụ bằng lim cho đến cách bài trí các phòng, nội thất đều được gia chủ vô cùng lưu ý để đảm bảo luật đối xứng. Toàn bộ gạch lát nền đều được vận chuyển trực tiếp từ Pháp về.

Trần nhà cũng được trang trí bằng các họa tiết khác nhau 

Gia tộc họ Dương từ khi mới đến Bình Thủy đã nổi tiếng với thú chơi đồ cổ đắt đỏ. Ngôi nhà này là nơi lưu giữ nhiều cổ vật quý giá như bộ ấm chén từ thời Minh – Thanh; cặp đèn treo từ thế kỷ 19; bộ bàn ghế đá cẩm thạch xuất xứ từ Vân Nam (Trung Quốc) hay bộ sa-lông Pháp từ thời Louis.  Ngoài ra còn có những không gian khác theo phong cách Việt cổ xa hoa: bộ chén rượu thời Minh Thanh, bộ bàn ghế cẩm thạch vân xanh từ Vân Nam, bình ngọc men xanh cao 1,2m… Tất cả cũng đã tái hiện trọn vẹn được hình ảnh của một gia tộc thịnh vượng trong thời bấy giờ.

Trong nhà còn lưu giữ được rất nhiều đồ nội thất cổ như hương án, bàn ghế, tủ, sập…; đặc biệt là bộ salon gỗ được chế tác kiểu LOUIS XV hiện để ở gian giữa nhà trước.

 

 

 

 

Vào những năm 1980, ông Dương Văn Ngôn – hậu duệ đời thứ 5 của gia tộc này với thú chơi hoa kiểng đã sưu tầm nhiều giống lan quý khắp nơi. Và một vườn lan, vườn cây cảnh bắt đầu hình thành trong khuôn viên ngôi nhà từ đó. Trong đó, đặc biệt nhất phải kể đến cây xương rồng Mexico Kim hơn 60 năm tuổi. Vào thời đó, nhà cổ Bình Thủy thường là điểm hẹn của những người có chung sở thích chơi hoa và cây kiểng.

Vườn lan Bình Thủy

Hòn non bộ trong khuôn viên nhà cổ Bình Thủy

Bởi giá trị lịch sử cũng như nghệ thuật độc đáo của mình mà Nhà cổ Bình Thủy đã sớm trở thành phim trường lý tưởng cho các đạo diễn. Cụ thể nhiều bộ phim vang bóng một thời đã được quay tại đây như: Công tử Bạc Liêu, Người đẹp Tây Đô, Những nẻo đường phù sa, Bão U Minh, Nợ đời, Dòng sông hoa trắng, Đội nữ biệt động mùa thu… Những thước phim kinh điển được quay tại đây cũng phần nào lột tả được những giá trị văn hóa đặc sắc của miền Tây trong thời kỳ đó và khiến bao trái tim khán giả say mê theo nét phóng khoáng, trữ tình của miền sông nước Nam Bộ. Đặc biệt nhất trong số đó phải kể đến chính là bộ phim điện ảnh nổi tiếng trên thế giới: “Người tình” (The lover – 1992) của đạo diễn gạo cội Jean Jacques Annaud (Pháp).

 

Năm 2009, nhà cổ Bình Thủy đã được công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia.

Hơn một thế kỷ tồn tại, trải qua bao thăng trầm của thời cuộc và chiến tranh, nhà cổ Bình Thủy vẫn may mắn tồn tại, được các thế hệ chăm sóc, gìn giữ và tỏa sáng, trở thành một di sản quý báu. Đó là một kiến trúc đặc sắc của tầng lớp giàu có ở Cần Thơ nói riêng và Nam Bộ nói chung, thể hiện sự giao thoa văn hóa trong giai đoạn lịch sử có nhiều biến động.

——————————————

 

 

Hồng bảo Kỷ lục được hiểu là những công trình Kỷ lục được thực hiện trong một thời gian dài, tích hợp những giá trị về kiến trúc, thẩm mỹ, văn hóa… để hình thành nên cho mai sau những di sản, đồng thời góp phần viết tiếp những câu chuyện mà cha ông đã gây dựng, từ đó góp phần định vị những giá trị địa phương nói riêng và Việt Nam nói chung vươn tầm khu vực và thế giới, góp phần định hình, phát triển hình ảnh du lịch địa phương nói riêng và đất nước nói chung thông qua những công trình biểu tượng.

Hành trình tìm kiếm TOP 100 Hồng bảo Kỷ lục Thế giới tại Việt Nam được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VietKings) giao cho Trung tâm TOP Việt Nam triển khai và đề cử đến Viện Kỷ lục Thế giới (World Mark) với mong muốn góp phần nhận diện, định vị, quảng bá hình ảnh quốc gia – địa phương ra thế giới. Dự án là một hành trình dài hơi và có thể tiếp nối từ thế hệ này sang thế hệ khác trong mục tiêu chung tạo ra những thay đổi về kiến trúc cảnh quan hiện hữu và quan trọng hơn là góp phần tạo nên những giá trị chiều sâu về văn hóa điểm đến hay lịch sử gắn liền với điểm đến.

 

Diệu Phi – VietKings (tổng hợp và biên tập, ảnh Internet)

Chia sẻ:

Share on facebook
Share on twitter
Share on linkedin

Bài viết mới