TOP 100 Hồng bảo Kỷ lục Thế giới tại Việt Nam (P.54) Làng đá Khuổi Ky (Cao Bằng): Làng đá cổ 400 năm nơi miền biên viễn – [VIETKINGS-TOPPLUS đề cử]

(kyluc.vn) Bản đá Khuổi Ky thuộc xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng, với những ngôi nhà sàn bằng đá mang dáng dấp cổ xưa, tạo nên nét cổ kính, nhuốm màu huyền thoại cho vùng đất miền biên viễn.

Đối với nghiên cứu khoa học, núi đá là giá trị cốt lõi tạo nên di sản địa chất của CVĐC, đồng thời cũng là giá trị văn hóa cổ xưa nhất gắn với đời sống con người từ buổi sơ khai lịch sử đến xã hội hiện đại. Bước chân đến làng đá cổ Khuổi Ky sẽ đưa bạn trở về dòng chảy nghìn năm cổ xưa bởi sẽ được trải nghiệm đi trên đường xếp đá, ngắm nhìn tường rào đá, ở trong nhà sàn đá tựa lưng vào chân núi, ngắm cảnh dòng suối trong xanh chảy hiền hòa…

 

 

Làng Khuổi Ky thuộc xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, được hình thành từ khoảng thế kỷ 16, khi nhà Mạc lên vùng đất Cao Bằng để xây dựng thành quách phòng thủ. Với diện tích khoảng 1 ha, làng có tổng cộng 14 nhà sàn cổ, là nơi sinh sống của người dân tộc Tày. Đồng bào Tày ở Cao Bằng có tín ngưỡng thờ đá, coi đá là khởi nguồn của sự sống và là trung tâm của vũ trụ, với quan niệm: Con người sinh ra từ đá và khi chết sẽ hóa thành đá. Việc dựng nhà đá cũng xuất phát từ những quan niệm thiêng liêng đó. Tất cả nhà sàn trong làng đều được xây dựng hoàn toàn bằng đá, trong thế tựa lưng vào núi và quay ra hướng Đông là suối Khuổi Ky, tạo vẻ đẹp độc đáo và khác biệt so với những ngôi nhà sàn của người Tày ở vùng miền khác.

 

 

 

Kiến trúc “làng đá” trong đời sống bà con nơi đây được các bậc cao niên trong bản kể: Trong truyền thuyết dân gian từ xa xưa, đồng bào Tày, Nùng, Mông, Dao, Lô Lô… đã tụng truyền và thực hiện nghi lễ thờ thần đá, bởi quan niệm đá là trung tâm của vũ trụ, cho con người sự sống, là vị thần che chở con người trước sự khắc nghiệt của thiên nhiên. Mỗi dân tộc làm lễ thờ thần đá, thần rừng tuy khác nhau nhưng đều có chung ngưỡng vọng nhân văn cầu mong mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, điều tốt đẹp nhất sẽ đến với bản làng.

Nơi dựng nhà sàn đá lấy chân núi làm điểm tựa, hướng cửa nhìn ra cảnh quan khoáng đạt, thuận tiện cho việc làm ăn sinh sống. 14 ngôi nhà sàn đá làng Khuổi Ky đều tựa lưng vào chân núi, trước cửa là con suối trong hiền hòa chảy qua những thửa ruộng xanh mướt. Mỗi ngôi nhà sàn đá nơi đây là hiện hữu của mỗi một câu chuyện cổ tích về nghệ thuật kiến trúc độc đáo, công phu về nhà sàn cổ được gìn giữ lưu truyền qua nhiều thế hệ.

 

 

 

Các bậc cao niên trong bản cho biết: Xưa chưa có vật liệu xây dựng, để xây được ngôi nhà sàn đá phải tích lũy công phu nhiều năm tìm đá viên và dành đường, mật ong để làm vật liệu kết dính đá xây nhà. Những viên đá cứng, đẹp được chọn về làm nguyên liệu xây nhà được cho là quan trọng nhất. Bởi đồng bào quan niệm những viên đá được hình thành từ sâu trong lòng đất, hấp thụ tinh hoa của đất trời nên có nguồn năng lượng và linh khí rất cao.

Khi làm nhà sàn đá phải tính toán khoa học, tỉ mỉ cân bằng với số lượng thành viên trong gia đình. Mỗi tường đá được xây phải chọn hàng vạn viên đá lớn nhỏ khác nhau rồi trộn đá vôi và cát làm chất keo kết dính. Mái nhà lợp bằng ngói âm – dương. Nhà sàn thường 2 tầng, tầng dưới để vật dụng gia đình, tầng trên thường chia ra làm ba không gian chính. Nơi giữa nhà là gian phòng khách, bàn thờ; bên phải, ngăn thành các phòng ngủ; bên trái là bếp ăn, để các vật dụng sinh hoạt khung cửi, thóc, gạo… Điều rất thú vị là nhà sàn đá nơi đây đều đảm bảo mát về mùa hè, ấm về mùa đông.

Kiến trúc nhà lợp ngói âm dương với ba gian chính, mỗi gian được ngăn bằng khung ván gỗ để thuận tiện cho việc sinh hoạt.

 

Đá gắn liền với người Tày của bản từ rất xa xưa, hễ làm nhà hay bất cứ vật dụng gì, trước tiên người dân đều nghĩ đến đá, sau đó mới đến gỗ, tre và các loại vật liệu khác
Làng đá cổ Khuổi Ky đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận “Làng văn hóa truyền thống tiêu biểu của dân tộc ít người” năm 2008. Đây được xem là điều kiện lý tưởng để thúc đẩy phát triển du lịch ở Khuổi Ky. Nhanh chóng nắm bắt xu hướng thúc đẩy phát triển du lịch, địa phương đã hình thành mô hình du lịch cộng đồng, với dịch vụ lưu trú homestay tại ngôi làng Khuổi Ky.

 

——————————————

 

 

Hồng bảo Kỷ lục được hiểu là những công trình Kỷ lục được thực hiện trong một thời gian dài, tích hợp những giá trị về kiến trúc, thẩm mỹ, văn hóa… để hình thành nên cho mai sau những di sản, đồng thời góp phần viết tiếp những câu chuyện mà cha ông đã gây dựng, từ đó góp phần định vị những giá trị địa phương nói riêng và Việt Nam nói chung vươn tầm khu vực và thế giới, góp phần định hình, phát triển hình ảnh du lịch địa phương nói riêng và đất nước nói chung thông qua những công trình biểu tượng.

Hành trình tìm kiếm TOP 100 Hồng bảo Kỷ lục Thế giới tại Việt Nam được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VietKings) giao cho Trung tâm TOP Việt Nam triển khai và đề cử đến Viện Kỷ lục Thế giới (World Mark) với mong muốn góp phần nhận diện, định vị, quảng bá hình ảnh quốc gia – địa phương ra thế giới. Dự án là một hành trình dài hơi và có thể tiếp nối từ thế hệ này sang thế hệ khác trong mục tiêu chung tạo ra những thay đổi về kiến trúc cảnh quan hiện hữu và quan trọng hơn là góp phần tạo nên những giá trị chiều sâu về văn hóa điểm đến hay lịch sử gắn liền với điểm đến.

 

Diệu Phi – VietKings (tổng hợp và biên tập, ảnh Internet)

Chia sẻ:

Share on facebook
Share on twitter
Share on linkedin

Bài viết mới