TOP 100 Hồng bảo Kỷ lục Thế giới tại Việt Nam (P.56) Dinh thự Công tử Bạc Liêu (Bạc Liêu): Kiến trúc bề thế vượt thời gian – [VIETKINGS-TOPPLUS đề cử]

(kyluc.vn) Nhà công tử Bạc Liêu tọa lạc ngay trung tâm thành phố Bạc Liêu. Ngôi nhà nổi bật giữa vùng với sự bề thế, mang phong cách kiến trúc phương Tây sang trọng vượt thời gian. Đây cũng là một địa điểm văn hóa, gắn liền với nhiều giai thoại và những câu chuyện truyền đời về cuộc sống của thiếu gia bậc nhất Lục tỉnh miền Tây những năm 1919.

Tọa lạc tại số 13 đường Điện Biên Phủ, phường 3, thành phố Bạc Liêu, ngôi nhà có kiến trúc nguy nga với màu trắng nổi bật của công tử Bạc Liêu là một trong những điểm đến thu hút du khách ghé thăm ở vùng đất này. Ngôi nhà gây ấn tượng với khách du lịch ngay từ cái nhìn đầu tiên bởi mang đậm nét kiến trúc Đông – Tây kết hợp. Công trình được xây dựng từ năm 1917 và hoàn thiện sau hai năm. Người địa phương thường gọi đây là “nhà lớn” vì trông bề thế, nổi trội ở lục tỉnh miền Tây thời bấy giờ.

 

Ngôi nhà do ông Trần Trinh Trạch, tức Hội đồng Trạch, cha của công tử Bạc Liêu xây khi công tử mới 19 tuổi. Ông Trần Trinh Trạch là chủ sở hữu của 74 sở điền, với 110.000ha đất trồng lúa, gần 100.000ha ruộng muối, là một trong tứ đại điền chủ giàu có nhất thời bấy giờ.

 

Công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy (phải) và thân phụ Trần Trinh Trạch

Ngay khi bước chân vào ngôi nhà, du khách không khỏi trầm trồ bởi những đường nét thiết kế tỉ mỉ, tinh tế, toát lên vẻ sang trọng và hào hoa. Những chiếc đèn màu vàng tỏa ánh sáng lung linh tạo cảm giác ấm cúng và sang trọng. Trên mỗi cây cột của ngôi nhà đều được trang trí nhiều hoa văn đẹp mắt.

 

Ngôi biệt thự được xây hai tầng do kỹ sư người Pháp thiết kế, hầu hết vật liệu xây dựng được mang từ Paris về. Nhiều chi tiết, vật liệu, đồ nội thất trong nhà được nhập khẩu từ Pháp, các chi tiết xây dựng đều có đóng dấu chìm mẫu tự P thể hiện xuất xứ.

Căn nhà được xây theo lối kiến trúc Pháp do chính các kiến trúc sư đến từ đất nước hình lục lăng thiết kế.

Tay nắm cửa với các chi tiết tinh tế

Ấn tượng mạnh mẽ của du khách khi tham quan ngôi nhà chính là cách bố trí hài hoà các phòng khách, phòng ngủ, cầu thang dẫn lên lầu đều được tính toán kỹ để tận dụng được ánh sáng tự nhiên, không khí thoáng đãng tràn ngập tất cả các khu vực sử dụng.

Cầu thang được làm bằng cẩm thạch

Cầu thang gỗ dẫn lên sân thượng

 

Đặc biệt, các đồ vật quý của ngôi nhà như chiếc xe hơi được ông Trần Trinh Trạch mua năm 1930 tại Sài Gòn để đón con trai là công tử Bạc Liêu đi du học Pháp trở về; hai bộ giường ngủ của công tử Bạc Liêu được chia theo hai mùa mưa nắng của miền Nam bằng chất liệu gỗ quý để bảo đảm các tính năng làm ấm, chống nóng cho gia chủ.

Một trong 2 chiếc giường ngủ theo mùa của công tử Bạc Liêu.

Chiếc ôtô được ông Trần Trinh Trạch mua năm 1930 tại Sài Gòn để đón con trai là Công tử Bạc Liêu đi du học Pháp trở về.

Bên cạnh đó, các hiện vật như bộ trường kỷ được làm từ 1 tấm gỗ nguyên, bộ bàn xoay “Tam lân” (bàn tròn mặt bằng đá, chân quỳ tam giác có chạm 3 con lân), bộ “Tượng bành” (có hình chiếc bành đặt trên lưng voi), sạp “Tam thành” (3 vách) là nơi ngủ của Trần Trinh Khương, em trai của công tử Bạc Liêu), giường ngủ của ông bà Hội đồng Trạch, giường cho khách hút thuốc phiện, bàn đánh bài, bình hoa… đều là những vật dụng rất có giá trị.

Bộ Trường kỷ ngũ sơn nổi bật trong phòng tiếp khách

 

Những bộ ghế cổ quý cẩn xà cừ hầu như có thể thấy khắp các góc nhà.

 

 

 

 

 

Những đồ dùng cao cấp vẫn được lưu giữ trong dinh thự

Đến đây, ngoài việc được chiêm ngưỡng ngôi nhà, hiện vật, khách tham quan cũng được nghe lại nhiều giai thoại, đồng thời cũng hiểu rõ lý do vì sao vị công tử thứ ba được cưng chiều nhất nhà, được tạo điều kiện đi du học tại Pháp, nổi tiếng về thú ăn chơi, phóng túng, tiêu đến 5 tấn vàng trong suốt cuộc đời, cùng vô số câu chuyện về các bóng hồng, đốt tiền tìm hoa tai cho người đẹp, là một nghệ sĩ cải lương nổi tiếng… khiến nhiều người cho đến nay vẫn hiếu kỳ.

Hình ảnh công tử Bạc Liêu cùng ba người vợ (trong số 5 người vợ) và cô con gái (bìa trái) hiện được lưu giữ tại dinh thự

Kiến trúc của căn nhà là một sự kiện về thiết kế lớn ở miền Tây thuở bấy giờ. Lần đầu có người phá vỡ cấu trúc nhà 3 gian cổ xưa và cả cổng tam quan theo lối kiến trúc Trung Hoa. Căn nhà gần như thổi luồn gió mới phá vỡ nhiều lề lối cũ về kiến trúc nhà của người Việt ở miền Tây bấy giờ. Đặc biệt khiến nó trở thành 1 trong 3 ngôi nhà cổ lớn đại diện văn hóa nhà cổ miền Nam thời điền chủ, bá hộ bấy giờ bên cạnh: Nhà cổ Bình Thủy, nhà cổ Huỳnh Thủy Lê.

Trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, ngôi nhà được bày biện, phục tráng gần như nguyên trạng, giữ được dáng dấp sang trọng, giàu có một thời, và là điểm đến của phần lớn du khách khi đến tỉnh Bạc Liêu. Nơi này cũng được Hiệp hội Du lịch Đồng bằng Sông Cửu Long trao giấy chứng nhận điểm du lịch tiêu biểu năm 2014 và 2017.

——————————————

 

Hồng bảo Kỷ lục được hiểu là những công trình Kỷ lục được thực hiện trong một thời gian dài, tích hợp những giá trị về kiến trúc, thẩm mỹ, văn hóa… để hình thành nên cho mai sau những di sản, đồng thời góp phần viết tiếp những câu chuyện mà cha ông đã gây dựng, từ đó góp phần định vị những giá trị địa phương nói riêng và Việt Nam nói chung vươn tầm khu vực và thế giới, góp phần định hình, phát triển hình ảnh du lịch địa phương nói riêng và đất nước nói chung thông qua những công trình biểu tượng.

Hành trình tìm kiếm TOP 100 Hồng bảo Kỷ lục Thế giới tại Việt Nam được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VietKings) giao cho Trung tâm TOP Việt Nam triển khai và đề cử đến Viện Kỷ lục Thế giới (World Mark) với mong muốn góp phần nhận diện, định vị, quảng bá hình ảnh quốc gia – địa phương ra thế giới. Dự án là một hành trình dài hơi và có thể tiếp nối từ thế hệ này sang thế hệ khác trong mục tiêu chung tạo ra những thay đổi về kiến trúc cảnh quan hiện hữu và quan trọng hơn là góp phần tạo nên những giá trị chiều sâu về văn hóa điểm đến hay lịch sử gắn liền với điểm đến.

 

Diệu Phi – VietKings (tổng hợp và biên tập, ảnh Internet)

Chia sẻ:

Share on facebook
Share on twitter
Share on linkedin

Bài viết mới