TOP 100 Hồng bảo Kỷ lục Thế giới tại Việt Nam (P.63) Chùa Kh’Leang (Sóc Trăng): Tinh hoa kiến trúc Kinh-Khmer-Hoa – [VIETKINGS-TOPPLUS đề cử]

(kyluc.vn) Là một ngôi chùa cổ của người Khmer, chùa Kh’Leang là nơi sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của đông đảo người dân địa phương. Với phong cách kiến trúc – điêu khắc không chỉ thuần Khmer mà còn thể hiện sự giao thoa với văn hóa Hoa – Việt, chùa được xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia và là một trong những điểm đến của du khách, khi ghé thăm Sóc Trăng.

Nằm ở số 53 đường Tôn Đức Thắng, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng, chùa Kh’Leang là một trong những chùa Khmer có lịch sử lâu đời và kiến trúc đẹp nhất của khu vực Nam Bộ. Chùa Kh’Leang cũng là công trình tôn giáo đầu tiên của người Khmer trên mảnh đất Sóc Trăng. Theo các thư tịch cổ, chùa được xây dựng từ năm 1533, lúc đầu chỉ là ngôi chùa lợp lá, sau nhiều lần trùng tu được xây cất bằng gạch ngói. Kiến trúc hiện nay có từ đợt trùng tu lớn cuối thập niên 1910

 

 

Theo tài liệu còn đang lưu trữ tại chùa Kh’Leang, vào đầu thế kỷ 16, từ kinh đô Lô-véc, vua của nước Chân Lạp là Ang Chăn đã tổ chức một chuyến đi kinh lý qua các lãnh địa xa xôi của mình ở vùng hạ lưu sông Hậu. Khi nhà vua đến thăm Srok Kh’leang (tiếng Khmer có nghĩa là “xứ có kho”, tức tỉnh Sóc Trăng ngày nay) mà không thấy có ngôi chùa thờ Phật nào, ngài bèn ra lệnh cho viên quan coi quản đất tên là Tác (phiên âm từ tiếng Khmer) phải xây dựng gấp một ngôi chùa để dân chúng có nơi hành đạo. Vâng lệnh vua ban, năm 1532, ông Tác bèn triệu tập các tín đồ và đại diện các “sóc” (srok, có nghĩa là xứ) để kêu gọi mọi người góp công, góp sức xây dựng một ngôi chùa thờ Phật. Sau khi bàn bạc, chùa Kh’ Leang (lấy tên đất đặt tên cho chùa) được khởi công xây dựng vào ngày 16 tháng 12 Phật Lịch 2076 (tức vào năm 1532 dương lịch).

Cũng theo thư tịch cổ Khmer của Chùa Kh’Leang hiện còn lưu giữ, ngôi chính điện đầu tiên được khởi công xây dựng vào năm 1.532 và không biết tồn tại đến bao nhiêu năm, riêng ngôi chính điện hiện nay được xây dựng hoàn thành vào năm 1918, tức là vào thời gian đại đức Liêu Đuông làm trụ trì chùa. Trong quá trình xây dựng ngôi chính điện này nhà chùa có rước hai nghệ nhân tên là Chao và Clao từ Campuchia về tham gia xây dựng.

 

Cổng chùa quay mặt về hướng Đông, được trang trí hoa văn cầu kỳ với màu sắc rực rỡ mang đậm phong cách văn hóa Khmer. 

 

 

Ngôi chùa có tuổi đời 500 năm này có khuôn viên rộng lớn, tổng diện tích 3.825 m2 và được che bóng mát bởi các hàng cây cổ thụ, trong đó nhiều nhất là thốt nốt. Quần thể kiến trúc chùa bao gồm: chính điện, sa la, nhà tăng, hội trường,… được bố trí hài hòa, cân xứng. Điểm độc đáo là đa số các công trình trong chùa Kh’Leang đều được xây dựng theo kiểu nhà sàn truyền thống của dân tộc Khmer Nam Bộ. Mỗi công trình đều được điêu khắc, chạm trổ hoa văn, họa tiết tinh xảo.

 

 

 

Tòa chính điện nằm ở trung tâm được chia làm ba bậc nền, có hàng rào bao xung quanh màu sắc rực rỡ. Bờ viền mái nóc có tượng rồng uốn lượn. Chánh điện được dựng bằng 07 hàng cột ngang ở phía trước, mỗi hàng có 10 cây cột trụ kéo dài ra phía sau. Ngôi chánh điện được xây trên mặt bằng cao hơn mặt đất, được tráng xi măng, có bậc tam cấp để đi lên. Bên trong chánh điện được trang trí các hình ảnh, hoa văn rất tinh xảo. Các bức tường thấp được xây dựng theo hành lang theo hình cánh sen hoặc các hình khối, tạo thành những đường viền cách vách chánh điện 1,5 m.

 

Góc mái chính điện được tạo hình Rắn thần Naga.

 

Hai bên bậc thềm ở phía trước chánh điện có tượng Yeak (Chằn), linh vật bảo vệ ngôi chùa. Trong truyện cổ Khmer, Yeak là nhân vật có dáng vẻ hung dữ, tượng trưng cho cái Ác nhưng đã được đức Phật cải hóa.

 

Hình tượng thần Krud hay chim thần Garuda đỡ mái chính điện. Đây là loại chim thần có mình người; đầu, chân và hai cánh của chim, mỏ ngậm một viên hồng ngọc, có xuất xứ từ văn hóa Ấn Độ.

 

 

Chính điện có bốn cổng được làm bằng gỗ – nguyên thân gỗ xẻ, khắc cảnh giao đấu giữa hai nhân vật thiện – ác trên nền khung được trang trí hoa văn tinh xảo, thể hiện trình độ chạm khắc gỗ cao của các nghệ nhân.

 

Chùa có khoảng 45 tượng Phật Thích Ca làm từ nhiều chất liệu như xi măng, gỗ, đồng, đá trắng, đất nung,… hầu hết được chạm trổ, sơn son thiếp vàng. Giữa chính điện là tượng Phật thích ca ngồi thiền định trên bệ tượng cao, được trang trí nhiều tầng hoa văn hình cánh sen và lửa; mé trái là bức cửa võng bằng gỗ sơn son thiếp vàng trang trí đầy hoa văn hình chim muông hoa lá theo mô típ quen thuộc của người Kinh. Trần chính điện được trang trí các bức tranh sơn dầu vẽ hình tiên nữ đang múa trên bầu trời càng làm tăng thêm phần sinh động cho gian bên trong chính điện…

 

 

 

Ngoài chức năng phục vụ tín ngưỡng, chùa Kh’Leang còn là nơi tổ chức các nghi lễ truyền thống của dân tộc Khmer, trong đó có lễ Chol Chnam Thmay (Lễ mừng năm mới), Sen Dolta (Lễ cúng ông bà), lễ Ok Om Bok  (Lễ cúng trăng)… Chùa Kh’Leang là một công trình kiến trúc có giá trị nghệ thuật, thẩm mỹ cao, mỗi hạng mục trong chính điện là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo, sự tập hợp và sắp xếp hài hòa thể hiện sự giao thoa văn hóa giữa 03 dân tộc Kinh – Khmer – Hoa trong quá trình giao lưu văn hóa và cộng cư, sinh sống đã biết đoàn kết và học hỏi lẫn nhau để cùng phát triển.

 

——————————————

 

 

 

Hồng bảo Kỷ lục được hiểu là những công trình Kỷ lục được thực hiện trong một thời gian dài, tích hợp những giá trị về kiến trúc, thẩm mỹ, văn hóa… để hình thành nên cho mai sau những di sản, đồng thời góp phần viết tiếp những câu chuyện mà cha ông đã gây dựng, từ đó góp phần định vị những giá trị địa phương nói riêng và Việt Nam nói chung vươn tầm khu vực và thế giới, góp phần định hình, phát triển hình ảnh du lịch địa phương nói riêng và đất nước nói chung thông qua những công trình biểu tượng.

Hành trình tìm kiếm TOP 100 Hồng bảo Kỷ lục Thế giới tại Việt Nam được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VietKings) giao cho Trung tâm TOP Việt Nam triển khai và đề cử đến Viện Kỷ lục Thế giới (World Mark) với mong muốn góp phần nhận diện, định vị, quảng bá hình ảnh quốc gia – địa phương ra thế giới. Dự án là một hành trình dài hơi và có thể tiếp nối từ thế hệ này sang thế hệ khác trong mục tiêu chung tạo ra những thay đổi về kiến trúc cảnh quan hiện hữu và quan trọng hơn là góp phần tạo nên những giá trị chiều sâu về văn hóa điểm đến hay lịch sử gắn liền với điểm đến.

 

 

Diệu Phi – VietKings (tổng hợp và biên tập, ảnh Internet)

Chia sẻ:

Share on facebook
Share on twitter
Share on linkedin

Bài viết mới