VietKings công bố TOP 100 đặc sản quà tặng Việt Nam (2021 – 2022): (P.11) – Rượu nếp làng Cẩm (Tỉnh Bắc Ninh)

(Top – Bếp vàng) Làng Cẩm Giang – phường Đồng Nguyên nằm bên bờ sông Tiêu Tương gắn liền với huyền thoại Trương Chi – Mỵ Nương nổi tiếng các nghề truyền thống như: trồng lúa nước, dệt vải, và đặc biệt là nghề nấu rượu. Ngày nay, nhiều gia đình trong làng vẫn còn lưu giữ được nghề nấu rượu cổ truyền do các nghệ nhân lâu đời trong làng truyền lại. Mùi men rượu thơm lừng tỏa ra từ nóc bếp trong tiết trời se lạnh khiến bước chân ai cũng không khỏi chếnh choáng, ngập ngừng.

 

Năm 2022, dưới sự chỉ đạo của Trung ương Hội Kỷ lục gia Việt Nam, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VietKings) đã giao nhiệm vụ cho Trung tâm Top Việt Nam triển khai Hành trình tìm kiếm và quảng bá các món ăn, đặc sản đặc biệt của 63 tỉnh thành Việt Nam, nhằm tìm kiếm và giới thiệu các món ăn – đặc sản đặc sắc, độc đáo, mới lạ, mang hơi thở vùng miền trên khắp cả nước. Sau thời gian tiếp nhận và xem xét hồ sơ đề cử từ các địa phương gửi về, ban quản lý Hành trình đã lựa chọn và tổng hợp Top 100 món ăn đặc sản và Top 100 đặc sản quà tặng nổi bật của 63 Tỉnh/Thành phố Việt Nam (Lần V, Năm 2021 – 2022).

Bài công bố Top 100 món ăn đặc sản và Top 100 đặc sản quà tặng nổi bật của 63 Tỉnh/Thành phố Việt Nam (Lần V, Năm 2021 – 2022) tại đây.  Sau thời gian công bố, VietKings và Trung tâm Top Việt Nam sẽ giới thiệu tất cả các món ăn, đặc sản được chọn vào các Top đến quý độc giả liên lục mỗi ngày trên các cổng thông tin của Tổ chức Kỷ lục Việt Nam VietKings.

Kính mời quý độc giả, quý địa phương cùng thưởng thức: P.11 – TOP 100 đặc sản quà tặng Việt Nam (2021 – 2022): Rượu nếp làng Cẩm (Tỉnh Bắc Ninh)


Rượu nếp làng Cẩm (Tỉnh Bắc Ninh)

Rượu làng Cẩm của phường Đồng Nguyên được làm hoàn toàn bằng phương pháp thủ công nên có hương vị rất đặc biệt. Trước đây, gạo dùng để nấu rượu là giống nếp cái hoa vàng trồng trên lớp phù sa màu mỡ. Sau khi thu hoạch mỗi nhà đều chọn ra chỗ thóc chắc mẩy nhất nấu thành rượu dùng trong những dịp Lễ, Tết hoặc những khi gia đình có công việc.

 

Rượu nếp làng Cẩm được làm từ gạo nếp cái hoa vàng nguyên gốc cấy trồng trên trầm tích sa bồi của đôi bờ Tiêu Tương màu mỡ, khi lúa chín cho hạt chắc mẩy vàng ươm. 

 

Các công đoạn để làm rượu cũng rất cầu kỳ. Đầu tiên, thóc phải sàng sảy cho hết sạn rồi mang xay bằng cối thủ công để loại bỏ đi lớp vỏ nhưng vẫn phải giữ nguyên lớp cám bọc bên ngoài. Sau đó, gạo nếp phải được ngâm từ 6 đến 8 giờ, vo sạch rồi để cho ráo nước kết hợp cùng men tán nhỏ mịn. Gạo nếp sẽ được mang đồ hai lần thành xôi đến khi có mùi thơm lừng thì mang ra hong gió cho nguội hẳn rồi mới tiến hành ủ men. Loại men truyền thống của làng là men thuốc bắc. Men này sẽ giúp rượu có vị nồng và êm khi uống. Điểm độc đáo trong cách ủ rượu của làng Cẩm là dùng lá sen để bọc các lớp gạo. Lá sen phải là loại lá bánh tẻ không non mà cũng không quá già.

 

Ban đầu người ta trải một lớp lá sen vào rá rồi chọc vài lỗ thủng dưới đáy để trong quá trình ủ nước rượu chảy ra. Cứ một lớp xôi đồ sẽ rắc một lớp men cho đều và cứ thế cho đến khi hết, sau đó, đậy lớp lá sen lên trên cùng cho kín rồi mang ủ trong phòng yếm khí. 

 

Thông thường một mẻ rượu phải được ủ từ 2 đến 3 ngày tùy thời tiết. Cơm rượu nếp cái hoa vàng khi đã lên men đến độ có thể ăn được ngay nhưng nếu muốn dùng lâu, người ta đổ thêm rượu chưng cất rồi bưng kín trong vò sành, hạ thổ khoảng ba tháng đến một năm. Như vậy sẽ được thứ rượu ngon, đạt chất lượng tốt nhất. Rượu thành phẩm có màu vàng sóng sánh, uống vào thoạt đầu thấy cay cay ở đầu lưỡi, sau sẽ thấy vị ngọt đượm. Đây là thứ đặc sản quê hương mà người làng Cẩm Giang vẫn mang ra tiếp đãi mỗi khi có khách quý từ phương xa tới chơi, mỗi một giọt rượu chứa đựng cả cái tình và cái tâm của người làng Cẩm Giang.

 

Với bàn tay khéo léo của người làng Cẩm dựa trên phương pháp thủ công truyền thống, họ đã làm ra loại rượu có hương vị rất riêng. 

Rượu nếp làng Cẩm trở thành một món quà quý dành cho những ngày lễ, Tết hoặc đặt vào mâm quả cưới cho đôi trẻ. Ai một lần về Bắc Ninh đừng quên mang về một vài bình rượu – sản phẩm làng nghề, đặc sản quê hương mang thương hiệu Việt Nam đang từng bước chinh phục du khách năm châu bốn biển.

 


Trong thời gian tới, Hành trình tìm kiếm và quảng bá các món ăn, đặc sản đặc biệt của 63 tỉnh thành sẽ tiếp tục được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VietKings) và Trung tâm Top Việt Nam kết hợp cùng các đơn vị liên quan để triển khai sâu rộng đến từng huyện, xã, thị trấn, thôn xóm… để tìm kiếm, giới thiệu các món ăn ngon, đặc sản độc đáo của người dân trên khắp cả nước, góp phần quảng bá các giá trị ẩm thực – đặc sản của Việt Nam rộng rãi ra toàn cầu

Với những thành công nhất định của các hành trình diễn ra trong hơn 12 năm qua, Ban quản lý Hành trình trân trọng cảm ơn các cơ quan ban ngành đoàn thể, các địa phương trong cả nước, các cơ quan thông tấn báo chí, các cá nhân – đơn vị đã đồng hành, hỗ trợ chúng tôi trong suốt hành trình. Để hành trình tiếp tục là cầu nối gắn kết – quảng bá các giá trị Việt, chúng tôi hi vọng sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm và hỗ trợ cùng sự hưởng ứng của các quý vị trong những chặng đường tiếp theo.

Nguồn: KYLUCVIETNAM

Vietnamsales (tổng hợp)

Chia sẻ:

Share on facebook
Share on twitter
Share on linkedin

Bài viết mới