[VIETNAMSALES] ĐIỂM TIN NGÀY 04-01-2023 – SẢN PHẨM BÁN CHẠY VÀ DỊCH VỤ TIÊU BIỂU TRÊN THẾ GIỚI

[BEST THẾ GIỚI] ĐIỂM TIN NGÀY 04-01-2023: Bán hơn 300.000 điện thoại Redmi K60 chỉ trong 5 phút, Xiaomi thắng lớn đầu năm; Tesla có thể trình làng xe điện giá rẻ vào năm 2024; Giá dầu châu Á trượt khỏi mức cao nhất trong một tháng; Đón làn sóng dịch chuyển của các ông lớn thế giới

 

1. Bán hơn 300.000 điện thoại Redmi K60 chỉ trong 5 phút, Xiaomi thắng lớn đầu nămBán hơn 300.000 điện thoại Redmi K60 chỉ trong 5 phút, Xiaomi thắng lớn đầu năm

Có khoảng 100 chiếc smartphone này đã được mua mỗi giây trong đợt giảm giá chớp nhoáng hôm 1/1 vừa qua.

 

 

Redmi, thương hiệu con của Xiaomi đã ra mắt dòng điện thoại Redmi K60 bao gồm các biến thể thông thường, Pro và K60E tại Trung Quốc vào tháng trước. Và trong ngày đầu năm mới, các sản phẩm đã chính thức lên kệ, thu hút sự chú ý của đông đảo người dùng, cũng như tạo nên một cơn sốt mới trên thị trường.

Đại diện công ty tiết lộ trên Weibo rằng lô hàng hơn 300.000 chiếc điện thoại Redmi K60 đầu tiên đã được bán hết trong 5 phút, thông qua đợt giảm giá chớp nhoáng đầu năm. Trong đó, dữ liệu bán hàng cho thấy người dùng đã tỏ ra đặc biệt yêu thích tính năng mới như màn hình 1220p, tính năng sạc nhanh 120 W, chipset Snapdragon 8 Gen 2 của biến thể Pro. Số lượng thiết bị bán ra nghe có vẻ ấn tượng, bởi chỉ một phép toán đơn giản cũng cho thấy có khoảng 100 thiết bị được mua mỗi giây. Tuy nhiên, con số này thấp hơn so với 330.000 chiếc đã bán ra của dòng Redmi K50 trước đó, tức là mức giảm 10%.

Chỉ có thời gian mới có thể cho biết liệu doanh số bán hàng tổng thể của Redmi K60 có vượt qua dòng sản phẩm trước đó hay không, nhưng các cuộc thăm dò đang cho thấy Redmi K60 Pro đang là mẫu điện thoại thông minh đáng mơ ước của đông đảo người dùng ở thị trường smartphone lớn nhất thế giới này.

 

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/ban-hon-300000-dien-thoai-redmi-k60-chi-trong-5-phut-xiaomi-thang-lon-dau-nam-20230103114544372.htm

 

2. Tesla có thể trình làng xe điện giá rẻ vào năm 2024

Mẫu xe đang được tạm gọi bằng tên ‘Model 2’ sẽ trở thành ôtô điện rẻ nhất của hãng. Theo các chuyên gia phân tích đến từ Loup Ventures, hãng ôtô điện Tesla của tỷ phú Elon Musk nhiều khả năng sẽ trình làng một mẫu xe mới vào năm 2024.

Do chưa có bất kỳ thông tin chính thức nào được công bố, Loup Ventures đã tạm gọi đây là “Model 2” dựa trên những gợi ý về một mẫu xe nhỏ hơn và rẻ hơn Model 3 mà Tesla từng úp mở. Mặc dù không xuất hiện trong các báo cáo chính thức, ban lãnh đạo của Tesla – bao gồm Elon Musk – đều thừa nhận sự ra đời của một mẫu xe có giá bán thấp hơn Model 3 là cần thiết.

 

 

Trang tin InsideEVs tiết lộ đã tìm thấy một vài thông tin cho biết Tesla đã chuẩn bị sẵn sàng cho quá trình thiết kế cũng như sản xuất một mẫu xe điện tại Trung Quốc trước khi phân phối trên phạm vi toàn cầu. Theo đó, dòng xe điện “Model 2” của Tesla sẽ là một mẫu xe nhỏ gọn có giá khởi điểm 25.000 USD. Hiện, Tesla Model 3 với giá khởi điểm 46.990 USD đang là mẫu ôtô điện rẻ nhất trong dải sản phẩm của hãng. Các vị trí tiếp theo lần lượt là Model S, Model Y, còn SUV điện hạng sang Model X là mẫu xe đắt nhất với giá khởi điểm hơn 120.000 USD.

Trên diễn đàn Teslarati, đội ngũ chuyên gia thuộc Loup Ventures đã chia sẻ nội dung từ bản báo cáo, trong đó đề cập 2024 là thời điểm lý tưởng nhất để hãng ôtô điện của Elon Musk trình làng “Model 2”. Theo đó, nếu Tesla công bố giá bán của mẫu xe này quá sớm, doanh số của Model 3 sẽ bị ảnh hưởng đáng kể. Đồng thời, việc đẩy mạnh năng lực dây chuyền sản xuất ôtô điện trong giai đoạn này sẽ tiềm ẩn khả năng dẫn đến một đợt suy thoái trên diện rộng cho ngành công nghiệp ôtô. Trong bài viết của mình, Loup Ventures tin rằng dây chuyền sản xuất của “Model 2” sẽ chỉ bắt đầu từ giữa năm 2025. Mặt khác, Loup Ventures đang đặt nghi vấn về giá bán sau cùng của “Model 2” ở thời điểm mẫu xe này thực sự được trình làng. Dựa vào điều này, họ cũng tỏ ra ngờ vực về mức giá khởi điểm 39.900 USD cho Cybertruck như Tesla từng chia sẻ từ nhiều năm trước.

Trên hết, Loup Ventures nhận định “Model 2” khi ra mắt sẽ mang sứ mệnh giúp Tesla vượt qua hoặc ít nhất cạnh tranh với các đối thủ khác trên thị trường, vốn đang sở hữu hàng loạt mẫu xe điện với giá bán phải chăng. Khi được chính thức trình làng, “Model 2” cũng sẽ là mẫu xe đáp ứng điều kiện nhận khoản hỗ trợ thuế mà chính quyền Tổng thống Joe Biden đang áp dụng.

Khoảng thời gian sắp tới có lẽ sẽ rất bận rộn với Tesla. Bên cạnh việc đẩy mạnh dây chuyền sản xuất xe đầu kéo Tesla Semi và bán tải Cybertruck, hãng ôtô điện của Elon Musk còn phải đầu tư cho hệ thống tự lái Full Self-Driving bản Beta, tập trung sản xuất bộ pin 4680 cũng như phát triển nhà máy ở Bắc Mỹ và bắt đầu tiến trình nâng cấp Model 3.

 

Nguồn Zing: https://zingnews.vn/tesla-co-the-trinh-lang-xe-dien-gia-re-vao-nam-2024-post1390754.html

 

3. Giá dầu châu Á trượt khỏi mức cao nhất trong một tháng

Sáng 3/1, giá dầu tại thị trường châu Á trượt khỏi mức cao nhất trong một tháng, trước đà tăng của đồng USD và cảnh báo về một năm 2023 khó khăn hơn.

Vào lúc 8 giờ 48 phút, giá dầu Brent kỳ hạn giảm 98 xu (1,1%) xuống 84,93 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 77 xu (1%) xuống 79,49 USD/thùng, giữa bối cảnh sự mạnh lên của đồng bạc xanh khiến các hàng hóa định giá bằng đồng USD trở nên đắt đỏ hơn đối với nhà đầu tư nắm giữ đồng tiền khác. Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva ngày 1/1 nhận định, kinh tế thế giới trong năm 2023 sẽ đối mặt với nhiều khó khăn khi các động lực chính của tăng trưởng toàn cầu đều trải qua giai đoạn suy yếu. Tuy nhiên, giá dầu vẫn tăng hơn 2% trong phiên 30/12 với giá dầu Brent và WTI đóng cửa năm 2022 tăng lần lượt 10,5% và 6,7%.

 

 

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cấm cung cấp dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ từ ngày 1/2 cho các quốc gia tuân thủ giới hạn chính sách giá trần trong 5 tháng. Dầu thô của Nga đã được chuyển hướng từ châu Âu sang Ấn Độ và Trung Quốc trong khi “xứ bạch dương” cũng có kế hoạch tăng xuất khẩu dầu diesel từ cảng Primorsk lên 1,81 triệu tấn trong tháng Một. Tuy nhiên, xuất khẩu các sản phẩm dầu tháng Một từ cảng Tuapse dự kiến sẽ giảm xuống 1,333 triệu tấn.

Một cuộc khảo sát của hãng tin Reuters (Anh) cho thấy giá dầu Brent dự kiến sẽ ở mức trung bình 89,37 USD/thùng trong năm 2023 trong khi mức trung bình đối với dầu WTI là 84,84 USD/thùng do tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại.

Tại Trung Quốc, nhà nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới và là nước tiêu thụ dầu lớn thứ hai thế giới, hoạt động tại một số thành phố lớn đang trở lại bình thường, giúp củng cố triển vọng thúc đẩy nền kinh tế và nhu cầu dầu mỏ./.

 

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/gia-dau-chau-a-truot-khoi-muc-cao-nhat-trong-mot-thang/275903.html

 

4. Kinh tế Mỹ tiếp tục ‘rung chuyển’ trong năm 2023?

Các nhà kinh tế cảnh báo rằng, sau năm 2022 tồi tệ với giá cả leo thang và bất ổn kinh tế, nền kinh tế Mỹ sẽ tiếp tục ‘rung chuyển’ và người tiêu dùng vẫn phải đối mặt với một năm 2023 đầy biến động. Năm 2022 kết thúc với một bức tranh hỗn hợp của nền kinh tế lớn nhất thế giới. Tốc độ tăng giá và lạm phát tại Mỹ đã chậm lại trong tháng 11/2022, dù vẫn cao hơn bình thường. Tuy nhiên, theo một cuộc khảo sát của Bloomberg, các nhà kinh tế dự đoán, 70% khả năng kinh tế Mỹ sẽ suy thoái vào năm 2023, cao hơn gấp đôi so với khả năng họ đưa ra sáu tháng trước.

 

 

Dưới đây là bốn điều cần theo dõi trong nền kinh tế Mỹ năm 2023.

Covid-19 tại Trung Quốc

Mặc dù vấn đề đại dịch Covid-19 ở Trung Quốc có vẻ như là một mối quan tâm xa vời đối với hầu hết người Mỹ, nhưng những tác động lan tỏa đối với nền kinh tế dự kiến sẽ có ý nghĩa lớn bởi Trung Quốc là đối tác thương mại quan trọng của Mỹ và là nước tiêu thụ dầu lớn trên toàn cầu.

Sau nhiều tháng phong tỏa nghiêm ngặt, Trung Quốc đã bắt đầu dỡ bỏ các biện pháp hạn chế vì Covid-19. Giờ đây, biến thể Omicron đang nhanh chóng lây lan tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Nhà kinh tế trưởng Megan Greene tại Viện nghiên cứu kinh tế Kroll cho hay: “Khi Trung Quốc vượt qua giai đoạn tồi tệ nhất của đại dịch, nhu cầu tiêu thụ dầu của quốc gia này tăng trở lại và giá toàn cầu sẽ cao hơn. Điều này ảnh hưởng đến giá xăng dầu của Mỹ”.

Động thái tiếp theo của Fed

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã cố gắng kiềm chế lạm phát tại quốc gia này bằng cách tăng lãi suất kể từ tháng 3/2022. Fed hy vọng rằng, việc tạo ra chi phí vay cao hơn sẽ khiến chi tiêu chậm lại, từ đó, giá cả tăng chậm và lạm phát giảm.

Tuy nhiên, theo các nhà kinh tế, hành động này đã gây thiệt hại cho một số bộ phận của nền kinh tế như thị trường nhà ở và tác động đối với các lĩnh vực khác sẽ được cảm nhận sâu sắc hơn vào năm 2023.

Thị trường nhà ở

Trong khi phần lớn nền kinh tế tiếp tục phát triển, bất chấp việc Fed tăng lãi suất, doanh số bán nhà đã giảm trong 10 tháng liên tiếp và giảm 35% trong tháng 11/2022 so với một năm trước đó.

Nhà kinh tế trưởng Lawrence Yun của Hiệp hội Môi giới Quốc gia Mỹ nhận định: “Hiện đã có những dấu hiệu cho thấy, thị trường nhà ở đầy sóng gió sẽ bắt đầu ổn định vào năm 2023, ngay cả khi nền kinh tế vẫn đang trên đà rung chuyển”.

Bất chấp việc Fed tăng lãi suất trong năm qua, nhà kinh tế Yun kỳ vọng, lãi suất thế chấp sẽ giảm nhẹ và giá nhà sẽ giữ ổn định. Giá nhà trung bình sẽ tăng thêm 0,3% trong năm nay, do nhu cầu về nhà ở tiếp tục vượt xa nguồn cung. Giá thuê nhà sẽ tiếp tục tăng, mặc dù với tốc độ chậm hơn so với năm 2022.

Ông Yun nhấn mạnh: “Thị trường nhà ở năm 2023 phần lớn sẽ phụ thuộc vào diễn biến của nền kinh tế và thời gian Fed giữ lãi suất bằng hoặc cao hơn mức hiện tại”.

Vấn đề chuỗi cung ứng

Tình trạng thiếu hụt sản phẩm và nguyên vật liệu đã kéo dài hơn hai năm sau đại dịch Covid-19. Điều này khiến giá cả nhiều mặt hàng tăng vọt và giữ ở mức cao một cách bền bỉ. Các ca nhiễm Covid-19 đã tiếp tục khiến các nhà máy trên khắp thế giới phải đóng cửa, chuỗi cung ứng hỗn loạn. Bên cạnh đó, chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine đã hạn chế việc cung cấp các nguyên liệu quan trọng được sử dụng trong sản xuất, khiến giá lương thực, năng lượng tăng vọt và lạm phát ở nhiều nền kinh tế đạt mức cao nhất trong 4 thập niên. Chiến dịch này cũng tạo ra sự không chắc chắn về nguồn cung năng lượng, đặc biệt là đối với các nhà sản xuất châu Âu.

Nền kinh tế cũng phải đối mặt với các vấn đề đặc biệt nghiêm trọng trong ngành công nghiệp ô tô – vốn đã trải qua tình trạng thiếu vi mạch liên tục – cùng với một loạt tình trạng thiếu phụ tùng và vật liệu tại chỗ khác.

Năm 2022, ông Biden đã ký Đạo luật CHIPS và khoa học bao gồm khoản trợ cấp hơn 50 tỷ USD cho hoạt động sản xuất chất bán dẫn – vốn được sử dụng trong mọi sản phẩm điện tử, từ ô tô và vũ khí công nghệ cao đến các thiết bị công nghệ, trò chơi điện tử. Đạo luật này nhằm ngăn chặn việc xuất khẩu chip và thiết bị sản xuất tiên tiến sang Trung Quốc – một động thái nhằm kìm hãm sự phát triển của ngành công nghiệp bán dẫn của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và thúc đẩy khả năng tự cung tự cấp trong lĩnh vực sản xuất chip. Tuy nhiên, sẽ mất vài năm để nguồn cung chip trong nước đi vào hoạt động.

Trong khi đó, với nhu cầu vượt xa nguồn cung, giá ô tô đã tăng gần 24% trong hai năm qua. Các nhà phân tích trong ngành dự kiến, lượng hàng tồn kho hạn chế sẽ tiếp tục đến năm 2023, khiến giá tương đối cao.

Câu hỏi lớn đặt ra cho năm 2023 sẽ là những gián đoạn chuỗi cung ứng nêu trên sẽ được giải quyết ở mức độ nào và điều đó sẽ có tác động ra sao đối với việc giúp giảm bớt lạm phát chung?

 

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/kinh-te-my-tiep-tuc-rung-chuyen-trong-nam-2023-212061.html

 

Chia sẻ:

Share on facebook
Share on twitter
Share on linkedin

Bài viết mới