[VIETNAMSALES] ĐIỂM TIN NGÀY 24/08/2023 – Việt Nam là điểm đến của nhà đầu tư Tây Âu, Bắc Mỹ để sản xuất chip, năng lượng tái tạo

Ngoài các nhà đầu tư truyền thống từ khu vực Đông Bắc Á và Singapore, Việt Nam đang đón dòng vốn đầu tư mới từ Tây Âu và Bắc Mỹ.

Việt Nam đã thu hút nhiều nhà đầu tư lớn vào các lĩnh vực công nghệ cao. Trong ảnh: Người lao động làm việc bên trong Khu công nghệ cao TP.HCM - Ảnh: NGỌC HIỂN

Tại Diễn đàn Bất động sản công nghiệp Việt Nam (VIPF) do báo Đầu Tư tổ chức ngày 24-8, ông Đỗ Văn Sử – phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) – cho rằng đang có sự dịch chuyển vốn của nhà đầu tư Tây Âu, Bắc Mỹ đến Việt Nam.

Nhà đầu tư muốn sản xuất chip, năng lượng tái tạo ở Việt Nam

Theo ông Sử, trong top 5 địa điểm đầu tư lớn nhất vào Việt Nam đa phần là các nhà đầu tư ở khu vực Đông Bắc Á và Singapore. Tuy nhiên, thời gian gần đây dòng vốn đầu tư có dịch chuyển tương đối của các nhà đầu tư từ khu vực Tây Âu như Đức, Hà Lan, Pháp, Tây Ban Nha vào các ngành năng lượng tái tạo.

Bên cạnh đó cũng có sự xuất hiện ngày càng nhiều của các nhà đầu tư khu vực Bắc Mỹ, đặc biệt là các nhà đầu tư Hoa Kỳ vào Việt Nam.

Theo ông Sử, Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Hoa Kỳ mới đây cũng đã cùng nhiều doanh nghiệp đến Việt Nam tìm hiểu môi trường đầu tư để dịch chuyển sản xuất chip.

Ông Sử cho hay khi Chính phủ Việt Nam cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, rất nhiều tập đoàn năng lượng quốc tế đến Việt Nam tìm cơ hội đầu tư vào ngành năng lượng tái tạo.

Bên cạnh đó, hàng loạt doanh nghiệp chế biến, chế tạo cũng muốn đầu tư vào Việt Nam để sản xuất các thiết bị phục vụ cho ngành năng lượng tái tạo.

Việt Nam phải đảm bảo năng lượng mới hút nhà đầu tư

Trong khi đó, ông Bruno Jaspaert – tổng giám đốc Tổ hợp Khu công nghiệp DEEP C – cho rằng việc Việt Nam tham gia hàng loạt hiệp định thương mại quốc tế mang lại các lợi ích và gia tăng quy mô thị trường cho các nhà đầu tư.

Theo ông Bruno Jaspaert, hiện giá thuê đất ở Việt Nam vẫn ở mức thấp hơn so với các nước trong ASEAN. Bên cạnh đó, xu hướng Trung Quốc +1 trở thành kênh quan trọng đối với Việt Nam, góp phần thu hút khoảng 10% doanh nghiệp sản xuất chuyển ra nước ngoài.

Tuy nhiên ông Bruno Jaspaert cũng lưu ý hai vấn đề lớn mà Việt Nam phải có lời giải, đó là lao động và năng lượng.

Việt Nam bắt đầu bước vào giai đoạn già hóa dân số nên sẽ có ít lao động hơn trong tương lai cũng như nhiều người sẽ không đồng ý làm việc với mức lương thấp. Bên cạnh đó dự đoán trong vòng 5 năm tới có thể sẽ thiếu điện sản xuất khi có quá nhiều nhà đầu tư, nên Việt Nam cần xây dựng cơ sở hạ tầng năng lượng ngay từ hôm nay.

Còn ông Paul Wee – giám đốc tài chính Công ty BW Industrial – cho rằng nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn đã dịch chuyển khỏi Trung Quốc trong những năm gần đây và Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan… là điểm thu hút nhiều nhà đầu tư nhất.

Do đó để thu hút đầu tư, ông Paul Wee nhận định Việt Nam cần cải thiện về hạ tầng, đảm bảo năng lượng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

“Với những nhà đầu tư lớn, họ không chỉ kỳ vọng vào hạ tầng, mà cần sự đảm bảo về việc cung cấp năng lượng. Họ sẽ không chấp nhận việc được thông báo cắt điện trước 3 ngày và nhà máy của họ bị cắt điện 24 giờ. Do đó, cần cung cấp dịch vụ điện ổn định cho các nhà đầu tư”, ông Paul Wee nhấn mạnh.

Nghiên cứu xây dựng Luật Khu công nghiệp, khu kinh tế

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết bộ này đã phối hợp với các địa phương, các tổ chức liên quan tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế, trong đó có việc nghiên cứu đề xuất xây dựng Luật Khu công nghiệp, khu kinh tế để trình cấp có thẩm quyền xem xét trong thời gian tới.

Theo ông Phương, chiến lược hợp tác đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021 – 2030 đã đặt ra một số mục tiêu cụ thể như tăng 50% số lượng tập đoàn đa quốc gia thuộc nhóm 500 tập đoàn lớn nhất thế giới, nâng cao tỉ lệ vốn đầu tư đăng ký của các quốc gia và vùng lãnh thổ trong một số khu vực (như Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha, Anh, Hoa Kỳ…) trong tổng vốn đầu tư nước ngoài cả nước lên hơn 70% trong giai đoạn 2021 – 2025 và 75% trong giai đoạn 2026 – 2030.

Đặc biệt đến năm 2030, Việt Nam nằm trong nhóm 3 quốc gia dẫn đầu ASEAN và nhóm 60 quốc gia đứng đầu thế giới theo xếp hạng môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới.

Theo Ngọc Hiển

Link nguồn: Việt Nam: điểm đến của nhà đầu tư Tây Âu, Bắc Mỹ để sản xuất chip, năng lượng tái tạo – Tuổi Trẻ Online (tuoitre.vn)

Chia sẻ:

Share on facebook
Share on twitter
Share on linkedin

Bài viết mới