[VIETNAMSALES] ĐIỂM TIN NGÀY 26/07/2023 – Kết nối nhà đầu tư Nhật Bản với các địa phương, doanh nghiệp Việt Nam

Thông qua hội nghị, các địa phương và doanh nghiệp Việt Nam có thể kết nối trực tiếp với các nhà đầu tư Nhật Bản, cùng chia sẻ nhu cầu và các giải pháp thúc đẩy hợp tác đầu tư.

Ket noi nha dau tu Nhat Ban voi cac dia phuong, doanh nghiep Viet Nam hinh anh 1
Các đại biểu, doanh nghiệp và đại diện các địa phương tham dự. (Ảnh: Đức Thịnh/TTXVN)

Ngày 25/7, tại thủ đô Tokyo, Nhật Bản, đã diễn ra Hội nghị Giao thương Hợp tác Đầu tư, Thương mại Việt Nam-Nhật Bản với mục đích kết nối trực tiếp giữa các nhà đầu tư của Nhật Bản với đại diện các địa phương, khu công nghiệp và doanh nghiệp của Việt Nam.

Hội nghị do Cục Xúc tiến Thương mại, Bộ Công Thương phối hợp với Trung tâm ASEAN-Nhật Bản (AJC), Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản, Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO), đại diện lãnh đạo các địa phương Hậu Giang, Bắc Kạn, Lai Châu, Đà Nẵng tổ chức, cùng sự tham gia của nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp hai nước Việt Nam và Nhật Bản.

Phát biểu tại hội nghị, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại, Bộ Công Thương, nhấn mạnh thông qua hội nghị lần này, các địa phương, các khu công nghiệp và doanh nghiệp Việt Nam có thể kết nối trực tiếp với các nhà đầu tư Nhật Bản, cùng chia sẻ nhu cầu, tình hình đầu tư của Nhật Bản tại Việt Nam và các giải pháp thúc đẩy hợp tác đầu tư Việt Nam-Nhật Bản.

Đặc biệt, đại diện các địa phương như Hậu Giang, Bắc Kạn, Lai Châu, Đà Nẵng có cơ hội được giới thiệu chi tiết về môi trường đầu tư kinh doanh tại địa phương, các chính sách tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất, khôi phục các hoạt động kinh doanh sau đại dịch COVID-19.

Về phần mình, ông Kunihiko Hirabayashi, Tổng Thư ký AJC, cho biết AJC hồi năm ngoái đã đệ trình một kế hoạch chiến lược trung hạn đến năm 2025 nhằm ứng phó với những thay đổi lớn của tình hình quốc tế và khu vực, trong đó có việc thúc đẩy các hình thức đầu tư đa dạng như đầu tư trực tiếp nước ngoài từ Nhật Bản vào các nước ASEAN, nhất là Việt Nam, mang tính bền vững và tác động tích cực đến đời sống kinh tế-xã hội.

AJC đặc biệt coi trọng các khoản đầu tư thúc đẩy tăng trưởng xanh và kinh tế tuần hoàn, đồng thời mở rộng toàn diện hơn các hoạt động hợp tác giữa Nhật Bản và ASEAN về thương mại cũng như đầu tư.

Giới thiệu tại hội nghị, ông Đinh Quang Tuyên, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Kạn, chia sẻ tiềm năng hợp tác đầu tư của tỉnh trên 5 lĩnh vực thế mạnh gồm lâm nghiệp, nông nghiệp, du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, công nghiệp và năng lượng.

Tỉnh Bắc Kạn cũng cam kết sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có Nhật Bản bằng những cơ chế, chính sách thu hút đầu tư tốt nhất, tạo dựng một môi trường đầu tư, kinh doanh thực sự thông thoáng, minh bạch, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.

Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1973, Nhật Bản luôn là một trong những đối tác chiến lược quan trọng hàng đầu của Việt Nam.

Về hợp tác đầu tư, Nhật Bản luôn nằm trong nhóm dẫn đầu về đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Việt Nam và cũng là nhà tài trợ vốn Hỗ trợ Phát triển Chính thức (ODA) lớn nhất với khoảng 30 tỷ USD.

Lũy kế đến ngày 20/6/2023, Nhật Bản còn 5.116 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư hơn 69,9 tỷ USD.

Các doanh nghiệp lớn của Nhật Bản như Honda, Mitsubishi, Sumitomo liên tục đầu tư các dự án lớn, kéo theo rất nhiều nhà đầu tư vệ tinh vào Việt Nam.

Ket noi nha dau tu Nhat Ban voi cac dia phuong, doanh nghiep Viet Nam hinh anh 2
Gian hàng trưng bày sản phẩm của tỉnh Bắc Kạn. (Ảnh: Đức Thịnh/TTXVN)

Về thương mại, trong 6 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam ước đạt 164,45 tỷ USD, phục hồi 87,9% so với cùng kỳ năm 2022.

Nhật Bản là thị trường xuất khẩu hàng hoá lớn thứ năm của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2023, đạt 11 tỷ USD, phục hồi 96,7% so với cùng kỳ năm trước.

Ngoài ra, với việc Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) chính thức có hiệu lực vào đầu năm nay, mối quan hệ thương mại song phương Việt Nam-Nhật Bản tiếp tục có thêm động lực phát triển, là cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam tăng cường khả năng xuất khẩu hơn nữa vào thị trường Nhật thông qua những ưu đãi, lợi thế có được từ hiệp định này.

Bên cạnh đó, RCEP cũng giúp doanh nghiệp Việt Nam cắt giảm chi phí xuất khẩu, giảm chi phí sản xuất, tạo cơ hội kết nối doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam với các doanh nghiệp Nhật Bản, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng của Nhật Bản.

Nằm trong chuỗi các sự kiện kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Nhật Bản từ đầu năm đến nay, hội nghị lần này đã góp phần mở rộng thêm các cơ hội hợp tác và triển khai các dự án đầu tư, góp phần thiết thực vào việc củng cố mối quan hệ song phương Việt Nam-Nhật Bản ngày một phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới./.

Theo Phạm Tuân-Đức Thịnh (TTXVN/Vietnam+)

Chia sẻ:

Share on facebook
Share on twitter
Share on linkedin

Bài viết mới