[WOWTIMES: Niên lịch & Thành tựu Việt Nam 2022] NNƯT. Phạm Văn Tuyên – 30 năm phục dựng và đưa nghệ thuật Gốm Phù điêu đắp nổi Hải Phòng lên một tầm cao mới.

(kyluc.vn) – Sinh ra và lớn lên ở vùng đất Kiến Thụy, Hải Phòng, Nghệ nhân Ưu tú Phạm Văn Tuyên (NNƯT. Phạm Văn Tuyên) đã từng bước gầy dựng lại nghề Gốm truyền thống qua việc phục dựng các giá trị tinh hoa của Gốm sứ phù điêu Hải Phòng để thể hiện vẻ đẹp của đất nước và con người Việt Nam.

 

 

Bằng tình yêu và niềm đam mê cháy bỏng của mình, Nghệ nhân Phạm Văn Tuyên đã dành gần 30 năm để nghiên cứu, phục chế hoa văn, họa tiết phù điêu cổ trong các Chùa chiền, các di tích, công trình kiến trúc nghệ thuật cổ và thuộc lòng những kiến trúc văn hóa của các triều đại Lý, Trần, hậu Lê – Mạc để từ đó sáng tạo ra một dòng Gốm riêng biệt, chế tác chuyên sâu 4 lĩnh vực: Nhân vật, linh vật, hoa văn cổ và các loài hoa…tất cả đều thuần Việt, vô cùng độc đáo và mang đậm giá trị bản sắc dân tộc.

Nét đặc sắc của những sản phẩm này nằm ở cách chế tác, khắc khuôn âm bản, nặn đắp tinh xảo, công phu, được làm bằng tay theo công thức truyền thống, trở thành một phương pháp độc lập, một thương hiệu riêng của nghề Gốm cổ truyền được định danh tại Hải Phòng.

Từ cơ duyên với Phật Pháp cho đến tình yêu với dòng gốm Phù điêu đắp nổi độc đáo nơi đất Hải Phòng.

 

 

Mặc dù không được sinh ra trong một làng nghề truyền thống, cũng không thừa hưởng những yếu tố di truyền từ gia đình, nhưng với long đam mê, Nghệ nhân Phạm Văn Tuyên đã tự mày mò tìm hiểu, khám phá và ông xem Gốm như một sứ mệnh đối với cuộc đời mình.

Bằng tình yêu đối với Gốm, ông đã gửi gắm tất cả tâm tư, ý niệm trên từng tác phẩm Gốm. Khi chế tác Gốm, Nghệ nhân Phạm Văn Tuyên luôn chú trọng hàm lượng văn hóa trong tinh thần thuần Việt. Theo thời gian, với hệ thống Gốm Phù điêu mà ông dày công sáng tạo và phát triển đã tạo ra những sản phẩm Gốm từ những họa tiết mong manh đến khối lớn đã đi qua thử thách của lửa…để rồi tồn tại ngàn năm, góp phần làm phong phú thêm cho dòng gốm Việt, làm nên diện mạo, một nét riêng cho đời sống văn hóa nghệ thuật của Hải Phòng nói riêng và của Việt Nam nói chung.

Năm 1996, NNƯT. Phạm Văn Tuyên học đạo ở trong Chùa, tham gia công việc trùng tu, tôn tạo các cơ sở Chùa chiền, Đình, Đền, Miếu và nhiều di tích khác trên cả nước. Ông đã thiết kế, phục chế cấu kiện kiến trúc gỗ; đắp vẽ các loại hoa văn, họa tiết cổ bằng xi măng, vôi giấy, thạch cao; điêu khắc các linh vật, các bia kí, bảo tháp bằng đá xanh; tạo mẫu đúc đồng các đồ tế tự, đúc pháo thần công thờ trong Khu tưởng niệm các Vua nhà Mạc.

Trong thời gian làm việc tại các khu di tích lịch sử, ông phát hiện đồ gốm sứ thường bị mai một dần theo thời gian. Mà đó lại toàn là những sản phẩm gốm sứ chứa đựng các giá trị tinh hoa truyền thống. Từ đó, trong long ông luôn có 1 ý niệm thôi thúc ông tìm tòi, sưu tầm các mảnh vỡ trầm tích để nghiên cứu, tư duy chất đất, chất men và nhiệt độ nung.

Ban đầu NNƯT. Phạm Văn Tuyên đã sử dụng đất Cao Lanh, Trúc Thôn trộn với đất sét vuốt ra những chiếc bát, đĩa nhỏ, nặn đắp các hình tượng và nung thành Gốm bằng củi trong lò bầu. Ông đã đi tham quan kỹ đồ gốm sứ trong các bảo tàng và chính điều này đã giúp ông phát hiện men gốm Việt luôn có màu đục, sẫm, các làng nghề gốm cổ đều gần sông, vật liệu làm gốm được khai thác ở môi trường ven sông…điều kiện này đã giúp tôi tạo ra bài men được chế biến từ vỏ ốc, rễ bèo, trấu rơm nếp cùng đốt thành tro, bột đá thạch anh…hòa cùng nước để lắng đọng và gạn bỏ tạp chất hữu cơ, các thành phần được tinh lọc bằng vải sau cùng pha dung dịch phèn chua và muối, thể lỏng này không còn tạp chất cho nên cứng rắn hơn thành phần đất, vì vậy cần nung nhiệt độ 11500C mới tan chảy bóng mịn, đất chỉ cần nung tới 10000C là cứng như sành, nguyên liệu và cách chế biến này được gọi là lớp men “gio trấu” có màu sẫm, đục như nước gạo, gần giống màu men gốm sứ truyền thống.

 

 

Sau nhiều lần thử nghiệm, nặn đắp, nhúng men, nung đốt các sản phẩm kích cỡ nhỏ và vừa để giao lưu, chiêm nghiệm những sản phẩm gốm của ông dần được nâng cấp và thay đổi liên tục sao cho vừa bền, vừa đẹp lại gắn liền với các giá trị văn hóa của dân tộc.

 

Năm 2004, NNƯT. Phạm Văn Tuyên lại tiếp tục hành trình tìm vết những lò gốm cổ ở các Làng thuộc nông thôn Việt Nam, đồng thời đọc nhiều loại sách về gốm, tìm hiểu cơ chế đối lưu nhiệt độ của lò đốt ga, môi trường lửa sạch của lò nung bằng điện và lửa ngọn, bức nhiệt được đốt từ củi có chất dầu trong lò bầu xây gạch. Ông đã thực sự chủ động quy trình rấm, sấy, nung đốt, điều nhiệt bằng 03 kiểu lò nêu trên có sự kiểm soát bằng đồng hồ can nhiệt điện tử, từ đây xương đất, men gì sẽ nung nhiệt độ bao nhiêu, mỗi kích thước và tính chất sản phẩm có một cách chế tác khác nhau, từ đất ướt đến khi đất khô sẽ co kéo sản phẩm nhỏ lại trung bình 15%, nếu không đối trọng theo trục đứng thì sản phẩm sẽ nứt xé trong lúc nung nhiệt trên 1000 độ C, trạng thái này sản phẩm đang mềm (như sắt bị nung đỏ), vì vậy có sự chấn động bên ngoài sẽ làm sản phẩm bị méo, nứt xé… nhận ra tính chất vật lý và hóa học diễn biến trong lò nung, ông đã ghi chép thành các công thức từng công đoạn sản xuất đến lúc hạ nhiệt mở cửa lò.

Năm 2015, sau khi đã nhuần nhuyễn ứng dụng quy trình sản xuất gốm, từ viên đất ướt đến lúc ra lò thành phẩm là gốm sứ, NNƯT. Phạm Văn Tuyên chính thức sáng tạo, chế tác Bộ tác phẩm Bách Bình (100 chiếc bình) với kiểu dáng, họa tiết đều khác nhau, kích thước cao từ 45cm đến 90cm được đắp nổi toàn diện, miêu tả về các loại hoa văn cổ của Việt Nam, mẫu hoa văn được lấy từ các di tích lịch sử, Bách Bình được đồ màu tam thái, phủ men gio trấu, nung củi lò bầu, kết quả:

– Biên tập thành sách ảnh với tiêu đề Bách Bình “Khởi sắc tiềm năng nghề gốm cổ truyền Dân tộc” (Nhà xuất bản Thế Giới).

– Bộ Bách Bình được tổ chức kỷ lục Việt Nam xác lập “Bộ Bách Bình bằng gốm được chế tác đắp nổi hoa văn, họa tiết truyền thống Việt Nam nhiều loại nhất”.

– Bộ Bách Bình được sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng tổ chức triển lãm tại trung tâm thành phố giới thiệu nhân dân tham quan.

 

Bộ Bách bình của Nghệ nhân Phạm Văn Tuyên – Đại đức Thích Chánh Tịnh tại sự kiện triển lãm.

 

Năm 2019, ông phát triển dòng gốm đắp nổi, chêm bông tinh xảo trên bề mặt đồ gốm và điêu khắc các chi tiết vươn ra khoảng không mà khi nung trong lò không rơi rụng, biến dạng. Đối tượng tác phẩm gồm: tượng Nghê Việt cỡ lớn, chân đèn thời Mạc cỡ lớn, các bộ tượng danh nhân Anh hùng dân tộc, các bộ tương Phật, Bồ tát cỡ lớn, Bộ tượng ông Phúc Lộc Thọ cỡ lớn, các tượng danh nhân văn hóa và sáng tác các loại hình điêu khắc khác, đắp nổi chim, muông thú, phong cảnh và hệ thống bình gốm đắp hoa văn cổ, tất cả đều thuần Việt.

 

 

Năm 2020, ông đưa các tác phẩm Gốm phù điêu của mình tham gia triển lãm 50 tác phẩm tại Trung tâm triển lãm Văn hóa nghệ thuật Việt Nam.

Năm 2021, ông lại tham gia triển lãm 60 tác phẩm tại tỉnh Ninh Bình do Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch tổ chức.

Năm 2022, tại triển lãm gốm nghệ thuật và lễ ra mắt sách ảnh “Tiếng đất gọi bàn tay” được tổ chức tại Trung tâm Triển lãm và điện ảnh Hải Phòng ông lại tiếp tục trưng bày rất nhiều tác phẩm gốm phù điêu có giá trị.

 

Những dấu ấn quan trọng của Nghệ nhân Ưu tú Phạm Văn Tuyên trong quá trình sáng tạo các tác phẩm Gốm Phù điêu:

Trong những năm qua, nhiều tác phẩm Gốm của NNƯT. Phạm Văn Tuyên vinh dự được tham gia trưng bày các tác phẩm gốm của mình tại các cuộc triển lãm cấp thành phố và cấp Bộ, ngành Trung ương như:

– Triển lãm “Gốm Phù điêu Hải Phòng” được tổ chức tại Trung tâm Triển lãm và Mỹ thuật thành phố Hải Phòng; 

– Triển lãm “Hội chợ hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu và tôn vinh sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia” tại không gian di sản Thành cổ Thăng Long – Hà Nội;

– Triển lãm “Di sản văn hóa, danh thắng Việt Nam và sản phẩm thủ công truyền thống” được tổ chức tại Trung tâm Triển lãm Văn hóa nghệ thuật Việt Nam tại Ninh Bình;

– Triển lãm gốm nghệ thuật và Lễ ra mắt sách ảnh “Tiếng đất gọi bàn tay” dịp đầu năm 2022 được tổ chức tại Trung tâm thông tin, Triển lãm và Điện ảnh Hải Phòng.

 

 

Bên cạnh đó, ông cũng đã hiến tặng nhiều tác phẩm Gốm của mình và hiện được trưng bày tại:

– Khu tưởng niệm Vương triều Mạc huyện Kiến Thụy và Văn phòng Thủ tướng Chính phủ: Đôi đèn gốm kiểu triều Mạc;

– Nhà sàn Bác Hồ: Mai bình phù điêu Bác Hồ ở Chiến khu Việt Bắc và Lư hương;

– Bảo tàng Lịch sử quốc gia: Đôi bình đắp nổi Chim và Hoa;

– Bảo tàng Hải Phòng: Đôi đèn gốm kiểu triều Mạc;

– Ban Quản lý di tích Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm: Tượng Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm;

– Trung tâm Triển lãm văn hóa nghệ thuật Việt Nam: Tượng Lý Thái Tổ chất liệu gốm thếp vàng và Đôi bình điêu khắc Rồng cuộn;

– Thư viện quốc gia: Bình tỳ bà viết thư pháp chữ Hán;

– Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam: Bình đắp nổi Hoa sen;

– Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam: Đôi bình đắp nổi chim công hoa hồng;

– Hoàng Thành Thăng Long: Bình phù điêu 6 thắng cảnh Hà Nội và Bình Chiếu dời đô;

– Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam: Đôi bình dáng trùy;

– Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương: Đôi bình đắp nổi hoa;

– Thư viện Quốc hội: Đôi bình đắp nổi Rồng.

 

NNƯT. Phạm Văn Tuyên và những thành tựu đạt đã đạt được:

 

 

Với tài năng và tình yêu của mình đối với nghệ thuật Gốm Phù Điêu, Nghệ nhân Ưu tú Phạm Văn Tuyên đã gặt hái được rất nhiều thành công trong suốt quá trình lao động và sáng tạo.

– Năm 2018, ông xác lập Kỷ lục Việt Nam với “Bộ Bách bình bằng gốm được chế tác và đắp nổi hoa văn, họa tiết truyền thống Việt Nam nhiều loại nhất”.

 

 Ông Trần Chiến Thắng - Phó Chủ tịch TW Hội Kỷ lục gia Việt Nam (thứ 2 từ phải qua) trao bằng xác lập Kỷ lục đến Nghệ nhân Phạm Văn Tuyên (Đại đức Thích Chánh Tịnh)

 

Ông Trần Chiến Thắng – Phó Chủ tịch TW Hội Kỷ lục gia Việt Nam (thứ 2 từ phải qua) trao bằng xác lập Kỷ lục đến Nghệ nhân Phạm Văn Tuyên.

– Năm 2019, ông nhận Bằng khen thành tích xuất sắc trong công tác tổ chức, tham gia Triển lãm – Hội chợ hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu và tôn vinh sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia năm 2019 do Bộ Công Thương cấp.

– Năm 2019, Bằng khen thành tích tham gia đóng góp vào thành công của Triển lãm “Du lịch qua miền Di sản Văn hóa Việt Nam năm 2020” do Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cấp.

– Năm 2020, ông được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú theo QĐ số 1886/QĐ-CTN ngày 29/10/2020 của Chủ tịch nước.

– Năm 2020, ông xác lập Kỷ lục người Việt toàn cầu VietWorld với nội dung: “Người phục dựng và sáng tạo các tác phẩm thuộc trường phái nghệ thuật Gốm Phù điêu đắp nổi với số lượng nhiều nhất”.

– Năm 2021, ông được nhận chứng nhận Bàn tay vàng do Hiệp hội Làng nghề thành phố Hải Phòng cấp.

– Năm 2021, ông Giấy chứng nhận Occop đạt hạng 4 sao (9 tác phẩm gồm: Bộ Cửu long tranh châu; Đôi đèn gốm kiểu thời Mạc; Tượng Bồ tát Quan âm; Bộ tứ quý; Bình phù điêu Hoa sen; Bộ tượng danh nhân Việt Nam; Giỏ hoa hồng; Đôi bình men huyết Long; Bồn sen) do Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng cấp.

– Năm 2021, ông nhận Bằng khen đã có nhiều thành tích tham gia đóng góp vào thành công của Triển lãm “Di sản văn hóa, danh thắng Việt Nam và Sản phẩm thủ công truyền thống” tại Ninh Bình năm 2021 do  Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cấp.

– Năm 2021, ông nhận Giấy chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu thành phố Hải Phòng năm 2021  cho tác phẩm Tượng Bồ Tát Quan Âm và Đôi chân đèn thời Mạc do Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng cấp.

– Năm 2022, ông nhận “Bằng khen thành tích xuất sắc trong phát triển làng nghề gốm cổ truyền của dân tộc” và “Gương mặt tiêu biểu thành phố Hải Phòng năm 2021” do Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng.

Nguồn: https://nienlich.vn/tin-tuc/nien-lich-dau-an-ca-nhan/wowtimes-nien-lich-thanh-tuu-viet-nam-2022-nnut-pham-van-tuyen-30-nam-phuc-dung-va-dua-nghe-thuat-gom-phu-dieu-dap-noi-hai-phong-len-mot-tam-cao-moi

Chia sẻ:

Share on facebook
Share on twitter
Share on linkedin

Bài viết mới