[WOWTIMES- Tinh Hoa Đất Việt] Nghệ nhân Nguyễn Đăng Vông- 40 năm đánh thức dòng gốm nghìn tuổi

[VIETKINGS – NIÊN LỊCH &THÀNH TỰU (WOWTIMES)] Nếu có một cuộc hẹn hò với định mệnh, nghệ nhân Nguyễn Đăng Vông có lẽ là người phù hợp để thực hiện lời hẹn đó một cách đầy đủ và trọn vẹn, dù hành trình ấy có không ít đắng cay, vất vả. Định mệnh ở đây chính là dòng gốm cổ Luy Lâu. Nghìn năm tỏa sáng, 300 năm thất truyền để rồi cuối cùng, nét văn hóa quý phái của người Việt cổ ấy đã tìm được kẻ chân truyền.

Nghệ nhân Nguyễn Đăng Vông sinh tại làng Mãn Xá Tây, xã Hà Mãn, huyện Thuận Thành (Bắc Ninh), địa danh gắn liền với dòng sông Dâu trong lịch sử, nơi khởi nguồn cho đạo Phật ở Việt Nam cùng ngôi chùa Dâu cổ kính. Là con cả trong gia đình có năm anh em, Nguyễn Đăng Vông từ nhỏ đã được tiếp xúc với các món đồ chơi bằng đất nung do ông nội làm đem ra chợ bán. Ngày ngày, cậu bé ra bờ sông lấy đất khô về nhào nặn, quết màu rồi chế ra những tượng đồ vật, thú nuôi ngộ nghĩnh. Trò chơi thuở ấu thơ đã nuôi dưỡng đam mê và theo chân chàng trai quê Kinh Bắc vào Đại học mỹ thuật Hà Bắc. Dù đã trở thành một họa sĩ, Nguyễn Đăng Vông chưa bao giờ nguôi nỗi khắc khoải với gốm.

Sau nhiều thăng trầm bể dâu, cùng sự biến mất của dòng sông Dâu cổ do bồi lắng, gốm Luy Lâu bị thất truyền từ thế kỷ 17. Phải 300 năm sau đó, đất Thuận Thành, Bắc Ninh (vùng Luy Lâu xưa) mới xuất hiện người có tâm phục dựng. Nghệ nhân Nguyễn Đăng Vông đã đem hết tâm huyết và tài học để phục dựng thành công chất men gốm Luy Lâu, vốn được lấy từ các loại tro, thân cây dâu ở vùng Dâu – Keo. Đất làm gốm cũng là đất bãi vùng Dâu, thêm chút sỏi đá của rừng, vỏ sò điệp của biển, được thổi hồn bởi những nét họa điệu nghệ, được tôi luyện bởi kỹ thuật phơi, nung khéo léo, chuẩn xác. “Chất men đó riêng biệt và duy nhất, chẳng giống men nào ở Việt Nam và trên thế giới.

Với niềm đam mê sâu sắc với gốm cổ, nghệ nhân Nguyễn Đăng Vông đã đi học hỏi các bậc tiền bối, trường lớp chuyên nghiệp và lặn lội khắp nơi tìm hiểu nguồn gốc cũng như những tinh túy từ nghề gốm của ông cha. Khi có vốn hiểu biết sâu sắc về lịch sử gốm cổ trong các triều đại phong kiến, nghệ nhân Nguyễn Đăng Vông đã linh hoạt vận dụng sáng tạo các ý tưởng của mình và cho ra đời nhiều sản phẩm giá trị. Trong đó, không thể không kể đến kiệt tác “Ngọc bình” cao 3,5m, nặng 2 tấn, hiện được trưng bày tại Bảo tàng Hà Nội và được trưng bày trong dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội năm 2010.

Nói về thăng trầm khi quyết tâm làm “hồi sinh” gốm cổ Luy Lâu, nghệ nhân chia sẻ: “Có được sự thành công hôm nay, tôi đã trải qua không ít khó khăn, thách thức, song chính sự đam mê gốm từ nhỏ, đã giúp tôi dành hết tâm sức không để dòng gốm cổ Luy Lâu bị chìm vào quên lãng”.

Không chỉ góp phần đem lại nhiều lợi ích về kinh tế và văn hóa dân tộc, các sản phẩm của ông còn được nhiều nhà sử học đánh giá là có sự tương đồng với một dòng gốm có màu xanh ngả bí của xã Thiệu Dương (tỉnh Thanh Hóa) xuất hiện vào khoảng thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên.

Và với tình yêu gốm cổ của dân tộc Việt luôn cháy bỏng trong tim, từng ngày ông vẫn miệt mài “truyền lửa” cho hàng chục nghệ nhân lớp sau những giá trị Chân – Thiện – Mĩ trong từng sản phẩm gốm cổ mà ông lĩnh hội được…

(WOWTIMES) Cuộc đời và sự nghiệp của Nghệ nhân Nguyễn Đăng Vông

Từ thập niên 1990, ông bán đất, bán xe, cầm cố cả đất hương hỏa cha ông để dấn thân vào nghề làm gốm. Dân làng từng cho rằng ông là “ấm đầu” vì suốt ngày nghịch đất mà mãi nghèo vẫn hoàn nghèo.

Nhưng bằng sự kiên định và niềm tin sắt đá, hóa sĩ Nguyễn Đăng Vông đã thử nghiệm liên tục, thức trắng nhiều đêm bên lò nung và đạt được mục tiêu. Từ công thức tạo phôi, ông cũng lần mò ra bãi đất bồi quê hương để phục dựng lại hệ men hữu cơ màu xanh ô-liu trang nhã năm xưa, vốn được làm từ tro thân cây dâu, sỏi đá của rừng, vỏ sò của biển.

Cứ thế, từng chút, từng chút một, các họa tiết, hoa văn gần gũi với văn hóa dân gian như con trâu, đầm sen, lễ hội… được những bàn tay, khối óc sáng tạo trong sự thăng hoa của “vũ điệu người, đất và lửa”.

Năm 2010, kiệt tác “Ngọc bình” cao 3,5m, nặng 2 tấn được ông hoàn thành, hiện được trưng bày tại Bảo tàng Hà Nội và được trưng bày trong dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội.

Sau 40 năm theo nghề, Nguyễn Đăng Vông cùng các cộng sự trong Hợp tác xã Gốm Luy Lâu, Công ty cổ phần Gốm Luy Lâu đã khẳng định được năng lực và kỹ nghệ qua hàng nghìn sản phẩm gốm thượng hạng mà nguyên liệu chính là đất quê hương. Cái danh “Vông gốm Dâu” cũng đã là thương hiệu của ông.

Nguồn: https://nienlich.vn/tin-tuc/nien-lich-dau-an-ca-nhan/wowtimes-tinh-hoa-dat-viet-nghe-nhan-nguyen-dang-vong-40-nam-danh-thuc-dong-gom-nghin-tuoi

Vietnamsales (tổng hợp và biên tập; nguồn hình internet)

Chia sẻ:

Share on facebook
Share on twitter
Share on linkedin

Bài viết mới