[WOWTIMES- Tinh Hoa Đất Việt] Nghệ nhân Phùng Đình Giáp: Người giữ hồn phỗng đất Kinh Bắc

[VIETKINGS – NIÊN LỊCH &THÀNH TỰU (WOWTIMES)] Gần 60 năm gắn bó với nghề, nghệ nhân Phùng Đình Giáp là nghệ nhân cuối cùng nặng lòng với nghề nặn phỗng đất dân gian, vẫn hàng ngày miệt mài giữ gìn truyền thống.

Xã Song Hồ (Thuận Thành, Bắc Ninh), từ lâu đã nổi tiếng là nơi phát tích của dòng tranh Đông Hồ, một trong ba dòng tranh dân gian tiêu biểu của Việt Nam. Tuy nhiên, ít ai biết rằng, đây cũng từng là nơi bắt nguồn của phỗng đất, một trò chơi dân gian không thể thiếu trong những mâm cỗ ‘trông trăng’ của nhiều thế hệ trẻ em Kinh Bắc. Nghệ nhân Phùng Đình Giáp (Song Hồ, Bắc Ninh) 70 tuổi là nghệ nhân cuối cùng còn làm phỗng đất tại Việt Nam. Ông sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm phỗng bằng đất. Ông chia sẻ rằng mỗi khi làm việc, ông như để cả tâm tình vào miếng đất. “Tôi làm phỗng chẳng bao giờ để ý đến việc bao lâu sẽ xong, cứ ngồi xuống vân vê miếng đất là quên hết tất cả. Có khi tôi ngồi từ sáng sớm, ngẩng đầu lên là trời đã tối rồi’’

 

 

Bắt đầu nặn phỗng đất từ những năm học tiểu học, tính đến nay, nghệ nhân Phùng Đình Giáp đã có hơn 60 năm gắn bó với nghề truyền thống của gia đình. Nặn phỗng đất không còn là nghề mà đã trở thành một phần tâm hồn, máu thịt trong ông.

 

 

Do hiệu quả kinh tế đem lại không cao, lại chỉ bán được trong dịp Trung thu. Tiền ít mà công sức bỏ ra nhiều, cả làng Song H��, Bắc Ninh đều bỏ phỗng đất để chuyển sang làm hàng mã. Tuy nhiên, ông Giáp vẫn quyết kiên trì đến cùng với phỗng đất dân gian. Ông truyền dạy cho con cháu của mình cách làm phỗng, ý nghĩa của từng hình tượng. Giờ đây cháu ông cũng có thể nặn thành thạo con phỗng.

 

 

Mỗi lần có vị khách ghé thăm, người nghệ nhân già vẫn không quên xin lại thông tin và ghi vào một cuốn sổ nhỏ. Cuốn sổ không chỉ là kỉ niệm, là nhật ký mà còn là thành quả của sự cần mẫn giữ nghề suốt hơn nửa thế kỷ.

 

 

Nhờ sự truyền bá rộng rãi và liên tục sáng tạo ra những mẫu phỗng mới, nhiều công ty, tổ chức đã về thăm Đông Khê, tìm hiểu món đồ chơi dân gian tuy lâu đời mà lại lạ lẫm. Gia đình ông Giáp những năm gần đây trở thành điểm đón tiếp nhiều đoàn khách du lịch, học sinh các địa phương về để tìm hiểu, trải nghiệm nghề làm phỗng đất truyền thống. Ông Giáp tự hào khi được đem những sản phẩm phỗng đất đến các triển lãm, bảo tàng, hội chợ truyền thống để giới thiệu sản phẩm, trực tiếp nặn phỗng trước công chúng.

 

 

Ông trân trọng lưu giữ từng bức ảnh, thước phim được ghi lại sau mỗi lần khách đến tham quan, tìm hiểu phỗng, đặc biệt vui mừng hơn nữa khi các em nhỏ say mê, chăm chú lắng nghe khi ông nói về ý nghĩa của từng tượng phỗng. Tuy phỗng đất ngày nay được ít người biết đến. Song, giá trị của nó sẽ còn mãi với thời gian như một dấu tích về nét đẹp văn hoá của người Kinh Bắc nói riêng và Việt Nam nói chung.

Nguồn: https://nienlich.vn/tin-tuc/trong-nuoc/wowtimes-tinh-hoa-dat-viet-nghe-nhan-phung-dinh-giap-nguoi-giu-hon-phong-dat-kinh-bac

Chia sẻ:

Share on facebook
Share on twitter
Share on linkedin

Bài viết mới