[WOWTIMES- Trăm năm còn mãi] (P.26) Làng tạc tượng Bảo Hà- làng nghề truyền thống 500 năm nổi tiếng gần xa

[VIETKINGS – NIÊN LỊCH &THÀNH TỰU (WOWTIMES)] Làng tạc tượng Bảo Hà là cái nôi sản sinh ra những dòng sản phẩm điêu khắc gỗ tuyệt đẹp với tuổi nghề hơn 500 năm tuổi mang đậm dấu ấn tinh hoa của người Việt.

Làng tạc tượng Bảo Hà chính là làng nghề truyền thống nổi tiếng với nghề điêu khắc, sơn mài trên 500 năm tuổi thuộc xã Đồng Minh, Vĩnh Bảo, Hải Phòng. Đây là làng tạc tượng truyền thống được duy trì và phát triển cho đến tận ngày nay và trở thành nghề cổ truyền độc đáo với sản phẩm tạc tượng phong phú, đậm chất tín ngưỡng. Làng tạc tượng Bảo Hà còn gắn nhiều hoạt động văn hóa mỹ nghệ, du lịch vùng đồng bằng sông hồng. Đặc biệt, làng tạc tượng ở Bảo Hà đã có hơn nữa thiên niên kỷ nhưng lại chuyên tạc tượng Phật và được coi là cái nôi của nghề tạc tượng Việt Nam. Năm 2007, làng tạc tượng Bảo Hà đã được công nhận là làng nghề truyền thống.

Nguyên liệu chính của sản phẩm làng nghề là gỗ và sơn. Gỗ thường dùng là gỗ mít, dổi, xoan, sung… Để tạo ra những sản phẩm chất lượng, gỗ được chọn phải đảm bảo chắc, ít cong vênh, ít rạn nứt, không mọt, dẻo mịn, dễ chạm và đánh bóng. Sơn chủ yếu là sống (nhựa của cây sơn), từ sơn sống chế thành sơn phủ, sơn điều và sơn thí. Để tạo ra sản phẩm phải trải qua các bước: nghiên cứu mẫu, chọn nguyên liệu, tạo dáng, dập mẫu, đục vỡ, đục hạ, đục chi tiết, gọt, nạo, đánh giấy giáp, tạo bóng, lắp giáp và gắn các chi tiết, sơn hom, sơn trùm kín, sơn thí, sơn phủ, sơn cầm, dán bạc vàng và trang trí…

Trong dân gian, có người tỏ ra phát ghen với dân làng Bảo Hà vì cho rằng, họ may mắn được trời ban tặng cho cái tài “thổi hồn” vào những khúc gỗ mít, gỗ xoan, gỗ dổi,…để cho ra vàng ròng, đó là những bức tượng Phật có hồn có vía, độc nhất vô nhị khắp ngoài Bắc trong Nam từ bao đời nay.

WOWTIMES- Lịch sử hình thành và phát triển Làng tạc tượng Bảo Hà
Truyền thuyết tổ nghề

Theo ghi chép thời xưa, vào thế kỷ thứ XV, khi nhà Minh đô hộ Việt Nam (1407- 1427) đã bắt thanh niên trai tráng đưa về Trung Quốc về làm việc tại xưởng sản xuất, xây dựng lăng tẩm, đền chùa…trong đó có Nguyễn Công Huệ người làng tạc tượng Bảo Hà.

Trong hơn 10 phục dịch tại xứ người, Nguyễn Công Huệ đã học được 1 số nghề để mưu sinh trong đó có nghề tạc tượng, sơn mài.

 

Chân dung tự tạc của vị sư tổ nghề Nguyễn Công Huệ

Sau khi được thả về, Nguyễn Công Huệ đã truyền lại những gì mình học được cho dân làng. Khi ông mất, dân làng tạc tượng ở Bảo Hà đã lập đền miếu, tạc tượng thờ và tôn ông là sư tổ nghề tạc tượng.

Làng tạc tượng trong thời phong kiến

Trong thời kỳ phong kiến, nghề tạc tượng luôn được duy trì và phát triển, nhờ thế làng tạc tượng Bảo Hà trở nên nổi tiếng khắp xứ Đông. Nhiều nghệ nhân giỏi đã được triều đình trọng dụng, và họ đã tạc ngai vàng cho nhà vua.

Trong đó, nhiều nghệ nhân được các triều đại Việt Nam sắc phong những chức quan to như: Hoàng tín đại phu kỳ tài hầu Tô Phú Vượng, Diệu Nghệ Bá Tô Phú Luật,  Phụng thi tạc tượng cục, chuyên lưu ứng vụ, cục phó nam tước Hoàng Đình Úc…..

Xuất phát từ nghề chính tạc tượng, tạc con rối mà nghề múa rối cạn của làng tạc tượng Bảo Hà đã ra đời và phát triển cho đến tận ngày nay.

Làng tạc tượng từ năm 1945 đến nay

Sau năm 1945, khi Việt Nam dành chính quyền thì làng tạc tượng Bảo Hà vẫn tiếp tục phát triển nghề tạc tượng.

Hiện nay, làng tạc tượng Bảo Hà với hơn 1.000 hộ làm nghề trong đó có 200 hộ tạc tượng, 20 xưởng sản xuất.

Sản phẩm của làng tạc tượng ở Bảo Hà ngày 1 trở nên đa dạng, phong phú hơn nhiều. Những dòng sản phẩm truyền thống như tượng phật, tượng thánh, con rối…..

Bên cạnh đó, để đáp ứng nhu cầu thị trường thì sản phẩm thờ cúng như: bàn thờ, câu đối, tượng lớn nhỏ các loại hay bức tượng đương đại, tranh sơn mài…Mỗi năm, làng tạc tượng Bảo Hà đóng góp 40% giá trị sản xuất công nghiệp, địa phương.

Những sản phẩm này không chỉ phục vụ trong nước mà đã còn xuất khẩu ra nước ngoài như Đông Âu và làng tạc tượng Bảo Hà đã trở thành địa chỉ đỏ “Du khảo đồng quê” ở ngoại thành Hải Phòng.

Từ trước đến nay, dẫu làng nghề không hề có bất cứ một quy ước thành văn nào về cái gọi là chất lượng sản phẩm tượng điêu khắc đạt tiêu chuẩn, nhưng tất cả các nghệ nhân của Bảo Hà đều ngầm mặc định với nhau rằng: Làm ra những bức tượng tốt mới là cái cách thể hiện tấm lòng báo hiếu của mình với tổ sư nghề cùng các bậc kỳ tài tiền bối. Và chỉ như thế mới bảo tồn, phát triển “thương hiệu” làng nghề một cách căn cơ.

Nguồn: https://nienlich.vn/tin-tuc/hao-khi-viet-nam-tinh-hoa-the-gioi/wowtimes-tram-nam-con-mai-p-26-lang-tac-tuong-bao-ha-lang-nghe-truyen-thong-500-nam-noi-tieng-gan-xa

Vietnamsales (tổng hợp và biên tập; nguồn hình internet)

Chia sẻ:

Share on facebook
Share on twitter
Share on linkedin

Bài viết mới