[WOWTIMES- Trăm năm còn mãi] (P.27) Làng trống Đọi Tam với bề dài lịch sử 1000 năm tuổi

[VIETKINGS – NIÊN LỊCH &THÀNH TỰU (WOWTIMES)] Với lịch sử phát triển hơn 1000 năm, làng trống Đọi Tam (xã Tiên Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam) được coi là một trong những địa điểm nổi tiếng về sản phẩm trống truyền thống.

Làng Ðọi Tam, xã Ðọi Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam có nghề làm trống từ rất lâu đời (tương truyền khoảng hơn 1000 năm với vị tổ nghề là Nguyễn Ðức Năng và Nguyễn Ðức Bản. Truyền thuyết kể rằng năm 986, được tin vua Lê Ðại Hành sửa soạn về làng cày ruộng tịch điền khuyến nông, hai anh em cụ Năng và cụ Bản đã tự tay làm một cái trống to để đón vua. Tiếng trống vang như sấm rền nên về sau hai ông được dân làng tôn là Trạng Sấm.

Trong suốt chiều dài lịch sử, nghề làm trống và sản phẩm trống Đọi Tam luôn giữ một vai trò quan trọng trong đời sống xã hội. Bởi, sản phẩm trống của làng nghề Đọi Tam là một sản phẩm đặc biệt với nhiều công năng sử dụng khác nhau như: Trống thờ, trống trong đời sống nghệ thuật dân gian, trống được sử dụng là công cụ truyền tải thông tin… Vì vậy, nghề làm trống và sản phẩm trống có một giá trị lịch sử, văn hóa và nghệ thuật nhất định trong lịch sử dân tộc nước nhà.

Sản phẩm trống của Đọi Tam được tiêu thụ trên mọi miền của tổ quốc. Hiện trên địa bàn thôn có 62 cơ sản xuất kinh doanh trống. Nếu tính cả các hộ sản xuất, kinh doanh trong và ngoài tỉnh con số này lên tới hàng trăm hộ. Với bản tính năng động, nhạy bén ng­ười thợ làng nghề trống Đọi Tam luôn luôn tìm tòi và sáng tạo, các sản phẩm luôn đáp ứng được thị hiếu, thẩm mỹ của người sử dụng. Đó là sự đa dạng hoá các sản phẩm, sáng tạo nhiều chủng loại, kiểu dáng trống mới. Nếu như trước đây, các nghệ nhân làm các loại trống tròn, tang gỗ thì hiện nay xuất hiện nhiều kiểu trống mới, thậm chí các các loại trống của các dân tộc ít ng­ười như Chăm, Khơme và cả các loại trống là sản phẩm nhỏ trang trí để phục vụ nhu cầu của khách du lịch. Từ đó, nghề làm trống đã mang lại lợi ích về kinh tế, nhiều người thợ đã làm giàu trên chính mảnh đất quê hương chiêm trũng bằng chính bàn tay khối óc của mình.

Quy trình sản xuất trải qua các công đoạn: Làm da, làm tang và bưng trống. Để có một sản phẩm tốt, việc chọn nguyên liệu cũng rất công phu, tỉ mỉ. Nguyên liệu để làm trống là gỗ và da trâu. Gỗ để làm tang trống (thân) còn da trâu để bưng mặt trống. Ng­ười thợ trống ở Đọi Tam đã đúc kết đ­ược kinh nghiệm làm trống qua câu ca: “Da trâu tang mít, đánh ít kêu nhiều”. Có nghĩa là: Da trâu làm mặt trống và gỗ mít làm tang thì trống sẽ rất tốt. Tang trống phải là loại gỗ mít già, vừa nhẹ, không bị ngót và quan trọng nhất là giữ được “tiếng”. Người dân Đọi Tam chỉ dùng da trâu cái để b­ưng mặt trống, da được chọn thường là da của những con trâu già có độ bền, dẻo và dai hơn. Khi mua da, chọn con da có nhiều nếp nhăn, lông bạc. Da trâu để làm trống tối kỵ chọn da của những con trâu béo, trâu trắng. Công đoạn căng mặt trống cũng hết sức quan trọng, sao cho vừa căng lại vừa kín, khi đánh tạo tiếng kêu giòn, vang.

Những người thợ trống Đọi Tam thường đi mua da trâu vào những ngày trời nắng và khi đem về là phải phơi ngay. Dưới cái nắng gay gắt, da trâu được hong khô. Có như vậy tiếng trống mới ấm, vang xa. Trong quá trình bào da, những người thợ có tay nghề phải dồn hết tâm trí vào công việc. Nếu miếng da trâu dày hoặc mỏng hơn “tiêu chuẩn”, tiếng trống sẽ biến âm. Thế nên, cùng một trống cái, hai mặt trống sẽ cho những âm thanh rất khác nhau.

Các nghệ nhân trong làng trống Đọi Tam vinh dự là những người được lựa chọn làm những chiếc trống phục vụ đại lễ kỉ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Người Đọi Tam còn giỏi chơi trống. Không chỉ biểu diễn trong làng vào ngày lễ hội mùng 6 tháng giêng hằng năm, mỗi khi có nơi mời là đội trống lại lên đường. Dàn trống hàng trăm chiếc lớn nhỏ để trong đình lại được dịp lên ô tô theo nghệ nhân đi biểu diễn. Ngày nay, các nghệ nhân Đọi Tam vẫn ra sức bảo tồn nghề truyền thống. Nhiều gia đình vẫn lấy nghề làm trống làm chính và đã có cuộc sống khá giả, sung túc hơn.

WOWTIMES- Lịch sử hình thành và phát triển Làng trống Đọi Tam 

Căn cứ vào sử sách, hồ sơ di tích cấp quốc gia đình Đọi Tam, dấu tích khảo cổ và các truyền thuyết ở địa phương, nghề làm trống Đọi Tam tồn tại hơn một nghìn năm. Theo dân làng, có 3 câu chuyện kể về ông tổ nghề của nghề làm trống Đọi Tam, nội dung các câu chuyện đều nói về ông tổ nghề của nghề làm trống Đọi Tam là hai anh em ông Nguyễn Đức Năng và Nguyễn Đức Bản. Sau khi mất, hai ông được nhân dân tôn thờ tại di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia đình Đọi Tam và mộ thờ hai ông hiện nay vẫn còn nằm sát ngay chân núi Đọi.

Ngày xưa theo tục lệ lúc bấy giờ, nghề làm trống Đọi Tam là nghề cha truyền con nối, chỉ truyền cho con trai và con dâu, không truyền cho con gái và con rể, hay người ngoài nên đến thời nay, chỉ có duy nhất người dân thôn Đọi Tam mới có nghề làm trống. Trong những năm gần đây, con gái cũng được truyền dạy nghề kỹ lưỡng. Không chỉ truyền nghề cho nữ giới, Đọi Tam còn có đội trống gái, có một không hai ở Việt Nam hiện nay chuyên phục vụ lễ hội và các ngày trọng đại của tỉnh, của thị xã.

Tháng 10/2004, làng trống Đọi Tam đã được cấp bằng công nhận làng nghề truyền thống Tiểu thủ công nghiệp Hà Nam.

Tháng 11/2007, làng trống Đọi Tam được Hiệp hội Làng nghề Việt Nam trao Bằng khen “Làng nghề tiêu biểu Việt Nam”.

Trong Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội, làng trống Đọi Tam đã đóng góp gần 2.000 trống lớn, nhỏ, trong đó có chiếc trống to nhất Việt Nam và khu vực với chiều cao 3,1m, đường kính 2,35m, nặng khoảng 1.300kg. Âm s��c riêng của trống Đọi Tam từ lâu đã ăn sâu và tâm thức người dân Hà nam nói riêng và cả nước nói chung. Đây là sự cố gắng nỗ lực của chính quyền cơ sở và người dân làng nghề, là động lực để các nghệ nhân ở Đọi Tam bảo tồn và phát triển nghề truyền thống trống Đọi Tam.

Ngày 20/12/2019, di sản văn hóa phi vật thể nghề làm trống Đọi Tam đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 4608/QĐ-BVHTTDL nhằm tôn vinh giá trị của nghề truyền thống độc đáo đã và đang phát triển gắn liền với vùng đất cổ Duy Tiên, Hà Nam.

Ngày nay, việc bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa làng Đọi Tam gắn liền với phát triển các loại hình du lịch làng nghề, du lịch sinh thái. Nghề làm trống Đọi Tam đã trải qua không ít biến cố, thằng trầm. Nhưng với nỗ lực giữ gìn và bảo tồn, trống Đọi Tam ngày càng có nhiều bước tiến mạnh mẽ đóng góp để giữ gìn bản sắc dân tộc và nâng tầm thương hiệu.

Nguồn: https://nienlich.vn/tin-tuc/hao-khi-viet-nam-tinh-hoa-the-gioi/wowtimes-tram-nam-con-mai-p-27-lang-trong-doi-tam-voi-be-dai-lich-su-1000-nam-tuoi

Vietnamsales (tổng hợp và biên tập; nguồn hình internet)

Chia sẻ:

Share on facebook
Share on twitter
Share on linkedin

Bài viết mới