[VIETNAMSALES] ĐIỂM TIN NGÀY 20/07/2023 – Phú Thọ quy hoạch vùng nguyên liệu, mở đường xuất khẩu chè bền vững

Tỉnh Phú Thọ chú trọng xây dựng các vùng nguyên liệu sạch, tuân thủ quy trình sản xuất chè an toàn từ khâu trồng, chăm sóc đến thành phẩm để đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu tới các thị trường khó tính.

Phu Tho: Quy hoach vung nguyen lieu, mo duong xuat khau che ben vung hinh anh 1
Người dân thu hoạch búp chè. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Nhằm mở đường cho chè Phú Thọ được xuất khẩu đi các nước trên thế giới, những năm qua, tỉnh Phú Thọ đã quan tâm đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng nguyên liệu chè cùng với thu hút đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến.

Đồng thời, đẩy mạnh xúc tiến đầu tư kết nối với doanh nghiệp trong và ngoài nước để tìm kiếm đối tác đầu tư, mở rộng thị trường xuất khẩu, tiêu thụ sản phẩm chè.

Biến chè thành ngành kinh tế chủ lực

Tỉnh Phú Thọ phấn đấu đến năm 2025, diện tích trồng chè toàn tỉnh khoảng 15.700ha, năng suất chè búp tươi bình quân đạt 125 tạ/ha, sản lượng đạt 195.000 tấn, tăng 5,3% (10.000 tấn) so với năm 2021 được quy hoạch vùng chè tập trung ở 9/13 huyện thị thành trong tỉnh là Thanh Sơn, Tân Sơn, Cẩm Khê, Yên Lập, Thanh Ba, Hạ Hoà, Đoan Hùng, Phù Ninh, thị xã Phú Thọ.

Để hoàn thành mục tiêu, Phú Thọ tập trung chỉ đạo tổ chức lại sản xuất theo hướng tăng cường liên kết theo hợp đồng giữa doanh nghiệp chế biến với hợp tác xã, tổ hợp tác, xây dựng vùng nguyên liệu và bao tiêu sản phẩm.

Việc này nhằm đảm bảo sự ổn định, đủ nguyên liệu chè tươi cho chế biến thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển vùng nguyên liệu tập trung gắn với chế biến chè theo công nghệ mới.

Ngoài ra, áp dụng các hệ thống quản lý tiên tiến (HACCP, ISO), kiểm soát chặt chẽ an toàn thực phẩm ở tất cả khâu trong chuỗi sản xuất, chế biến, tiêu thụ chè; hình thành, phát triển các chuỗi sản xuất bền vững, trong đó, doanh nghiệp giữ vai trò nòng cốt, dẫn dắt, đưa khoa học công nghệ, trình độ quản trị và kinh tế số vào chuỗi giá trị.

Tỉnh đẩy mạnh chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là công nghệ cao, công nghệ sinh học, các quy trình sản xuất an toàn, hữu cơ, áp dụng công cụ hỗ trợ cho sản xuất thông minh để nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm; áp dụng công nghệ sau thu hoạch, chế biến và bảo quản sản phẩm, ưu tiên chế biến tinh, chế biến sâu, đa dạng hóa sản phẩm  như chè xanh chất lượng cao, chè ôlong, matcha, nước uống đóng chai từ chè phẩm với chè nguyên liệu phục vụ nhu cầu chế biến…

Phu Tho: Quy hoach vung nguyen lieu, mo duong xuat khau che ben vung hinh anh 2
Đồi chè Long Cốc tại Phú Thọ. (Ảnh: Trung Kiên/TTXVN)

Tỉnh Phú Thọ đã hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ dân năng lực tiếp cận thị trường (thiết lập mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, bảo hộ thương hiệu…); xây dựng hệ thống cung ứng chè theo hướng hiện đại, kết nối được sản xuất với phân phối, tiêu dùng nông sản thành chuỗi giá trị, ổn định và bền vững; củng cố, phát triển các điểm, các kênh phân phối chính thức và uy tín như cửa hàng giới thiệu sản phẩm, siêu thị, sàn giao dịch thương mại điện tử, hình thành hệ thống bán buôn, bán lẻ; đẩy mạnh quảng bá và bán hàng trên mạng xã hội (Facebook, Zalo…)

Đồng thời, tập trung tuyên truyền, giới thiệu sản phẩm chè Phú Thọ tại các lễ hội, hội chợ; tổ chức các Lễ hội Chè, Tuần lễ Văn hóa Chè Đất Tổ… gắn với các sự kiện quan trọng của tỉnh; biên tập, xây dựng các ấn phẩm, tập san giới thiệu, quảng bá chè Phú Thọ; phối hợp với các cơ quan chuyên môn của Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nghiên cứu, tiếp cận thị trường xuất khẩu như: Nga, Đài Loan, Nhật Bản, các nước EU, Pakistan…

Tạo vùng nguyên liệu xuất khẩu

Đến nay, tỉnh Phú Thọ đã xây dựng được 70 vùng trồng chè tập trung với tổng diện tích hơn 5.800ha, trong đó, diện tích chè được cấp các chứng chỉ an toàn đạt gần 3.700ha, đã cấp được hai mã số vùng trồng tại huyện Thanh Ba và thị xã Phú Thọ.

Đây là những vùng chè đáp ứng được yêu cầu về sản xuất chè xanh và chè đen phục vụ xuất khẩu. Sản phẩm chè của Phú Thọ đã xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới như: Ấn Độ, Trung Quốc, Pakistan, Đức, Mỹ, Hà Lan…

Tuy nhiên, để xuất khẩu được chè của Phú Thọ sang các nước, nhất là thị trường châu Âu, châu Mỹ đòi hỏi các sản phẩm chè phải đảm bảo tuân thủ một quá trình sản xuất chè an toàn từ khâu trồng, chăm sóc đến thành phẩm hoàn chỉnh.

Theo một số doanh nghiệp xuất khẩu chè trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, việc xuất khẩu rất khắt khe trong vấn đề đảm bảo tiêu chí về an toàn vệ sinh thực phẩm.

Do vậy, đây là vấn đề doanh nghiệp trong tỉnh luôn đặt lên hàng đầu khi bắt tay sản xuất, kinh doanh, nhất là xây dựng vùng nguyên liệu sạch.

Cùng đó, doanh nghiệp chú trọng xây dựng kế hoạch đảm bảo vùng nguyên liệu sạch như cung ứng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, hướng dẫn lịch phun, thời điểm, xây dựng bể chứa vỏ bao bì…

Anh Nguyễn Xuân Trường, Tổ trưởng Tổ liên kết sản xuất chè sạch tại khu 1, xã Vân Lĩnh, huyện Thanh Ba chia sẻ giai đoạn trước năm 2007, người dân ở đây chủ yếu sản xuất chè hạt theo kinh nghiệm, ít chú ý đến quy trình, kỹ thuật trồng, chăm sóc, phụ thuộc nhiều vào yếu tố tự nhiên nên năng suất chè không cao.

Thêm vào đó, việc người dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón hóa học chưa hợp lý, ảnh hưởng lớn đến chất lượng chè thành phẩm.

Khi được Nhà nước hỗ trợ chuyển đổi giống chè ôlong, đầu tư khoa học kỹ thuật, đặc biệt là chuyển hướng trồng chè VietGAP liên kết với công ty nên sản phẩm chè chất lượng tốt, sức mua tăng, giao dịch nhanh, hái đến đâu bán hết đến đó.

Trung bình mỗi năm nhóm hộ thu được trên 200 tấn chè nguyên liệu, cung cấp cho Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Một thành viên Chè Phú Bền hoặc Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Chè Hoài Trung, giúp người trồng chè có nguồn thu ổn định…

Là doanh nghiệp chuyên về sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu chè hơn 20 năm nay, chị Bùi Thị Mão, Giám đốc Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Chè Hoài Trung, xã Chí Tiên, huyện Thanh Ba chia sẻ mỗi năm công ty sản xuất và cung ứng ra thị trường khoảng 1.000 tấn chè thành phẩm.

Đây cũng là doanh nghiệp duy nhất của Phú Thọ đến thời điểm hiện tại được công nhận sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) 5 sao về chè.

Phu Tho: Quy hoach vung nguyen lieu, mo duong xuat khau che ben vung hinh anh 3
Phú Thọ đã chủ động xây dựng, quy hoạch các vùng nguyên liệu sạch. (Ảnh minh họa: Minh Đức/TTXVN)

“Hiện nay, việc xuất khẩu nông sản, trong đó có chè ra thị trường thế giới ngày càng khắt khe. Các quốc gia, khu vực đều đang siết chặt hàng rào kỹ thuật, nhất là tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm. Vì thế, khi ký kết hợp đồng thu mua sản phẩm, công ty đều yêu cầu người trồng chè phải thực hiện nghiêm ngặt các quy trình sản xuất. Bởi, chỉ một lô hàng dính lỗi về an toàn vệ sinh thực phẩm phải mất rất nhiều thời gian và công sức mới đưa được sản phẩm vào lại thị trường đó. Vì vậy, muốn giữ giá thành nguyên liệu ổn định và dần nâng lên, chính bản thân người trồng chè phải có ý thức giữ uy tín, chất lượng sản phẩm,” chị Mão cho hay.

Năm 2020, nhãn hiệu chứng nhận “Chè Phú Thọ” đã được cấp văn bằng bảo hộ góp phần nâng cao uy tín, giá trị kinh tế, sức cạnh tranh của các sản phẩm chè trên địa bàn tỉnh; hiệu quả sản xuất chè ngày càng được nâng cao, nhiều hộ gia đình đã vươn lên làm giàu từ cây chè, đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội và xây dựng nông thôn mới ở nhiều địa phương.

Ông Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Phú Thọ cho biết, để việc xuất khẩu chè thuận lợi và tiếp tục tìm kiếm, mở rộng thị trường, tỉnh cũng hướng đến mục tiêu xây dựng hồ sơ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận chè Phú Thọ tại một số thị trường nước ngoài tiềm năng, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có thể xây dựng chiến lược xuất khẩu sản phẩm chè mang nhãn hiệu chứng nhận chè Phú Thọ.

Tại Hội nghị kết nối giao thương tại Phú Thọ giữa nhà cung cấp chè khu vực Đông Bắc với doanh nghiệp xuất khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại ngày 24/4 vừa qua, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Thọ Nguyễn Thanh Hải cho hay để đáp ứng yêu cầu phát triển thương mại ngành chè, tỉnh Phú Thọ đề nghị Sở Công Thương các tỉnh khu vực Đông Bắc tiếp tục phát huy vai trò là cầu nối, liên kết với các Sở Công Thương trong khu vực, các Đại sứ, Tham tán, Thương vụ của Việt Nam mở rộng thị trường tiêu thụ, quảng bá thương hiệu và gia tăng giá trị hàng hóa.

Mặt khác, đổi mới về khuyến công, xúc tiến thương mại, khuyến khích các doanh nghiệp triển khai, ứng dụng thương mại điện tử trong sản xuất, kinh doanh.

Đặc biệt, thường xuyên tổ chức các hoạt động kết nối giao thương, kết nối cung cầu, hỗ trợ mở rộng thị trường cho sản phẩm chủ lực của tỉnh tham gia vào thị trường trong và ngoài nước; tiếp tục quan tâm, kết nối, giới thiệu doanh nghiệp sản xuất, chế biến chè trong khu vực ra thị trường thế giới./.

Theo Toàn Đức (TTXVN/Vietnam+)

Chia sẻ:

Share on facebook
Share on twitter
Share on linkedin

Bài viết mới