[WOWTIMES – VIETKINGS] Công ty Cổ phần Chế biến Thủy hải sản Liên Thành (1906-2024) – Tinh túy hương vị trăm năm – Top 100 đơn vị trên 100 tuổi còn hoạt động tại Việt Nam 2024 – P.10

(nienlich.vn) Cách đây gần 120 năm, từ ý tưởng của chí sỹ yêu nước Phan Châu Trinh, công ty Liên Thành được thành lập tại Phan Thiết bởi 6 vị tiền hiền, mang theo hương vị quốc hồn quốc túy. Đến năm 1906, một thương hiệu nước mắm ra đời và đã gắn chặt mình với dòng chảy lịch sử của dân tộc.

 

THƯƠNG HIỆU NƯỚC MẮM GẮN LIỀN VỚI TRANG SỬ HÀO HÙNG

Năm 1906, hưởng ứng lời kêu gọi Duy Tân của cụ Phan Chu Trinh, 6 vị  sáng lập viên đầu tiên gồm các nhà tri thức Nho học, Tây học, quan lại viên chức cả ở Trung và Nam Kỳ đồng chí, đồng lòng, với lòng yêu nước, góp của, góp công sức, vượt bao khó khăn để thành lập và phát triển thương hiệu Liên Thành vững bền, uy tín trong lòng người tiêu dùng từ trước đến nay.

1. Nguyễn Trọng Lội (1871-1911) và Nguyễn Qúy Anh (1881-1938) là con trai cụ Nguyễn Thông. Cụ Nguyễn Thông quê ở Long An, năm 1849 đỗ Cử nhân, ra làm quan ở Cần Thơ. Khi Pháp đánh chiếm Nam Kỳ, ông tham gia chống Pháp. Khi Nam Kỳ thuộc Pháp, ông di cư ra Bình Thuận lập ra Bình Châu xã và dựng một tòa nhà nhỏ gọi là Ngoạ Du Sào để ở (nay thuộc khu di tích Dục Thanh).

2. Hồ Tá Bang (1875-1943), quê ở Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên, tham gia phong trào Duy Tân, nhưng cũng là người ái mộ cụ Phan Bội Châu.

3. Nguyễn Hiệt Chi (1870-1935), quê gốc ở Nghệ An, tham gia phong trào Cần Vương, sau vào Phan Thiết làm trợ giáo.

4. Trần Lệ Chất (1866-1968), quê ở Thanh Hà, Hà Tĩnh, tham gia phong trào Văn Thân của Phan Đình Phùng. Sau khi phong trào Văn Thân thất bại, năm 1895 ông ra làm việc với Pháp. Do biết chữ Pháp và chữ Hán ông  được xếp vào ngạch Cao đẳng nhân viên là ngạch cao nhất của người bản xứ.

5. Ngô Văn Nhượng quê ở Bình Thuận, có công góp phần bảo vệ Công ty Liên Thành lúc mới thành lập.

 

Liên Thành có nghĩa là Thành Hoa Sen, nguyên là tên lịch sử của Hòa Đa, là thủ phủ cũ của tỉnh Bình Thuận, tượng trưng cho người quân tử. Chọn cái tên này các thân hào nhân sĩ muốn truyền cái tâm trong sạch như Hoa Sen vươn lên từ bùn lầy trong bối cảnh nước mất nhà tan của thời kỳ đầu thế kỷ.

Con Voi: hình ảnh tượng trưng cho bầy đàn, quần thể. Biểu tượng Con Voi Đỏ thể hiện tinh thần đoàn kết, tấm lòng son sắt trước sau như một của dân tộc Việt  Nam.

 

 

118 NĂM GIỮ LỬA TINH THẦN DUY TÂN
Năm 1906 -1916: khởi nghiệp và mở rộng các phân cuộc ở Đức Thắng, Huy Long, Phú Hào, Mũi Né và Phan Rí thuộc Phan Thiết.
Năm 1907, Trường Dục Thanh được lập nhờ nhà của ông Nguyễn Trọng Lội là người sáng lập viên Công ty Liên Thành có cổ phần lớn nhất, ông còn hiến 10 mẫu đất lấy huê lợi từ đó trang trải cho hoạt động của Trường và học phí của học sinh. Học sinh ở đây được học những nội dung, tư tưởng tiến bộ, được giáo dục tinh thần yêu nước, trường Dục Thanh đã chú trọng việc dạy chữ Quốc ngữ, Thầy giáo dạy ở đây có nhiều người nổi tiếng như Lương Thúc Kỳ, Nguyễn Hiệt Chi, Trần Đình Phiên… đặc biệt người thanh niên Nguyễn Tất Thành, cũng đã từng dạy ở trường này một thời gian trước khi vào Sài Gòn trên đường bôn ba tìm đường cứu nước.

Trường Dục Thanh tại tỉnh Bình Thuận ngày nay

 

Năm 1909, Liên Thành Thương Quán thuê ngôi nhà số 1/2/3 Quai Testard và mở phân cuộc kinh doanh ở Sài Gòn.

 

Logo thời kỳ đầu

 

Năm 1911, Nguyễn Trọng Lợi qua đời, Hồ Tá Bang thay thế ở chức vụ Tổng lý – tức Giám đốc. Ông đã khéo léo xoay xở để đưa công ty vượt qua quãng thời gian khó khăn, lúc phong trào Duy Tân bị đàn áp và Liên Thành bị liên tục gây khó dễ.

Năm 1917, dời Tổng cuộc (trụ sở chánh) vào phân cuộc Chợ Lớn, hiện nay là số 3-5 Châu Văn Liêm. Đây là nơi Bác Hồ có nghỉ lại trước khi ra đi tìm đường cứu nước, và đã được công nhận là di tích lịch sử. Cũng trong năm này, Nguyễn Quý Anh được bầu làm Tổng lý, còn Hồ Tá Bang đảm nhiệm Nghị trưởng (Chủ tịch Hội đồng Quản trị) và chính thức dời Tổng cuộc vào Chợ Lớn, lại mua thêm một lô đất ở Khánh Hội xây vựa chứa nước mắm. Lúc này, vốn của Công ty đã lên đến 93’200 đồng bạc Ðông Dương.

Năm 1919, Nguyễn Quý Anh giao lại trách nhiệm Tổng lý cho Trần Lệ Chất, và Trần Lệ Chất đã tiếp tục đưa Liên Thành sang một thời kỳ phát triển rực rỡ.

Năm 1922, Tổng cuộc ở Chợ Lớn phí tổn quá nặng, tiền mướn phố rất đắt, Hội đồng quản trị quyết định xây nhà cũ ở Vĩnh Hội và trả lại phố ở Chợ Lớn, Tổng cuộc Liên Thành chính thức ở 243 Bến Vân Đồn và hiện nay cũng là trụ sở chính của Công ty Liên Thành.

 

 

Trong cùng năm, nước mắm Liên Thành tham gia đấu xảo ở Marseille, Pháp và tạo ra tiếng vang lớn. Từ sau đó, công ty Liên Thành dần mở rộng mạng lưới gồm các phân cuộc ở tỉnh lỵ Phan Thiết, Phú Hài (Phan Thiết), Mũi Né, Hưng Long, Phan Rí, Hội An, với địa bàn phân phối nước mắm ở nhiều tỉnh miền Trung và miền Nam, phủ qua cả Campuchia và cả ở châu Âu.
Năm 1960, Liên Thành xây dựng một nhà máy sản xuất phân bón không mùi từ xác cá tại Phú Hài, Phan Thiết. Trong ngành sản xuất nước mắm, đây là một phát kiến quan trọng để tận thu phế phẩm. Sản phẩm phân bón Phú Hài nhanh chóng được các nhà vườn Đà Lạt chấp nhận tiêu thụ.
Sau khi Trần Lệ Chất mất năm 1969, ông Huỳnh Văn Dậu giữ trách nhiệm Chủ tịch Hội đồng Quản trị cho đến khi ông đồng ý hiến công ty cho Nhà nước vào năm 1979 với điều kiện là giữ lại tên Liên Thành cùng với bàn thờ 6 cụ tổ sáng lập. Công ty cũng thực hiện việc chi trả cổ tức và cổ phần cho các cổ đông cũ trước khi chuyển sang sở hữu nhà nước.

 

Năm 1975, sau giải phóng Công ty Liên Thành được Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh giao thêm 9 hãng nước mắm tư nhân để lại lập nên “Xí nghiệp Quốc doanh Nước mắm Liên Thành”.

Năm 1990, để thích nghi với nền kinh tế thị trường, xí nghiệp được đổi tên là “Xí nghiệp chế biến thủy hải sản Liên Thành”.

Năm 2001, chuyển thành Công ty Cổ phần đến ngày nay.

Năm 2023, Công ty Cổ phần Chế biến Thủy hải sản Liên Thành đã tổ chức sự kiện ra mắt diện mạo mới sản phẩm nước mắm chay Liên Thành “Vị ngon từ đạm thực vật”. Đây là một bước đi mới trong cuộc hành trình gần 120 năm phát triển của công ty. Đây cũng là cột mốc đánh dấu một bước đi mới trong hành trình lịch sử gần 120 năm phát triển của Liên Thành, tiếp nối tinh thần từ 6 cụ tiền hiền – đã sáng lập Liên Thành.

 

 

Thông tin chi tiết xin liên hệ

TỔ CHỨC KỶ LỤC VIỆT NAM – VIETKINGS

Địa chỉ: 1 Đặng Văn Ngữ, Phường 10, Quận Phú Nhuận, TP.Hồ Chí Minh
Email: noidungkyluc@gmail.com
Website: https://kyluc.vn

 

Lan Anh – WowTimes (Tổng hợp và biên tập, ảnh: Internet)

Chia sẻ:

Share on facebook
Share on twitter
Share on linkedin

Bài viết mới