[ĐỀ CỬ TOP 63 TỈNH THÀNH] LAI CHÂU – Top 6 đặc sản vùng cao Lai Châu nên thử

Nội dung chính

Lợn cắp nách

 

Lợn cắp nách là loại lợn đặc sản của vùng cao Tây Bắc. Giống lợn này được bà con dân tộc thả rông trong rừng, tự đi kiếm ăn nên mỗi con chỉ nặng chừng 10 – 15 kg. Do ăn các loại lá cây, rau cỏ trong rừng nên thịt của chúng rất chắc và thơm ngon. Lợn cắp nách được chế biến thành nhiều món ngon như hấp, nướng, nấu giả cầy, hầm, nấu canh… Món nào cũng được tẩm ướp và nấu cùng các loại lá, hạt mang phong vị núi rừng, mang lại cảm giác lạ miệng, đặc biệt cho du khách lần đầu thưởng thức.

 

Cá bống vùi tro

 

Nếu có dịp đến với huyện Phong Thổ, bạn chớ bỏ qua món cá bống vùi tro – đặc sản của đồng bào dân tộc Thái. Cá bống có sẵn ở các con sông, suối, sau khi bắt về được sơ chế sạch sẽ và tẩm ướp với các gia vị đã được băm nhỏ như sả, ớt, gừng, hạt tiêu, mắc khén, húng, hom… Sau khi ướp khoảng 15 – 30 phút, cá sẽ được gói gọn trong lá dong và vùi vào tro nóng, khoảng 30 phút lại lật lại một lần, cứ như thế vài lần cá sẽ chín.

 

Pa Pỉnh Tộp

 

 

Pa pỉnh tộp (cá gập nướng) là món ăn khá cầu kỳ, thường được dùng trong các bữa ăn khi gia đình có khách quý. Người ta chọn những con cá chép tươi, còn nguyên con để nướng. Sau khi sát qua chút muối cùng ớt bột khô để khử mùi tanh cho cá, người làm tẩm ướp gia vị là các loại rau thơm như quả mắc khén (một loại hạt tiêu rừng), gừng, tỏi, sả, hành, rau thơm rừng, ớt bột… băm nhỏ, trộn lẫn với nhau và sát đều lên mình, đồng thời nhồi vào trong bụng cá.

 

Xôi tím

 

Xôi tím là món ăn truyền thống của người dân tộc vùng cao Lai Châu, xôi tím thể hiện sự khéo léo của đôi bàn tay trong cách chế biến của người phụ nữ. Gạo nếp nương được ngâm kỹ từ 6 -8 tiếng trước khi đem đồ. Màu tím đặc trưng và hấp dẫn của xôi được nhuộm bằng loại cây có tên là “khẩu cắm” (một loại lá rừng).

 

Rêu đá nướng

 

 

Rêu đá là loại rau sạch của người dân Lai Châu. Người ta phải rất kỳ công khi lấy chúng về từ các tảng đá bên suối để chế biến thành các món ăn ngon cho gia đình như nấu canh, nướng, xào… Khi sơ chế rêu, người làm cần vớt rêu cho vào rổ, rửa qua nước sạch nhằm loại bỏ cát và các chất bẩn, bỏ lên một tảng đá to, hoặc thớt rồi dùng một khúc gỗ to để đập, cứ làm như thế vài lần thì mới có thể đem nấu.

 

Nộm rau dớn

 

 

Rau dớn mọc ở khắp nơi trong vườn nhà, bờ ao, bờ suối nên thường có mặt trong bữa cơm hằng ngày của người Thái ở Lai Châu. Cách làm món này cũng khá đơn giản: chọn những ngọn non rửa sạch, phơi nắng cho khô rồi đồ chín, sau đó trộn đều cùng rau thơm, ớt, gừng, tỏi, mì chính, muối và vắt thêm chút chanh tươi.

 

Tham khảo nguồn: https://vietnamtourism.gov.vn/index.php/items/33193

Đọc sách

Nhận xét

Bình luận

Greenbooks liên quan