[ĐỀ CỬ TOP 63 TỈNH THÀNH] NAM ĐỊNH – Top 10 món ngon đặc sản Nam Định

Nội dung chính

Phở xíu

Nhắc đến Nam Định là nhắc đến phở bò nổi tiếng. “Quê Phở” nằm ở làng Giao Cù, xã Đồng Sơn, huyện Nam Trực, cách thành phố Nam Định 14 km. Đây là làng nghề làm bánh phở lâu năm. Nguyên liệu là gạo chiêm của vụ trước để hết nhựa, đem nghiền bằng cối xay đá rồi tráng mỏng trên nồi nước quạt than củi. Bánh phở ở đây trắng, dai và thơm. Nước phở ninh từ xương bò, mắm ngon và sá sùng, hành khô…

Phở xíu là một gợi ý đáng để thử. Xíu là cách đọc rút gọn của món thịt xá xíu trong ẩm thực Trung Quốc, phần thịt lợn có một lớp mỡ mỏng bao quanh, được tẩm ướp húng lìu, ngũ vị hương, rượu mai quế lộ, dầu điều… rồi đem rán.

Xá xíu có màu nâu cánh gián, phần mỡ vàng, thơm mùi húng lìu, khi thái ra phần thăn bên trong có màu hồng nhạt, thịt mềm và ngọt. Phần nước dùng phở xíu cũng được ninh bằng xương bò, xương lợn theo tỉ lệ nhất định.

 

Một bát phở xíu ở Nam Định ăn kèm những thứ gia vị không thể thiếu là chanh và ớt. Nếu không để ý tới màu đo đỏ của lớp ngoài thịt xíu, có lẽ nhiều người sẽ nghĩ đây là bát phở thịt bò chín. Ảnh: Phong Phú

 

 

Xôi xíu

 

 

Ngon nhất đất Nam Định chính là các món ăn đường phố, được bày bán tại các khu chợ, hàng quán vỉa hè. Một trong số đó là xôi xíu, tập trung ở một vài quán nhỏ, lâu năm. Quán xôi xíu nổi tiếng, được nhiều thực khách ưa chuộng nhất nằm ở phố Hàng Sắt. Ngoài xôi, quán còn phục vụ thêm các loại bánh ngọt và chè thập cẩm, hoa quả.

 

Bún sung

 

 

Ban đầu, món bún đơn thuần chỉ có riêu cua nhưng dần được “nâng tầm” hương vị với nguyên liệu bình dân là sung muối và tóp mỡ, trở thành đặc sản nổi danh xứ thành Nam hút khách thưởng thức. Đúng như tên gọi, bún sung được kết hợp từ các nguyên liệu gồm bún và sung muối, ngoài ra còn có tóp mỡ béo ngậy, vàng giòn. Cũng bởi vậy mà món ăn này còn được người dân Nam Định gọi là bún tóp mỡ.

 

Bún cá

 

 

Bún cá Nam Định nấu đơn giản, không cầu kỳ với nước dùng hầm xương, những sợi bún trắng lấp ló sau những miếng cá rán vàng ươm kèm rau thơm, hành lá và rau cần chần tái. Nước dùng có vị thanh, ngọt dịu và được phục vụ thêm một rổ rau sống nhỏ. Chừng đó thôi cũng khiến thực khách là người dân xa quê trở về, du khách đến đền Trần hành hương hay người địa phương ăn uống ngon lành và hứng thú giữa tiết trời lạnh.

Giá mỗi bát bún từ 40.000 đồng. Ban đầu, bún cá chỉ gồm cá trôi thái mỏng, tẩm ướp, chiên giòn, có thể nhai được cả xương và không bị ỉu hay bở dù ngập lâu trong nước dùng. Nhưng sau này, để chiều lòng thực khách, các hàng quán bắt đầu bán thêm các loại “topping” khác như thịt viên, mọc hay sườn sụn.

 

Bún Đũa

 

 

Một tô bún đũa đặc trưng nhất là nước dùng, nó vừa có vị chua chua mà lại ngọt của gạch cua đỏ au tạo nên độ đậm đà và dậy mùi khó cưỡng. Chẳng cần cầu kỳ, thực khách cũng vô cùng đa dạng từ già đến trẻ, từ học sinh đến công nhân, viên chức,… đều yêu thích món ăn này. Nồi nước dùng lúc nào cũng đầy ắp riêu cua, màu vàng của đậu phụ, mỡ phi hành tạo nên màu sắc vô cùng bắt mắt mà bất cứ ai đến du lịch Nam Định đều muốn thử.

 

 

Bánh mì cầu Đò Quan

 

 

Bánh mì cầu Đò Quan cũng được người dân địa phương yêu thích, nằm ngay chân cầu Đò Quan, có giá từ 10.000 đồng một chiếc, gồm bánh mì vỏ giòn, nhân pate, ruốc. Bạn cũng có thể gọi thêm nhân bánh như trứng tráng với pate, thịt xíu… Có thể ngồi ăn ngay tại quán và uống thêm nước sữa đậu.

 

Bánh xíu páo

 

 

Bánh xíu páo đã theo chân người Hoa đến Nam Định từ lâu. Chiếc bánh giản dị, trông qua giống một chiếc bánh bao chiên nhưng nhân như bánh nướng và vỏ ngoài tựa bánh pía Sóc Trăng. Nguyên liệu làm bánh chủ yếu gồm bột mì, thịt, trứng, bột, mỡ lợn và một số gia vị đặc trưng tùy theo cách làm gia truyền. Để bánh ngon, người ta thường ướp thịt lợn thăn với tỏi băm nhỏ, ngũ vị hương, dầu hào, mật ong rồi đem rán cho đến khi chuyển sang màu cánh gián và thơm nức. Thịt xá xíu được cắt hột lựu trộn cùng với mộc nhĩ, mỡ lợn và nửa quả trứng gà luộc làm nhân. Bánh khi nướng được quết một lớp dầu và trứng để bánh chín đều và không bị cháy. Người nặn bánh cũng phải rất cầu kỳ và có kỹ thuật để bánh tạo ra từng lớp mỏng.

 

Nem nắm Giao Thủy

 

 

Để có món nem ngon đúng điệu, người làm phải chọn thịt lợn ngon, không dính gân, mỡ, sau khi mua về được nhúng nước sôi cho chín tái để giữ vị ngọt. Thính đạt chuẩn không quá cháy, màu vàng đẹp. Bì lợn cạo sạch lông, luộc chín rồi sắt sợi nhỏ như sợi mỳ. Sau khi có các nguyên liệu cần thiết, người ta trộn thịt, bì, thính cùng nước mắm ngon, tỏi, tiêu, ớt, bóp sao cho quyện đều vào nhau, vo thành nắm tròn và gói lại, chẳng cần cho vào tủ lạnh cũng có thể để được mấy ngày. Nem khi ăn, chỉ cần lấy lượng vừa đủ, gói thành miếng nhỏ vừa miệng kẹp chung với lá sung, đinh lăng.

 

Bánh cuốn làng Kênh

 

 

Người làng Kênh vẫn truyền cho con cháu kinh nghiệm tráng bánh ngon. Gạo làm bánh là loại dẻo, bột không được ngâm quá lâu vì bánh sẽ chua, nhão, khi tráng thoa một lớp bột mỏng nhưng đều. Muốn bánh có độ dai, mỏng và giòn, để lâu bánh không bị cứng thì khi pha bột bánh thêm một lượng nhỏ bột dong. Ngày nay, khi ăn người ta thường cho thêm vài lát chả quế thơm vào cho đậm vị.

 

Xôi cá rô 

 

 

Xôi cá rô là thứ quà sáng dân dã, kết hợp hài hòa của cá rô đồng và gạo nếp. Theo kinh nghiệm dân gian, vào mùa mưa, cá rô đồng thịt ngon, khỏe và đầy bụng trứng, rất phù hợp để chế biến món xôi cá rô đặc sản. Lúc này, người dân thường ra đồng, tìm kênh rạch, ruộng, mương để bẫy bắt cá.

 

 

 

Tham khảo nguồn: https://vnexpress.net/cam-nang-du-lich-nam-dinh-4462699.html

 

 

Đọc sách

Nhận xét

Bình luận

Greenbooks liên quan