[ĐỀ CỬ TOP 63 TỈNH THÀNH] SƠN LA – Top 10 địa điểm du lịch Sơn La nổi tiếng

Nội dung chính

Cao nguyên Mộc Châu

Mộc Châu là mảnh đất lành, mang một vẻ đẹp bình dị, mộc mạc, đậm nét đặc trưng của vùng núi phía Tây Bắc. Được xem là điểm đến thu hút nhất tỉnh bởi vẻ đẹp đáo, điểm chụp ảnh đẹp tại Sơn La. Đây là vùng đất bạn có thể đến bất kỳ mùa nào trong năm đều được, vì mỗi mùa ở Mộc Châu lại có một sức hấp dẫn riêng. Tuy nhiên, mùa Mộc châu đón nhiều khách du lịch nhất là vào khoảng những tháng cuối đông đến đầu xuân.

Hoa cải trắng Mộc Châu

Cuối tháng 11 đến đầu tháng 12 hàng năm là mùa hoa cải trắng. Đến cuối tháng 12 sang tháng 1 năm sau là mùa của những bông hoa mận, hoa mơ trắng tính, phủ kín những triền đồi, sườn núi. Từ tháng 1 đến tháng 3, bạn có thể xách dỏ đến các vườn dâu tây để thăm và thu hoạch dâu tây tại vườn cùng bà con Mộc Châu.

Hoa mận nở trắng các triền đồi

Sang tháng 3 – tháng 4, hòa cùng với không khí ngập tràn khắp vùng Tây Bắc, những sắc hoa ban Mộc Châu nở trắng khắp các cánh rừng. Vẻ đẹp ấy được ví như sự tinh tế, dịu dàng, e ấp của những cô gái vùng Tây Bắc, đã đi vào thơ, ca, nhạc, họa của nhiều nghệ sĩ.
Tháng năm đến Mộc Châu là mùa mận chín, những trái Mận Hậu căng mọng, to tròn, sai trĩu. Một trải nghiệm thu hoạch Mận Hậu tại Mộc Châu sẽ kiến bạn nhớ mãi không quên. Hiện nay, có 3 khu trồng mận lớn tại Mộc Châu mà bạn có thể mua vé vào thăm quan thưởng thức là thung lũng mận Nà Ka, rừng mận Mu Náu và Phiêng Khoang.

Thung lũng mận Nà Ka

Tháng 6 và tháng 7 là lúc người dân Mộc Châu thu hoạch Đào Mèo. Tháng 8, tuy là không hoa, nhưng Mộc Châu vẫn đẹp bởi sự bình yên, những đồi chè xanh mướt chìm trong màn sương mờ ảo, lúc này Mộc Châu như nàng công chúa đang say giấc. Chờ đến tháng 8, đến Mộc Châu bạn có thể được tận tay hái những trái bơ, trái hồng.

Ngoài những điểm du lịch theo mùa, Mộc Châu cũng có những điểm du lịch mà bạn có thể đến bất cứ lúc nào như: Những đồi chè Mộc Châu xanh mướt, Khu di tích Hang Dơi, Khu di tích đoàn binh Tây Tiến, đỉnh Pha Luông, Ngũ động Bản Ôn, rừng thông Bản Áng, Thác Dải Yếm, Thác Chiềng Khoa, trang trại bò Mộc Châu…
Khu di tích quốc gia đặc biệt Nhà Tù Sơn La

Di tích quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La còn có tên gọi khác là “địa ngục trần gian” của vùng Tây Bắc này. Nằm ở giữa lòng thành phố Sơn La có một quả đồi gọi là Khau Cả, năm 1908 thực dân Pháp đã xây dựng lên nhà tù Sơn La nhằm giam cầm những người hoạt động cách mạng ở Việt Nam.
Khác với những nhà từ khác, thực dân Pháp không phải dùng nhiều vũ lực mà lợi dụng chốn “Rừng thiêng nước độc”, cái thời tiết hết sức khắc nghiệt và môi trường sống hết sức chật hẹp và bẩn thỉu nhằm giam cầm, dày ải, thủ tiêu ý chí đấu tranh của người làm cách mạng. Cái thời tiết khắc nghiệt, mùa đông phòng giam lạnh như băng giá, mùa hè nóng như chảo lửa, các loại dịch bệnh như phù thũng, thương hàn, sốt rét hoành hành như một loại vũ khí tàn ác, giết dần, giết mòn tù nhân.

Khu di tích quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La

Từ năm 1930- 1945, nơi đây đã giam giữ 1.007 lượt tù nhân cộng sản, nhưng đây cũng chính là trường học cách mạng, nơi ươm mầm “hạt giống đỏ” của cách mạng Việt Nam. Trong đó có những gương mặt quen thuộc của cách mạng Việt Nam như bác Lê Duẩn, Trường Chinh, Nguyễn Lương Bằng, Lê Đức Thọ, Văn Tiến Dũng và nhiều chiến sĩ khác.
Du lịch lòng hồ thủy điện Sơn La

Thủy điện Sơn La được xây dựng trên sông Đà, khởi công vào năm 2005 và khánh thành vào năm 2012. Sau khi được hình thành, thủy điện Sơn La đã tạo nên một hồ thủy điện lớn với chiều dài hơn 150Km, diện tích rộng khoảng 16.000 ha, đã tạo nên một tiềm năng lớn cho việc khai thác phải triển du lịch lòng hồ. Nhiều bản làng dân tộc đã bắt tay vào xây dựng mô hình Hợp Tác Xã du lịch như, bản Bon, bản Nà Tấu,..

Lòng hồ thủy điện Sơn La

Là vùng nhiều dân tộc cùng sinh sống, các dân tộc vùng lòng hồ Thủy điện Sơn La có nhiều lễ hội truyền thống độc đáo như: Lễ hội Gội đầu của người Thái trắng Quỳnh Nhai, lễ hội Xên Pang Ả của dân tộc Kháng, lễ mừng cơm mới, lễ hội đua thuyền,… Du lịch lòng hồ  Thủy điện Sơn La sẽ là trải nghiệm thú vị cho những bạn ưa thích khám phá, muốn tìm hiểu văn hóa dân tộc của đồng bào dân tộc vùng cao Sơn La.
Thiên đường săn mây Tà Xùa

Được biết đến, là điểm săn mây cực kỳ lý tưởng. Tà Xùa nằm ở độ cao từ 1.500-1.800 mét so với mặt nước biển nên Tà Xùa có khí hậu mát mẻ quanh năm. Từ tháng 1 đến tháng 3 hàng năm là thời điểm thích hợp nhất đi săn mây.

Săn mây tại Tà Xùa

Đến Tà Xùa, bạn có thể chụp những bức ảnh tuyệt đẹp tại sống lưng Khủng Long ở Háng Đồng, mỏm đá Đầu Rùa, khu rừng nguyên sinh Tà Xùa, cây táo mèo cô đơn,…
Ngã ba Cò Nòi huyền thoại

Ngã ba Cò Nòi là nơi giao nhau giữa Quốc lộ 37 và Quốc lộ 6 thuộc địa phận xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La. Cách đây 60 năm về trước, nơi này là một “yết hầu” mà quân Pháp quyết liệt ngăn chặn hòng cắt đứt con đường vận tải, tiếp tế về mọi mặt cho chiến trường Điện Biên Phủ.

Di tích lịch sử Ngã Ba Cò Nòi – Yết hầu của chiếng trường Điện Biên Phủ.

Tại đây, máu của hàng trăm cán bộ, chiến sĩ, thanh niên xung phong và nhân dân đã đổ xuống nơi “túi bom” này, viết lên khúc tráng ca bất diệt cho thắng lợi lịch sử Điện Biên Phủ “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Bản Mòng

Bản Mòng là nơi cư trú của hơn 106 hộ dân tộc Thái, sinh sống chủ yếu bằng nghề trồng lúa nước, chăn nuôi và dệt, thêu thổ cẩm. Các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Thái như trang phục, trang sức, ẩm thực, lễ hội truyền thống, các làn điệu dân ca, dân vũ… vẫn được gìn giữ nguyên vẹn, hình thành nên tập quán riêng trong đời sống sinh hoạt, lao động sản xuất hàng ngày. Bản Mòng còn hấp dẫn du khách bởi có nguồn nước khoáng nóng dồi dào.

Khung cảnh bình yên của bản Mòng

Với phong cảnh hữu tình cùng những dãy núi nhấp nhô, trùng điệp, dòng sông Nậm La xinh đẹp, uốn lượn, Bản Mòng Sơn La là nơi thu hút khách du lịch bởi vẻ đẹp đậm chất núi rừng của vùng Tây Bắc. Đây không chỉ là điểm đến cho những tâm hồn yêu thiên nhiên mà còn là nơi dành cho những ai yêu thích và muốn tìm hiểu về nét đẹp của đồng bào dân tộc Thái.
Cánh đồng Mường Tấc

Từ xa xưa người dân Tây Bắc đã có câu nói: “Nhất Thanh, Nhì Lò, Tam Than, Tứ Tấc”. Câu này có ngụ ý  xếp hạng các cánh đồng lúa của vùng núi Tây Bắc. Trong đó lớn nhất là cánh đồng Mường Thanh (Điện Biên), rồi đến cánh đồng Mường Lò (Yên Bái); cánh đồng Mường Than (Lai Châu), cánh đồng Mường Tấc ở Sơn La.

Cánh đồng Mường Tấc

Cánh đồng Mường Tấc rộng đến 1.600ha, kéo dài dọc theo con suối Tấc, ôm trọn ba phía thị trấn Phù Yên với những thửa ruộng bậc thang uốn lượn, được chăm chút, giữ gìn từ đời này qua đời khác, tô điểm thêm cho vẻ đẹp hiền hậu, quyến rũ của thị trấn huyện vùng cao.
Hồng Ngài – Hang A Phủ

Hồng Ngài là một xã thuộc huyện Bắc Yên của tỉnh Sơn La. Dân số huyện Bắc Yên đa phần là đồng bào người H’Mông. Tác phẩm “Vợ chồng A Phủ” do nhà văn Tô Hoài viết năm 1952 được xây dựng từ những nguyên mẫu có thật trong đời sống xã hội thời bấy giờ ở Tường Sơn, Châu Phù Yên (cũ) thuộc huyện vùng cao Bắc Yên, tỉnh Sơn La.

Hồng Ngài quê hương của “Vợ chồng A Phủ”

Ngày nay, những nét đặc sắc về cuộc sống hoang sơ, hòa hợp cùng thiên nhiên núi rừng Tây Bắc vẫn còn lưu giữ. Hồng Ngài hiện có 71 ngôi nhà trình tường rất đẹp. Vào Hồng Ngài, bạn nên nhờ dân bản chỉ đường lên thăm hang A Phủ, được xem là nơi vợ chồng A Phủ từng trốn khỏi ách của cha con thống lý Pá Tra.
Bản Lướt – Mường La

Bản Lướt thuộc xã Ngọc Chiến, huyện Mường La của tỉnh Sơn La. Nằm ở độ cao trên 1.800 m so với mặt nước biển, nơi đây có khí hậu trong lành, mát mẻ được coi như một Đà Lạt thu nhỏ, Bà Nà của Đà Nẵng và Sapa của Lào Cai. Thêm vào đó cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, hùng vĩ, cùng các mó nước khoáng nóng tự nhiên đã tạo cho bản Lướt lợi thế phát triển du lịch.

Tắm nước nóng tại Ngọc Chiến – Mường La

Những ngôi nhà sàn ở Bản Lướt thường có phần mái lợp gỗ Pơ Mu hàng trăm năm tuổi, con người thân thiện và những bản sắc văn hóa độc đáo được đồng bào các dân tộc giữ gìn là điều kiện thuận lợi phát triển du lịch cộng đồng.
Đèo Pha Đin

Là một trong những “Tứ Đại Đỉnh Đèo” của Việt Nam, Đèo Pha Đin hay còn gọi là Phạ Đin, có chiều dài khoảng 32Km, nằm ở ranh giới giữa hai tỉnh Sơn La và Điện Biên. Pha Đin tiếng Thái gọi là “Phạ Đin”, trong đó Phạ là “trời”, Đin là “đất” có nghĩa là nơi giao thoa giữa đất và trời.

Đèo Pha Đin – Một trong “Tứ đại đỉnh đèo” của Việt Nam

Trong bài thơ “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên” của nhà thơ Tố Hữu có câu thơ: “Dốc Pha Đin, chị gánh anh thồ”. Khởi nguồn cho câu thơ đó chính là cuộc kháng chiến chống Pháp của quân và dân ta, đèo Pha Đin lúc bấy giờ là một tuyến giao thông huyết mạch để vận chuyển vũ khí, lương thực cho Chiến dịch Điện Biên Phủ (năm 1954) của Quân đội ta.

 

Tham khảo nguồn: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/10-dia-diem-du-lich-hap-dan-cua-son-la-ban-co-biet-44693

 

Đọc sách

Nhận xét

Bình luận

Greenbooks liên quan