[ĐỀ CỬ TOP 63 TỈNH THÀNH] THỪA THIÊN HUẾ- Top 12 điểm tham quan nổi tiếng

Nội dung chính

Chợ Đông Ba

Hình thành từ năm 1899, chợ Đông Ba là một trong những biểu tượng của đất cố đô, vốn quanh năm tấp nập người mua kẻ bán. Chợ kéo dài từ cầu Gia Hội tới cầu Trường Tiền với hàng ngàn gian hàng. Bước vào chợ, bạn sẽ thấy không khí đầy màu sắc của một khu chợ Huế. Du khách tới đây thỏa sức tìm ăn món ngon, hoặc dạo quanh các hàng quần áo, vải, mũ nón, các loại mắm, bánh trái chỉ có ở Huế để mua đem về.

 

 

Chợ bán từ 7h sáng tới chiều muộn nên du khách có thể ghé lúc nào tùy thích. Tuy nhiên sau 16h có nhiều hàng ăn vặt mở cửa hơn. Khi mua hàng có thể mặc cả.

 

Quốc học Huế

 

 

Đây là trường trung học đầu tiên của Huế xây từ thời vua Thành Thái, vào năm 1896. Hiện trường nằm ở số 12 đường Lê Lợi, ngay trung tâm. Trường nổi bật với màu sơn đỏ rực rỡ và những hàng cây cổ thụ xanh mướt quanh năm. Khuôn viên Quốc học Huế rất rộng nên bạn cứ thư thả đi dạo các hành lang, lớp học, sân trường, tham quan những kiến trúc Pháp xưa và chụp hình lưu niệm.

 

 

Bạn ghé trường vào buổi trưa như 11h30 hoặc sau 17h để tham quan và chụp ảnh lúc vắng học sinh. Trường có nhiều cây lớn rất mát mẻ, nếu đi vào sáng sớm có thể bảo vệ không cho vào vì trong giờ học của học sinh. Phí gửi xe vào trường là 5.000 đồng.

 

Cầu Trường Tiền

 

 

Bắc qua sông Hương, cầu Trường Tiền vốn là hình ảnh mà nhắc tới Huế ai cũng nhớ. Nếu ban ngày chỉ trầm ngâm in bóng xuống dòng Hương thì chiều muộn và tối đến, cầu lại được tô điểm bằng ánh đèn màu lấp lánh rất nổi bật. Tối đến, du khách tham quan cầu Trường Tiền nên kết hợp đi bộ dạo dọc bờ sông Hương, chiều hoặc tối sẽ có thêm các hàng quán ăn vặt thu hút khách.

 

Sông Hương

 

 

Sông Hương uốn lượn quanh co giữa núi rừng, lướt qua các làng mạc từ Kim Long, Vĩ Dạ đến Ðông Ba, Gia Hội, Nam Phổ… quyện theo mùi thơm của các loài hoa xứ Huế. Có dịp bạn hãy du ngoạn trên sông bằng thuyền để được ngắm cảnh Hương giang thơ mộng.

Nếu muốn ngắm thành phố lung linh ánh đèn từ dòng Hương, du khách có thể lên thuyền rồng và thưởng thức “đặc sản” ca Huế. Ca Huế là sự giao thoa, tiếp thu văn hóa giữa nhã nhạc cung đình và ca hát dân gian. Một dàn ca Huế chuẩn thường chỉ có một người ca cùng bộ đàn 5 cây. Dàn đàn đệm càng nhiều màu sắc càng tôn cho giọng ca. Giá vé chương trình nghe ca Huế trong khoảng 1 tiếng trên sông Hương dao động từ 100.000 – 150.000 đồng một người.

 

Đồi Vọng

 

 

Đồi Vọng Cảnh cao 43 m, tọa lạc ở phía Tây Nam TP Huế. Chân đồi tiếp giáp bờ sông Hương, lại nằm trên cung đường có nhiều điểm đến như làng hương Thủy Xuân, lăng vua Tự Đức, lăng Thiệu Trị… nên từ lâu đã trở nên nổi tiếng và là điểm dừng chân của nhiều du khách.

Thời điểm thích hợp nhất để đến Vọng Cảnh là vào hoàng hôn, ngắm nhìn sông Hương đỏ lên dưới ánh mặt trời cùng những chiếc thuyền rồng nhẹ trôi, xa xa là núi đồi.

 

Đại Nội Huế

 

 

Đại Nội Huế có hơn 100 công trình kiến trúc nổi bật như Ngọ Môn, Điện Thái Hòa, Cung Diên Thọ, Cung Trường Sanh, Hưng Miếu, Thế Miếu… Quần thể công trình cổ kính này được bố trí theo nguyên tắc “tả nam hữu nữ”, “tả văn hữu võ”, tính từ trong ra. Ngay cả các miếu thờ cũng có sự sắp xếp theo thứ tự “tả chiêu hữu mục” (trái trước, phải sau, lần lượt theo thời gian).

Vì khuôn viên Đại Nội Huế rất rộng cũng như tiết trời nắng nóng mùa hè, bạn nên đến từ sáng sớm ngay khi mở cửa lúc 7h và mang theo mũ, nón tránh nắng. Bạn cần ít nhất 3 tiếng tham quan khu di tích. Vé vào Đại Nội giá 200.000 đồng một người. Khi ghé thăm các điểm tham quan tại Huế, du khách có thể thuê áo Nhật Bình chụp ảnh để hóa thân thành hậu, phi, công chúa thời xưa.

 

Nhà thờ Phủ Cam

 

 

 

Nằm ở số 1 đường Đoàn Hữu Trưng, công trình kiến trúc độc đáo là điểm “sống ảo” đẹp như trời Âu. Trải qua thăng trầm lịch sử, nhà thờ Phủ Cam được cho là đẹp nhất xứ Huế này đã có trên dưới 10 lần xây dựng lại kể từ năm 1682.

Nhà thờ nằm trên đồi Phước Quả, chánh tòa và hai tháp chuông vươn lên trời cao rất bề thế, uy nghiêm. Bên trong nhà thờ là thánh đường rộng rãi, thoáng đãng có thể chứa tới 3.000 người cùng lúc. Vì nhà thờ Phủ Cam là địa điểm tôn giáo nên bạn cần ăn mặc lịch sự, giữ yên tĩnh khi tham quan và chụp ảnh.

 

Làng hương Thủy Xuân

Trên đường đến thăm đồi Vọng Cảnh, lăng Tự Đức, du khách sẽ đi qua làng hương Thủy Xuân, cách trung tâm TP Huế khoảng 7 km. Nơi này gây ấn tượng với du khách bởi những bó chân hương rực rỡ như những bông hoa đủ màu sắc.

 

Ngoài chụp những bức hình nghệ thuật, du khách có thể trò chuyện cùng những người làm hương, để hiểu hơn về Huế, về nét văn hóa truyền thống này.

 

Tham quan các Lăng tẩm

Triều Nguyễn có 13 vua, nhưng do các lý do kinh tế và chính trị nên chỉ có 7 khu lăng tẩm được xây dựng, tất cả đều còn lại đến ngày nay với các lối kiến trúc riêng. Các lăng tẩm Huế được xây dựng từ khi vua còn tại vị nên đây không phải là chốn mộ địa u buồn mà có phong cảnh hữu tình với kiến trúc đặc sắc.

Lăng Gia Long (hay Thiên Thọ Lăng) được xây dựng từ năm 1814 đến năm 1820, nằm giữa quần thể núi Thiên Thọ thuộc xã Hương Thọ, huyện Hương Trà,. Đây là nơi yên nghỉ của vua Gia Long (1762 – 1820), vị vua đầu tiên trong số 13 đời vua nhà Nguyễn.

Lăng Gia Long có chu vi hơn 11.000 mét, trước mặt có núi Đại Thiên Thọ làm tiền án, mỗi bên có 14 ngọn núi chầu vào tạo thành thế “tả thanh long” và “hữu bạch hổ”. Ảnh: Ngô Trần Hải An

 

Lăng Khải Định nằm ở triền núi Châu Chữ thuộc xã Thủy Bằng, thị xã Hương Thủy, là nơi an nghỉ của vua Khải Định (1885 – 1925). Lăng Khải Định là công trình có diện tích nhỏ nhất nhưng lại tốn công sức và tiền của nhất trong các lăng tẩm triều Nguyễn. Kiến trúc lăng có sự giao thoa của hai nền văn hoá Đông – Tây, phản ánh sở thích xa hoa của nhà vua lúc sinh thời.

 

Lăng Khải Định được xây trong 10 năm, từ 1920 đến 1930. Ảnh: Ngô Trần Hải An

 

Lăng Tự Đức hay Khiêm Cung nằm trong một thung lũng hẹp ở thôn Thượng Ba, phường Thủy Xuân, TP Huế. Lăng có kiến trúc cầu kỳ, phong cảnh sơn thủy hữu tình và là một trong những lăng tẩm đẹp nhất của hoàng gia triều Nguyễn.

Lăng được xây dựng từ năm 1864 đến năm 1867 trên diện tích 475 ha. Gần 50 công trình trong lăng ở hai khu vực tẩm điện và lăng mộ đều có chữ Khiêm trong tên gọi.

Lăng Tự Đức mang yếu tố khoáng đạt, đường nét mềm mại phản ánh tâm hồn lãng mãn của vị vua thi sĩ này. Ảnh: Ngô Trần Hải An

Trong khuôn viên lăng Tự Đức còn có Lăng mộ Kiến Phúc, vị vua thứ 7 của triều Nguyễn. Kiến Phúc là cháu được vua Tự Đức nhận làm con, lên ngôi vua tháng 12/1883 sau vua Dục Đức và Hiệp Hòa.

 

Lăng Dục Đức (hay An Lăng) tọa lạc ở phường An Cựu, thành phố Huế. Lăng xây dựng vào năm 1889 và là nơi an tang các vua Dục Đức, vua Thành Thái và vua Duy Tân.

So với lăng tẩm khác của các vua nhà Nguyễn, lăng Dục Đức có kiến trúc đơn giản và khiêm tốn. Lăng lấy đồi Phước Quả làm tiền án, núi Tam Thai sau lưng làm hậu chẩm và dòng khe chảy vòng qua trước mặt làm minh đường tụ thủy.

Khuôn viên lăng Dục Đức nhìn từ trên cao. Ảnh: Ngô Trần Hải An

 

Lăng Minh Mạng còn được gọi là Hiếu Lăng, lăng có cổng chính là Đại Hồng Môn, chỉ mở một lần để đưa quan tài của vua vào trong lăng. Sau đó, việc ra vào phải qua hai cổng phụ là Tả Hồng Môn và Hữu Hồng Môn. Lăng có khung cảnh thơ mộng và hữu tình, xen giữa các công trình kiến trúc cổ đều có hồ nước trong xanh, mùa hè sen nở thơm ngát.

Lăng Minh Mạng được xây 3 năm (1840 – 1843) và cần tới 10.000 thợ và lính mới hoàn thiện. Ảnh: Ngô Trần Hải An

 

Lăng Đồng Khánh, nằm trong quần thể di tích cố đô Huế, là nơi an táng vua Đồng Khánh. Công trình nằm giữa một vùng quê nay là thôn Thượng Hai, phường Xuân Thủy, TP Huế. Vua Đồng Khánh (1864 – 1889) tại vị từ năm 1885 – 1889, tên húy Nguyễn Phúc Ưng Đường là vị vua thứ 9 của nhà Nguyễn. Lăng vua Đồng Khánh mang đến lối kiến trúc phong kiến truyền thống và cả phần ảnh hưởng nét kiến trúc Tây Âu.

 

Lăng Đồng Khánh hiện cũng là nơi chôn cất phần mộ vua Hàm Nghi (1874 – 1944). Ảnh: Ngô Trần Hải An

 

Cung An Định

 

 

Được ví von như là “cung điện mùa hè” của triều đình Huế, cung An Định mang dáng dấp như một tòa lâu đài châu Âu cổ kính tráng lệ, nhưng lại mang họa tiết hoa văn truyền thống cung đình Huế. Cung An Định được đánh giá là công trình kiến trúc nghệ thuật đặc sắc, đại diện trường phái kiến trúc tân cổ điển ở Việt Nam đầu thế kỉ 20.

 

Chùa Thiên Mụ

 

 

Cách Đại Nội và trung tâm TP Huế khoảng 5 km về phía tây, chùa Thiên Mụ nằm trên đồi Hà Khê, phường Kim Long, hướng mặt ra sông Hương êm đềm. Du khách đến chùa Thiên Mụ có thể tham quan tòa tháp 7 tầng Phước Duyên, điện Đại Hùng, vườn cây, rừng thông và khu trưng bày di vật của hòa thượng Thích Quảng Đức.

Nếu còn thời gian, bạn nên cân nhắc tham quan thêm chùa Huyền Không Sơn Thượng. Tham quan các ngôi chùa thường không mất phí, tuy nhiên để giữ không gian thanh tịnh, du khách chú ý ăn mặc lịch sự, không làm ồn.

 

Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã

Đi khỏi trung tâm thành phố khoảng 30 km, bạn đến xứ Truồi, đi vào Đập Truồi, vượt hết dốc thoải bên lưng đồi, sẽ thấy thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã soi bóng xuống hồ Truồi. Ngồi trên những con suồng nhỏ qua hồ, bạn sẽ đến thiền viện. Để lên tam quan, bạn phải leo 172 bậc. Kiến trúc thiền viện hài hoà giữa sơn thủy, với chính điện thờ Phật tổ ngồi tu niệm dưới gốc cây bồ đề.

 

Chùa Từ Hiếu

 

 

Chùa Từ Hiếu từng là nơi Thiền sư Thích Nhất Hạnh tịnh dưỡng trước khi viên tịch. Đây là một trong những ngôi chùa cổ có từ triều Nguyễn, nằm ở đường Lê Ngô Cát, phường Thủy Xuân. Ngôi chùa mang nét cổ kính, nằm ẩn trong một rừng thông rộng lớn, với khe nước uốn quanh. Du khách tới đây đều ấn tượng với vẻ thanh bình, tĩnh tâm.

Tới đây du khách đừng quên thăm bảo tháp cổ, nơi chôn cất các vị hòa thượng có công xây dựng nên chùa Từ Hiếu, hay khu lăng mộ riêng biệt chôn cất các vị thái giám triều Nguyễn xưa kia góp tiền xây dựng chùa.

 

Tham khảo nguồn: https://vnexpress.net/cam-nang-du-lich-hue-4126937.html

 

Đọc sách

Nhận xét

Bình luận

Greenbooks liên quan