[ĐỀ CỬ TOP 63 TỈNH THÀNH] THỪA THIÊN HUẾ – Top phim điện ảnh nổi tiếng lấy bối cảnh tại Huế

Nội dung chính

Phim điện ảnh “Mắt biếc” – Cây cô đơn

 

Phim Mắt biếc có bối cảnh trọng tâm tại “cây cô đơn” ở làng Hà Cảng, xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền.

 

Cây giờ được người dân làng đặt tên là “cây mắt biếc”, có biển chỉ dẫn tại đầu làng. Cây cô đơn vốn là vông đồng cổ thụ (tên khác là ngô đồng, mã đâu, bã đậu…) 45 năm tuổi đời, là nơi nghỉ mát của người dân trong làng mỗi trưa hè làm đồng. Xung quanh cây là những ruộng mía và cánh đồng lúa ngút ngàn. Điều đáng tiếc là mùa mưa bão năm 2020 khiến nhiều nhánh cây bị gãy đổ. Ảnh: Vicxto

 

Đồi Vọng Cảnh cũng là một địa điểm xuất hiện trong phim Mắt biếc trong cảnh quay của nhân vật Ngạn và Trà Long.

 

Ngọn đồi cao 43 m, bao phủ trong rừng thông, tiếp giáp bờ sông Hương, lại nằm trên cung đường có nhiều điểm đến như làng hương Thủy Xuân, lăng vua Tự Đức, lăng Thiệu Trị… nên từ lâu đã trở nên nổi tiếng và là điểm dừng chân của nhiều du khách. Đây là địa điểm yên tĩnh, lãng mạn cho các cặp đôi ngắm nhìn sông Hương vào chiều hoàng hôn. Ảnh: Hùng Võ

Lăng Khải Định xuất hiện trong cảnh quay của Hà Lan và Dũng trong phim Mắt biếc.

 

Đây là nơi chôn cất vua Khải Định, vị vua thứ 12 và được mệnh danh là vị vua “tân thời” nhất của triều Nguyễn. Quy mô của lăng khiêm tốn nhưng công phu do sử dụng đồ gốm sứ, thuỷ tinh, gạch ngói… đều chuyển từ nước ngoài về. Di tích là sự giao thoa của văn hoá Đông – Tây, thể hiện rõ ảnh hưởng của nhiều trường phái kiến trúc quốc tế như Ấn Độ, Pháp… hoà hợp với kiến trúc Việt. Ảnh: anhtai.bber/Instagram

 

Phim điện ảnh “Gái già lắm chiêu”

 

Hoàng Thành Huế xuất hiện trong phim Gái già lắm chiêu 5 với nhiều cảnh quay tại Trường Lang, cổng Ngọ Môn, lầu Ngũ Phụng.

 

Tiêu biểu là cổng Ngọ Môn, nơi mà hầu như du khách nào cũng muốn check-in khi tới Huế. Đây là công trình kiến trúc nghệ thuật đặc sắc của triều đại Nguyễn, một trong những biểu tượng quan trọng của hệ thống kinh thành Huế.. Đường dẫn vào điện Thái Hòa được tô điểm bởi 2 bên hồ sen Thái Dịch. Ảnh: Trân Ơi

Cung An Định là bối cảnh chính của phim Gái già lắm chiêu 5.

 

Trong phim, địa danh này được biến hoá thành một vườn bạch trà viên đầy bí ẩn, nơi ở của 3 chị em nhân vật chính. Di tích được xây dựng từ năm 1902, vốn là phủ riêng của vua Khải Định khi ông còn là thái tử. Được ví von như là “cung điện mùa hè” của triều đình Huế, cung An Định mang dáng dấp như một tòa lâu đài châu Âu cổ kính tráng lệ, nhưng lại mang họa tiết hoa văn truyền thống cung đình Huế. Ảnh: Nguyễn Chí Nam

 

Phim điện ảnh “Kiều”

Làng cổ Phước Tích bên dòng Ô Lâu là địa danh xuất hiện trong phim điện ảnh Kiều.

 

Phước Tích là làng cổ thứ hai được xếp hạng “di tích quốc gia” sau làng cổ Đường Lâm (Hà Nội). Nơi đây lưu giữ 27 ngôi nhà cổ, đa số là nhà rường ba gian hai chái và 10 nhà thờ họ cổ. Trải nghiệm được nhiều du khách ưa thích khi đến đây là đi thuyền trên sông Ô Lâu, thả đèn hoa đăng… Ảnh: Trân Ơi

 

Phim điện ảnh “Trạng Quỳnh” 

Chùa Huyền Không Sơn Thượng xuất hiện trong phim Trạng Quỳnh.

 

Chùa được xây vào năm 1989, toạ lạc tại thôn Chầm, phường Hương Hồ, thị xã Hương Trà. Huyền Không Sơn Thượng nằm ẩn sâu trong rừng thông xanh tươi khoảng 50 ha, bao quanh bởi những dãy núi, đường vào uốn lượn quanh co nên ít được du khách biết đến. Sau khi du khách vượt qua đoạn dốc cao, ngôi chùa hiện ra với phong cảnh hài hòa như bức tranh thủy mặc. Không gian ở đây yên tĩnh, âm thanh duy nhất nghe được là tiếng côn trùng kêu lao xao và chim hót líu lo. Cổng vào chùa được viết hai câu đối bằng chữ thư pháp. Ảnh: Ngân Dương

Lăng Tự Đức hay còn gọi là Khiêm Lăng là địa danh xuất hiện trong phim Trạng Quỳnh.

 

Khiêm Lăng ở phường Thủy Xuân, TP Huế là nơi chôn cất vua Tự Đức (1829 – 1883), vị vua có thời gian trị vì triều Nguyễn lâu nhất với 36 năm. Lăng có khuôn viên rộng lớn với suối chảy, thông reo, chim hót. Lăng tẩm vua Tự Đức nằm ở khu vực cao nhất, xung quanh được bao bọc bởi rừng thông cổ thụ, cây sứ. Ảnh: Võ Thạnh

 

Phim điện ảnh “Em và Trịnh

Cà phê Gác Trịnh là địa danh xuất hiện trong bộ phim Em và Trịnh.

 

Quán nằm ở tầng 2, số nhà 203/19, dãy nhà C, khu tập thể Nguyễn Trường Tộ. Tại căn gác nhỏ này, Trịnh Công Sơn đã sáng tác những bản nhạc đầu tiên của mình. Nơi đây lưu giữ lại những kỷ vật của ông cùng tranh ảnh lưu niệm bạn bè, gia đình ông tặng lại, trong đó có những kỷ vật quý như ảnh của danh ca Khánh Ly gửi tặng, hay lá thư tình ông viết cho Dao Ánh… Ảnh: Trần Việt Anh.

 

Trong phân đoạn Trịnh Công Sơn đi theo dấu chân Bích Diễm dưới mưa, khán giả có thể bất ngờ với hình ảnh một nhà thờ lạ lẫm. Thực tế, đây là hình ảnh cũ của nhà thờ Phủ Cam.

 

Hiện tại, nhà thờ đã được tu sửa và có hình dáng mới. Công trình có vị trí đẹp trên một ngọn đồi nhỏ có tên là Phước Quả ở bờ nam sông Hương. Đây là một trong những giáo đường lớn nhất, nổi tiếng nhất xứ Huế. Ảnh: Em và Trịnh, Hà Thành.

 

Chùa Diệu Đế xuất hiện trong một cảnh quay trên phim.

 

Chùa có khuôn viên rộng hơn 10.000 m2, nằm trên đường Bạch Đằng, phường Phú Cát, TP Huế. Diệu Đế từng là phủ và nơi sinh của vua Thiệu Trị. Năm 1844, nhà vua đã tôn tạo và sắc phong chùa làm Quốc tự. Với kiến trúc cổ kính, chùa Diệu Đế là một trong những di tích nổi tiếng của xứ Huế. Lễ tắm Phật, rước Phật của Phật giáo Huế được tổ chức tại chùa mỗi mùa Phật đản. Ảnh: Em và Trịnh, Võ Thạnh.

 

Trịnh Công Sơn và Dao Ánh cười đùa, ăn kem trước cửa Hiển Nhơn.

Cửa nằm ở phía đông của Hoàng Thành trên đường Đoàn Thị Điểm, TP Huế. Hiện tại cửa Hiển Nhơn chỉ dùng cho nhân viên trung tâm Bảo tồn Cố đô Huế ra vào, không mở cửa cho khách tham quan theo lối này, ngoại trừ những ngày lễ hội khi có nhiều du khách tham quan nhưng bạn vẫn có thể đứng trước cổng để chụp ảnh, chiêm ngưỡng hoa văn tinh xảo. Ảnh: Em và Trịnh, VnExpress Marathon.

 

Cầu Trường Tiền là một trong những biểu tượng du lịch của Huế,không thể bỏ qua khi đến thăm cố đô.

 

Cầu Trường Tiền bắc qua sông Hương, nằm giữa trung tâm TP Huế. Cây cầu hợp màu phim cũ, thường được các nhà làm phim ưu ái chọn làm điểm quay phim. Công trình hoàn thành năm 1899 dưới thời vua Thành Thái, dài khoảng hơn 400 m tính từ hai mố, lòng cầu rộng 6 m. Sáu nhịp và 12 vài kết với nhau thành 6 cặp. Ảnh: Em và Trịnh, Võ Thạnh.

 

Tham khảo nguồn: https://vnexpress.net/nhung-dia-danh-hue-hut-khach-hon-nho-len-phim-4442547.html

Đọc sách

Nhận xét

Bình luận

Greenbooks liên quan