[ĐỀ CỬ TOP 63 TỈNH THÀNH] YÊN BÁI – Top 6 lễ hội đặc sắc tại Yên Bái

Nội dung chính

Lễ hội múa Mỡi dân tộc Mường

Lễ hội múa Mỡi dân tộc Mường được tổ chức vào dịp đầu năm mới (mùng 3 tháng Chạp), tại thôn Ao Luông II, xã Sơn A, huyện Văn Chấn. Lễ hội là để con cháu cảm ơn tổ tiên một năm qua đã phù hộ, che chở cho con cháu làm ăn phát đạt, gặp nhiều may mắn, mưa thuận gió hoà, mùa màng tốt tươi, thóc lúa đầy bồ, con cháu mạnh khoẻ…

Theo một số người lớn trong làng nơi đây kể lại, lễ hội múa Mỡi đã có từ rất lâu rồi, không ai nhớ rõ là từ khi nào. Chỉ biết rằng hàng năm, cứ vào dịp đầu năm mới (mùng 3 tháng Chạp), mọi người tụ tập nhau lại để múa mời tổ tiên xuống trần gian vui chơi, nhảy múa cùng con cháu.

 

 

Điệu múa này được diễn ra tại nhà ông Mo lớn, Mo chủ (cầm thần) là ông Mo có uy tín nhất trong làng. Để chuẩn bị cho sự kiện này, trước nhà ông Mo sẽ dựng một cây nêu được trang trí rất nhiều họa tiết mang ý nghĩa tâm linh.

Lễ vật trong lễ hội múa Mỡi gồm có: Mâm lễ cúng (tiếng dân tộc Mường gọi là “Pán Cạo”) gồm có các lễ vật: 1 đầu lợn, bánh chay (pèng chay), bánh trưng (pèng chưng), bánh ống (pẻng ống), cơm, xôi, rau chay, măng, lá đu đủ, 1 nải chuối, rượu. Và một lễ vật có ý nghĩa rất quan trọng trong lễ hội này là cây bông, tiếng Mường gọi là “Cần Boồng”.

Bắt đầu vào lễ, thầy Mo mặc quần áo truyền thống, đầu quấn khăn Mơi, tay cầm quạt, ngồi giữa một chiếc chiếu trải ở khu vực trung tâm. Thầy Mo thay mặt tất cả mọi người tham gia trong lễ hội đứng trước mâm cúng khấn, lời khấn đại ý “Hôm nay ngày lành tháng tốt, bản mường tổ chức lễ hội múa Mơi, cảm ơn thần tiên, tổ tiên trong năm qua đã phù hộ cho con cháu một năm làm ăn gặp nhiều may mắn, mưa thuận gió hoà, mùa màng tốt tươi…”. Điệu múa này của thầy mo với đại ý là thần tiên đã nhập vào thầy để vui chơi cùng con cháu. Khi đã nhập vào, thầy mo sẽ múa điệu quay tròn lắc lư đầu, chân rung mạnh cảm giác như sắp bật khỏi mặt đất, thầy vừa múa nhập đồng miệng vừa lẩm nhẩm điệu hát.

Sau khi thầy mo nhập đồng xong mọi người bắt đầu vào màn múa đầu tiên theo nhịp gõ trống, chiêng, điệu múa trầu (hay còn gọi là múa nàng tiên). Điệu múa này là thầy mo mời các nàng tiên trên trời xuống để dự lễ hội múa vui cùng bà con dân bản. Tham gia điệu múa này chủ yếu là sáu nghệ nhân mặc trang phục truyền thống, khăn Mơi vắt qua vai, khi vào điệu múa khăn Mỡi sẽ được chuyển từ vai xuống tay thành đạo cụ múa.

Người Dao đỏ làm lễ Cấp sắc

Cấp sắc là một nghi lễ quan trọng không thể thiếu của người Dao đỏ để công nhận sự trưởng thành của một người đàn ông, một người phụ nữ. Cùng với nhiều người dân ở tỉnh Yên Bái chào đón năm mới, đồng bào Dao đỏ xã Phúc Lợi, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái tổ chức nghi lễ cấp sắc.

 

Chẩu chiếu (thầy cúng), người đảm nhận vai trò dẫn dắt và thực hiện các nghi thức trong Lễ.

Trong lễ này, sau bước báo cáo tổ tiên của các thầy cúng, tiếng trống chiêng của lễ cấp sắc đã vang lên để báo hiệu buổi lễ cấp sắc của gia đình đã bắt đầu. Các thầy cúng và các cặp vợ chồng là con cái trong gia đình chào hỏi nhau trước bàn thờ tổ tiên để bắt đầu các thủ tục của lễ.

Theo truyền thống của người Dao đỏ, một lễ cấp sắc có nhiều bậc: 3 đèn, 7 đèn, 12 đèn. Với lễ cấp sắc được tổ chức theo bậc 7 đèn trong thời gian 3 ngày, 3 đêm. Các nghi lễ chính trong lễ cấp sắc này gồm lễ trình diện, gia chủ mổ lợn để tế lễ tổ tiên. Các thầy cúng đánh trống mời tổ tiên về dự, báo cáo tổ tiên biết lý do của buổi lễ.

Sau một hồi các thầy khấn làm thủ tục, xin âm dương, thần linh, người được cấp sắc sẽ chính thức được đặt tên âm, được công nhận là người đã trường thành, được cả cộng đồng công nhận đủ uy tín để đảm đương những công việc lớn của gia đình và bản làng. Trong ngày đầu tiên của lễ cấp sắc, các cặp con cái trong gia đình được ăn một bữa cơm có đầy đủ rượu thịt, sau đó phải tắm rửa sạch sẽ để được mặc lễ phục mới của dân tộc và thực hiện ăn cơm chay đến hết lễ mới thôi.

 

Sau nghi thức đặt đèn các thầy cúng lần lượt đóng ấn cho người được cấp sắc. Ảnh: laodong.vn

 

Cấp sắc là một nghi lễ quan trọng không thể thiếu của người Dao đỏ để công nhận sự trưởng thành của một người đàn ông, một người phụ nữ. Đây cũng là một nghi lễ để cầu cuộc sống may mắn bình an, răn dạy con em đồng bào Dao đỏ phải biết hiếu thảo với ông bà cha mẹ, người thân.

Ông Triệu Tiến Kim, người thầy cả trong lễ cấp sắc tại gia đình ông Triệu Tiến Trường (xã Phúc Lợi, Lục Yên) cho biết: “Trong làng, nhà nhà phải gìn giữ bản sắc văn hoá dân tộc. Cấp sắc 7 đèn còn để cầu phúc, cầu lộc, cầu tài; trồng cây ngô, lúa, khoai, sắn, nuôi con lợn, con gà bình an. Hàng năm, quỷ thần không đền quấy rối vì có tiếng có tăm rồi, không dám đền quấy rối nhà mình nữa”./.

 

Lễ hội “Bung Lổ” của người Dao Họ

Lễ hội “Bung Lổ”, hay còn gọi lễ hội Cầu mưa truyền thống của người Dao Họ (Dao quần trắng) xã Đông An, huyện Văn Yên mang đậm giá trị văn hóa truyền thống độc đáo, làm nên bản sắc văn hóa đặc sắc của người Dao Họ.

 

Lễ hội “Bung Lổ” có ý nghĩa rất lớn trong đời sống tinh thần của người tộc Dao Họ

 

Dân tộc Dao từ xa xưa sống chủ yếu dựa vào ruộng, nương, tự cung tự cấp với phương thức canh tác cổ truyền dựa vào tự nhiên là chính. Trước đây, thời tiết hạn hán kéo dài, mùa màng thất thu từ 3 đến 5 năm, người Dao Họ trong xã lại họp nhau lại tổ chức Lễ hội “Bung Lổ”. Họ cầu trời đất, Ngọc Hoàng, Thiên Lôi và các đấng thần linh, tổ tiên, ông bà phù hộ cho dân làng một năm mới mưa thuận, gió hòa, làm ăn thuận lợi, mùa màng bội thu, thóc lợn đầy nhà, gà lợn đầy sân. Lễ hội Cầu mưa – “Bung Lổ” có qui mô toàn xã, do đó việc tổ chức được bàn bạc, thống nhất trong toàn xã.

 

Lễ hội “Bung Lổ” đã được rất nhiều thế hệ người Dao Họ gìn giữ và truyền lại

 

Sau khi thống nhất tổ chức lễ hội, dân làng quyết định chọn và tổ chức tại một gia đình trong xã. Gia đình được chọn phải là nhà có uy tín trong làng và trong nhà cũng có người làm “thầy đạo” hoặc “thầy múa”. Chủ nhà phải là người am hiểu về lễ hội và có kinh nghiệm trong tổ chức lễ hội. Thông thường lễ hội “Bung Lổ” được tổ chức khoảng từ ngày 5 đến 15 tháng 5 Âm lịch. Khác với các lễ hội khác, lễ hội này, thầy múa giữ vai trò chủ đạo trong tiến trình của lễ hội.

Trong lễ hội, các lễ vật và dụng cụ liên quan đến nghi lễ như: lợn, gà, rượu, gạo, hương, giấy bản màu… được chủ nhà lo liệu. Lễ vật cần thiết trên bàn thờ chỉ là mâm cúng đơn giản, các lễ vật chỉ mang tính tượng trưng, ý tưởng. Ngoài ra còn sử dụng thêm một số dụng cụ khác như: lán cúng “Màn giù”, mâm cúng, mặt nạ, cờ đuôi rồng, thanh la, đao, kiếm gỗ…

Lễ Tằng Cẩu của người Thái Đen

Một tục lệ không thể thiếu của các cô gái Thái Đen Mường Lò Văn Chấn, Nghĩa Lộ (Yên Bái) trước khi về nhà chồng, phải tiến hành nghi Lễ Tằng Cẩu để rũ đi những vẩn đục của quá khứ, được nhẹ nhàng, thanh sạch, bước vào một cuộc sống mới.

Cô dâu được búi tóc ngược lên đỉnh đầu trong lễ Tằng Cẩu, để thông báo cho mọi người biết mình đã có chồng. Lễ Tằng cẩu được thực hiện theo từng bước rất cụ thể, chặt chẽ và độc đáo. Lễ vật nhà trai chuẩn bị cho cô dâu gồm: 1 sải khăn piêu, khít, đôi vòng tay và hoa tai bạc, nhẫn vàng hoặc bạc, trâm cài tóc, chiếc gương nhỏ, chiếc lược sừng và 1 lọn độn tóc đem sang nhà gái tặng cô dâu.

Trong ngày làm lễ Tằng cẩu, nhà trai cử một đoàn sang nhà gái gồm những thiếu nữ trẻ đẹp và các thiếu phụ khỏe mạnh, tháo vát, am hiểu sâu sắc phong tục, tập quán và thông thạo động tác búi tóc ngược cho cô dâu mới. Phía nhà gái cũng có số người tương ứng, trong đó có hai thiếu nữ làm phù dâu, thường là bạn thân của cô dâu.

Từ chân cầu thang, cô được đón rước và bước chậm rãi từng bậc lên nhà sàn. Đến Tang chan (ngoài sàn) cô ngồi vào giữa một hàng ghế mây, hướng về phía mặt trời mọc. Hai thiếu nữ phù dâu cùng phụ nâng khay đựng đồ trang sức do nhà trai mang sang.

Tiếp đó, Nai cẩu (người được chọn để Tằng cẩu cho cô dâu) đứng ở phía sau lưng cô, nhẹ nhàng chải tóc rồi dùng hai tay vuốt ngược tóc từ phía sau gáy lên kèm theo lọn tóc độn và búi cuốn chặt lại từ trái sang phải hoặc ngược lại. Khi búi tóc đã hoàn chỉnh. Nai cẩu khẽ nâng chiếc trâm bằng bạc xuyên búi tóc để giữ cho cẩu không thể xổ rối tung và chiếc trâm bạc xinh xắn nổi bật trên nền đen óng mượt của búi tóc cô dâu mới.

Khi lễ Tằng Cẩu xong, Nai cẩu khẽ hát những lời dặn dò yêu thương và chúc mừng hạnh phúc cho tình yêu đôi lứa “Mái tóc dài, chải cho mượt/ Búi ngược lên thành “Tằng cẩu”/ Từ nay về sau, người đã có chồng/ Nước không đổi dòng/ Lòng không đổi hướng, con ơi”.

 

Lễ Tằng cẩu được người Thái đen coi trọng, bởi nó để lại dấu ấn quan trọng trong suốt cả cuộc đời người phụ nữ dân tộc này.

 

Dân tộc Thái có vốn văn học cổ truyền quý báu với kho tàng thần thoại, cổ tích, truyền thuyết, truyện thơ, ca dao…cùng nhiều điệu múa (khắp) độc đáo: xoè Thái, múa sạp. Và một nét văn hóa độc đáo, làm nên nét riêng có của núi rừng Tây Bắc chính là Lễ Tằng Cẩu của người Thái Đen.

Lễ hội Hoa Ban – Mường Lò

Vùng Mường Lò tỉnh Yên Bái là nơi tập trung đông đồng bào dân tộc Thái sinh sống và có nhiều phong tục, lễ hội, các tục cúng giỗ đặc sắc. Bên cạnh những lễ hội như: Rằm tháng Giêng, Tết Síp xí, Xên bản, Xên Mường…, lễ hội Hoa ban là một hoạt động văn hóa tiêu biểu của vùng đất và cuộc sống tinh thần của người Thái Mường Lò. Hội Hoa ban là ngày vui của họ hàng, của bản, mường và là dịp cho trai, gái gặp gỡ, hò hẹn. Cứ đến ngày 5/2 âm lịch hàng năm, lễ hội Hoa ban được tổ chức. Địa điểm tổ chức thường là ở hang Thẳm Lé.

Lễ hội Hoa ban hàm chứa ý nghĩa cầu phồn thực của cư dân nông nghiệp miền núi, với tâm nguyện thỉnh bái “Then” – vị thần tối cao trong hàng ngũ thánh thần theo quan niệm của người Thái; thỉnh bái “Nàng Ban” – một nữ nhân vật huyền thoại biểu thị cho sự trinh trắng của thiếu nữ Thái và tình yêu đôi lứa thủy chung; thỉnh bái ma trời, ma đường, ma núi, ma sông… phù hộ cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, vạn vật đơm hoa, kết trái, cho lứa đôi hạnh phúc và cuộc sống của dân bản yên vui.

Truyền thuyết của người Thái kể rằng: nàng Ban là một cô gái xinh đẹp nhưng bị bệnh đậu mùa, nàng không lấy chồng mà lên hang Thẳm Lé (nay thuộc xã Sơn Thịnh, huyện Văn Chấn) sinh sống. Cuối cùng, nàng kiệt sức ở đó. Nơi nàng nằm xuống sau đó mọc lên một cây hoa mang búp trắng như búp tay người con gái và chẳng bao lâu, loài hoa ấy mọc lan ra khắp vùng Tây Bắc. Hằng năm mỗi độ xuân về, hoa nở trắng núi rừng và người ta đặt tên loài hoa đó là hoa ban.

 

Các cô gái Thái xinh đẹp tham dự lễ hội Hoa ban

Sau lễ cúng, bà con dân bản được vào hang dự tiếp phần hội. Nội dung của phần hội chủ yếu là khắp giao duyên theo điệu han nê. Sau đó là các trò chơi hái hoa, múa xòe và ném còn. Các chàng trai giúp các cô gái hái những bông hoa trắng muốt đem về nhà. Hoa ban còn là món ăn độc đáo trong văn hóa ẩm thực của dân tộc Thái. Món hoa ban nấu với gạo nếp thành xôi cho hương vị đậm đà, ngào ngạt hương thơm. Khi hoàng hôn buông cũng là lúc kết thúc các trò chơi trong lễ hội. Các chàng trai, cô gái vừa đi vừa nói những lời chia tay nhau đầy lưu luyến, hẹn đến mùa xuân mới, khi ban nở trắng đồi sẽ lại gặp nhau…

 

Lễ hội Đền Mẫu Thác Bà

 

Đã thành thông lệ, cứ vào ngày 9 tháng giêng âm lịch hàng năm, đông đảo bà con nhân dân cùng du khách thập phương lại nô nức về dự hội Đền Mẫu Thác Bà thuộc thị trấn Thác Bà, huyện Yên Bình tỉnh Yên Bái. Tương truyền từ thời các vua Hùng, có nàng công chúa tên gọi Minh Đạt được cắt cử trông coi vùng sông Chảy Thác Bà, dạy dân khai khẩn đất hoang, trồng lúa, dệt vải. Khi bà mất được nhân dân tôn kính, lập đền thờ phụng tại Thác Bà.

 

 

Sau phần lễ nghiêm trang là phần hội sôi nổi và vui nhộn với các trò chơi dân gian như: kéo co, đẩy gậy, chọi gà, ném còn, cờ tướng v.v…Những hình thức sinh hoạt văn hóa mang đậm màu sắc dân gian đã tạo cho ngày hội của nhân dân vùng hạ lưu sông Chảy thêm sống động và thực sự là nơi giao lưu văn hóa giữa các dân tộc Kinh, Tày, Nùng trong vùng. Các trò chơi trong hội không chỉ thể hiện sự khéo léo, tài trí và thông minh mà còn toát lên tính tập thể, tinh thần cộng đồng cao.

Lễ hội Đền Mẫu Thác Bà hội tụ sắc thái văn hóa của cư dân bản địa lâu đời, mang nhiều yếu tố tín ngưỡng tiến bộ.

 

Tham khảo nguồn: https://topxephang.com/top-6-le-hoi-truyen-thong-lon-va-noi-tieng-nhat-o-yen-bai.html

 

Đọc sách

Nhận xét

Bình luận

Greenbooks liên quan